BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi):

Quy định như dự thảo dễ dẫn tới sự né tránh trách nhiệm bồi thường trong việc khởi tố, truy tố, xét xử sai... 

Cập nhật ngày: 03/06/2017 - 04:35

BTNO - ĐBQH Trịnh Ngọc Phương cho rằng khi một người phạm tội đến đâu thì bị xử lý và chịu chế tài đến đó. Ngược lại, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gây ra oan, sai đến đâu thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường tương xứng.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại hội trường.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ngày 31.5.2017, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh đã có ý kiến phát biểu như sau:

Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự quy định tại khoản 5 Điều 18: “Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành”; Đại biểu Phương cho rằng quy định nêu trên là chưa phù hợp. Bởi vì, theo quy định này, căn cứ để bồi thường là bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Quy định này cho thấy, để được bồi thường cần có các điều kiện:

Một là, điều kiện cần: Có bản án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong tố tụng hình sự xác định một người bị oan một hoặc một số tội nào đó mà trước đây Toà án đã tuyên.

Hai là, điều kiện đủ: Thời gian đã bị tạm giam, đã chấp hành hình phạt tù nhiều hơn hình phạt của những tội còn lại.

Như vậy, trong trường hợp thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù bằng hoặc ít hơn hình phạt phải thi hành thì dù một người nào đó bị oan về một tội hay nhiều tội cũng không được bồi thường. Quy định này sẽ dẫn tới sự né tránh trách nhiệm bồi thường của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc khởi tố, truy tố, xét xử sai về những tội danh nào đó trong trường hợp một người phạm nhiều tội.

Về bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội đã thể hiện và cho thấy một người đã bị oan về một tội hoặc một số tội, nhưng vẫn không được bồi thường vì đã phạm tội khác. Đại biểu Phương cho rằng đây là quy định mang tính khiên cưỡng mà người bị oan không bao giờ có cơ hội minh oan về những tội mà mình phải chịu oan.

Trong trường hợp bản án bị huỷ toàn bộ, đại biểu Phương nhận thấy quy định nêu trên dễ dẫn tới sự tuỳ tiện trong xét xử lại, để né tránh trách nhiệm bồi thường. Bởi vì, trong trường hợp này, những tội không bị oan rất có thể bị nâng hình phạt để né tránh bồi thường do khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự rất rộng (Ví dụ như tội giết người tại Điều 123 BLHS 2015 có các khung từ 7 đến 15 năm hoặc từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Hơn nữa, theo đại biểu Phương, Điều 15 BLTTHS 2015 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.  Như vậy, đã có căn cứ xác định một người bị oan về những tội nào đó, tại sao cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, truy tố sai không phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Bên cạnh đó, quy định tại khoản 5 Điều 18 dựa vào thời gian chấp hành hình phạt để xác định phạm vi bồi thường là che giấu quyết định, hành vi tố tụng sai của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Và vẫn theo đại biểu Phương, một người bị oan về một tội hoặc một số tội nào đó nhưng không được minh oan thì có cảm giác rất nặng nề và có thể tâm lý, tinh thần của họ bị ảnh hưởng đến suốt cuộc đời. Ví dụ như một người bị xét xử về tội giết người và cố ý gây thương tích nhưng sau đó xét xử lại xác định người này không phạm tội giết người, còn đối với tội cố ý gây thương tích thì chỉ có vai trò giúp sức về mặt tinh thần. Trong trường hợp này mà nếu thuộc và chiếu theo các quy định nêu trên thì coi như không có cơ hội để minh oan về tội giết người.

Từ những phân tích trên, đại biểu Phương cho rằng khi một người phạm tội đến đâu thì bị xử lý và chịu chế tài đến đó. Ngược lại, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gây ra oan, sai đến đâu thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường tương xứng. Có như vậy mới phát huy được nguyên tắc pháp chế XHCN quy định tại Điều 7 BLTTHS và thực hiện tốt nhiệm vụ của BLTTHS tại điều 2 của bộ luật này là bảo đảm tính chính xác, công minh, không làm oan người vô tội, đồng thời cụ thể hoá  được mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền.

DN-KC

(Lược ghi)