Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Nút thắt” trong giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư công 

Cập nhật ngày: 28/05/2022 - 01:02

BTN - Bồi thường giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nóng, được lãnh đạo tỉnh quan tâm, vì kéo dài khiến các dự án đầu tư bị chậm tiến độ giải ngân vốn, đội vốn đầu tư công. Hơn nữa, tiền lệ xấu này còn gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và bức xúc cho người dân.

Cầu K8 mới thuộc dự án đường Đất Sét - Bến Củi đã xây dựng xong nhưng chưa có mặt bằng thi công đường dẫn vào cầu (ảnh chụp ngày 25.5.2022)

Cần nhìn nhận rằng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thời gian qua ở tỉnh đạt được những kết quả khả quan, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của tỉnh trong các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi… Có thể kể đến các công trình: Đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông, cầu An Hoà, đường 782-784, 790, Khedol - Suối Đá… Tuy nhiên, còn không ít công trình gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, dẫn đến có công trình không “về đích” đúng kế hoạch.

Trong số đó có thể nói đến công trình đường Đất Sét - Bến Củi và đường 782 - 784. Tại đường Đất Sét - Bến Củi vẫn còn thiếu 1 làn xe theo thiết kế do chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án kênh N4 mới; cầu K8 đã xây xong nhưng vẫn phải chờ đường dẫn vào cầu do chưa có mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, công trình đường 782-784 đoạn qua các xã Truông Mít, Chà Là (huyện Dương Minh Châu) mới có mặt bằng sạch để nhà thầu triển khai thi công.

Tại thị xã Trảng Bàng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án đường 787 được địa phương thực hiện đạt hơn 90%; các đơn vị đang gấp rút thi công để kịp tiến độ theo kế hoạch.

Giải phóng mặt bằng để thi công một dự án tất nhiên ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Do đó, nhiều người cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ dân hiểu được lợi ích của dự án cho sự phát triển chung của tỉnh; giải quyết hài hoà quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án, trên cơ sở các quy định pháp luật. Điều đó cũng là một bài toán khá nan giải cho những cán bộ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đường dẫn vào cầu K8 thi công được 1 đoạn phải dừng lại để chờ mặt bằng sạch mới có thể tiếp tục triển khai (Ảnh chụp ngày 25.5)

Theo HĐND tỉnh, kết quả khảo sát công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 cho thấy, nhìn chung, việc thu hồi đất, lập dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cơ bản thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định, như: xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và niêm yết công khai minh bạch tại trụ sở UBND cấp xã và các khu dân cư nơi người dân có đất bị thu hồi; tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại với người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc đẩy nhanh tiến độ tạo quỹ đất sạch để thực hiện các dự án đầu tư được tiến hành một cách công khai, dân chủ, kịp thời, đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo phản ánh, một số dự án có thời gian thực hiện tương đối dài, nhiều địa phương gặp khó khăn; các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi không đồng ý giá bồi thường theo bảng giá đất đã ban hành của tỉnh; một số công trình vật kiến trúc, cây trồng chưa có quy định trong bảng giá bồi thường của Nhà nước; khi lập phương án bồi thường, các địa phương đều gặp khó khăn trong việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm; việc phối hợp cung cấp thông tin giữa các địa phương trong xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp còn chậm trễ, chưa chính xác dẫn đến người dân khiếu nại, không chịu hợp tác; việc tái định cư còn bị động do các khu đất được quy hoạch tái định cư chưa triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, không bảo đảm cho việc bố trí tái định cư…

Có thể thấy, vấn đề bố trí tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án đầu tư công chưa được các địa phương quan tâm. Đơn cử, cầu K8 (huyện Dương Minh Châu) xây dựng xong nhưng chưa thể triển khai thi công đường dẫn vào cầu là do các hộ dân ảnh hưởng trong việc mở tuyến đường mới vào cầu K8 bị thu hồi hết đất nhưng chưa được huyện bố trí chỗ tái định cư.

Hiện nay, huyện Dương Minh Châu đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để nhanh chóng bố trí tái định cư cho các hộ dân này, nhằm sớm có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công đường dẫn vào cầu K8 mới.

Sau khi bàn giao mặt bằng, dự án đường 787 (thị xã Trảng Bàng) đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công (ảnh chụp ngày 25.5.2022)

Một hộ dân sinh sống tại phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng có đất bị ảnh hưởng do việc mở rộng đường 787 cho biết, khi cán bộ tuyên truyền về việc giải phóng mặt bằng triển khai dự án đường 787, ông cũng như nhiều hộ dân khác thắc mắc về quyền lợi của mình.

Sau đó, chính quyền đã giải quyết hài hoà quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nên đa số hộ dân ở đây đồng ý nhận tiền bồi thường, tự đập bỏ vật tư kiến trúc, dọn dẹp hoa màu để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Theo ghi nhận vào ngày 25.5, tại dự án đường 787 (thị xã Trảng Bàng), các hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đã gấp rút dỡ bỏ vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho dự án. Các đơn vị khẩn trương thi công do đã có mặt bằng.

Một số hộ dân trên đường 787 đã dở bỏ kiến trúc (nhà cửa) sau khi đồng ý phương án bồi thường giải phóng mặt để bằng bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công (ảnh chụp ngày 25.5)

Thế nhưng, không phải dự án nào cũng có được mặt bằng sạch nhanh chóng triển khai như đường 787, bởi bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn, thậm chí có không ít hộ dân khởi kiện ra toà và cơ quan chức năng phải chờ quyết định cuối cùng của toà án. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác đặt ra cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

 Thế Nhân