Đọc báo in
Tải ứng dụng
Những pho sử đá
2011-10-24 10:50:00

Sau mộc bản Triều Nguyễn, hệ thống 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới vào tháng 3 năm 2010. Đây là nơi lưu giữ đầy đủ và rõ ràng nhất về lịch sử khoa cử của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Sau mộc bản Triều Nguyễn, hệ thống 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới vào tháng 3 năm 2010. Đây là nơi lưu giữ đầy đủ và rõ ràng nhất về lịch sử khoa cử của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm 82 tấm bia đá, được dựng từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41). Bia là nơi ghi danh những người đỗ tiến sĩ Nho học của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiêu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào mùa thu năm Canh Tuất - 1070, vua Lý Thánh Tông cho khởi công xây dựng Văn Miếu ở phía Nam kinh thành Thăng Long để thờ các bậc thánh hiền, các bậc nho gia có công với nước. Trong đó có thờ Khổng Tử, người sáng lập ra nền Nho giáo phương Đông và Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Năm 1076, cũng tại nơi đây, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam bên cạnh Văn Miếu để làm nơi đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đến đời Lê Thánh Tông (1483), nhà vua đặt ra lệ khắc tên tuổi những vị thi đỗ tiến sĩ vào bia đá và cho dựng ở Văn Miếu để tôn vinh công trạng của họ. Từ đó về sau cứ mỗi khoa thi lại cho dựng một tấm bia. Trải qua hơn 300 năm, tổng cộng có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi đã được dựng. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 ghi lại lịch sử khoa thi năm 1779. Qua thống kê, trên 82 bia tiến sĩ có ghi danh 1.304 người đỗ đạt cao. Điều đặc biệt và đáng tự hào là hầu hết tất cả các dòng họ của Việt Nam đều có người được ghi danh trên “bảng vàng” đặc biệt này.

Hàng bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh Giang

Một đoạn văn trên bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442). Ảnh: Hoàng Giáp

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan bia tiến sĩ, năm 1960. Ảnh: Tư liệu

Đầu rùa đá được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Hoàng Giáp

Trán bia được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Hoàng Giáp

Phong tục sờ đầu rùa cầu học hành đỗ đạt của giới trẻ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giáp

Bia tiến sĩ Văn Miếu được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới. Ảnh: Trần Thanh Giang

Du khách nước ngoài tham quan bia tiến sĩ. Ảnh: Đinh Công Hoan

Toàn cảnh khu bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Trần Thanh Giang

Mỗi tấm bia là một bài ký bằng chữ Hán do các bậc danh nho bậc nhất đương thời soạn thảo, mô tả về kì thi cùng với tên tuổi những vị giám khảo chấm thi, thể lệ cuộc thi và sau đó là danh sách những người đỗ đạt với đầy đủ tên tuổi, quê quán, thành tích đỗ đạt của họ. Qua đó cho thấy sự đề cao việc học và chính sách trọng dụng nhân tài của các triều đại phong kiến xưa.

Điển hình như tấm bia đầu tiên dựng vào năm 1484 ghi lại kì thi năm 1442 có câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Các tấm bia về sau cũng với lời văn chuẩn mực mà mềm mại như thế được soạn thảo kỹ càng để đề cao việc trọng dụng hiền tài của mỗi triều đại, cũng như để nhắc nhở những người đỗ đạt hãy vì non sông đất nước mà cống hiến tài năng của mình.

Đặc biệt, xét trong bối cảnh những nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhận Bản, Việt Nam thì chỉ có Việt Nam có bia tiến sĩ mang nội dung phản ánh tư tưởng chính trị, triết học, giáo dục và khoa cử của triều đại. Do đó, thông qua nội dung văn bia, người ta có thể nghiên cứu tìm hiểu về sự tác động của Nho giáo đối với chính sách trị quốc của các triều đại phong kiến xưa.

Có thể nói, mỗi tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa có giá trị về mặt kiến trúc, vừa hàm chứa những giá trị lớn lao về mặt lịch sử và học thuật. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, những tấm bia đá đến nay vẫn còn vẹn nguyên, trở thành một kho sử liệu khổng lồ với nhiều giá trị quý giá hàm chứa bên trong, rất đáng để cho người đời quan tâm, nghiên cứu và học hỏi.

(Theo BAVN)

 

Từ khóa:
Tin liên quan