Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Sang nhượng đất bằng giấy tay, coi chừng bị “lật lọng”
Chủ nhật: 11:24 ngày 07/06/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Tuy vụ án được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm cách đây hơn 1 năm, nhưng bài học rút ra để nhắc nhở mọi người trong việc giao dịch liên quan đến bất động sản không bao giờ cũ…

Rắc rối sau khi chuyển nhượng

Tại toà án, theo anh Hồng trình bày, vào tháng 9.2012, chị Minh đồng ý chuyển nhượng cho anh một phần đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) do chị Minh đứng tên sử dụng, trên đất có một căn nhà tường cấp 4, với giá là 300 triệu đồng (bao gồm cả nhà lẫn đất).

Việc chuyển nhượng này chỉ bằng giấy tay, trong đó anh Hồng và chị Minh cùng ký tên. Do căn nhà chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nên không ghi vào nội dung giấy sang nhượng đất. Anh Hồng cũng đã đặt cọc số tiền 20 triệu đồng, có ghi trong giấy là nếu ai thay đổi ý định thì phải bồi thường 50% giá trị tiền đặt cọc.

Đến cuối tháng 10.2012, anh Hồng đã trả đủ số tiền 280 triệu đồng còn lại cho chị Minh và chị Minh đã giao chìa khoá căn nhà và bản chính giấy chứng nhận QSDĐ cho anh Hồng giữ.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi nhận đủ số tiền bán đất, chị Minh chủ động đến nhà anh Hồng nói rằng chị chỉ bán phần phía trước, còn phần phía sau (có chiều dài khoảng 6m, chiều ngang 18m) chị không bán. Anh Hồng không đồng ý nên chị Minh có đơn khiếu nại gửi UBND xã.

UBND xã tổ chức hoà giải không thành và chị Minh không chịu làm thủ tục chuyển nhượng nên anh Hồng khởi kiện ra toà, yêu cầu chị Minh tiếp tục thực hiện chuyển nhượng đất cho anh; nếu không thì phải trả lại cho anh Hồng số tiền 300 triệu đồng và tiền lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước quy định.

Chị Minh cho rằng, khi bán đất, giữa chị và anh Hồng đã thoả thuận chừa lại phía sau 6m, chiều ngang 18m. Tuy nhiên vài ngày sau, anh Hồng nói là chuyển nhượng toàn bộ thửa đất nên chị không đồng ý và làm đơn khiếu nại.

Tại toà, chị Minh chấp nhận tiếp tục chuyển nhượng phần đất cho anh Hồng nhưng phải chừa lại phần diện tích phía sau như chị trình bày. Đồng thời chị còn cho rằng, chị không bán nhà cho anh Hồng, nên yêu cầu anh Hồng trả lại nhà.

TOÀ ÁN HUỶ HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG

 TAND cấp huyện sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, lời khai của các bên, nhân chứng… đã chấp một phần khởi kiện của anh Hồng, tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa anh Hồng và chị Minh; buộc chị Minh phải trả cho anh Hồng số tiền 300 triệu đồng tiền gốc và 20 triệu đồng tiền anh Hồng bị thiệt hại từ việc hợp đồng bị tuyên huỷ.

Sau phiên toà sơ thẩm, anh Hồng kháng cáo bản án yêu cầu tiếp tục cho thực hiện hợp đồng, còn chị Minh cũng kháng cáo yêu cầu thực hiện hợp đồng nhưng phải chừa phần diện tích mặt hậu đất và trả lại ngôi nhà cho chị.

Vụ án được đưa ra xét xử theo phúc thẩm. Hội đồng xét xử thấy rằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa chị Minh và anh Hồng chỉ là giấy tay, không thực hiện theo mẫu, không công chứng, chứng thực, khi chuyển nhượng chỉ ghi số thửa đất, không đo diện tích, không xác định tứ cận… là chưa tuân thủ về mặt hình thức của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Mặt khác, khi chuyển nhượng đất, trên đất có tài sản cố định là căn nhà nhưng hai bên không ghi rõ trong hợp đồng.

Hơn nữa, anh Hồng cho rằng chuyển nhượng toàn bộ diện tích thửa đất, chị Minh thì cho rằng chừa lại phần hậu và không bán nhà, nhưng hai bên không có chứng cứ gì để chứng minh.

Do đó, việc chuyển nhượng QSDĐ giữa anh Hồng và chị Minh là một giao dịch dân sự chưa tuân thủ về hình thức và chưa hoàn tất về nội dung, nên là giao dịch vô hiệu. Chị Minh và anh Hồng kháng cáo trong khi diện tích đất và tài sản trên đất chuyển nhượng chưa thống nhất, là không có căn cứ pháp luật.

Từ đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của chị Minh, chấp nhận một phần kháng cáo của anh Hồng; tuyên buộc chị Minh phải trả cho anh Hồng tiền gốc mua đất là 300 triệu đồng và 30 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại, tổng cộng là 330 triệu đồng.

Bài học rút ra trong vụ tranh chấp này một lần nữa nhắc nhở người dân cần phải tuân thủ những quy định của pháp luật về giao dịch bất động sản liên quan đến nhà, đất.

Bởi nếu chỉ thực hiện việc mua bán đất dựa trên lòng tin và giấy tay như trường hợp trên thì nguy cơ gặp rắc rối là rất cao, nếu một bên “trở giọng”. Cuối cùng cả hai bên phải cùng nhau ra toà nhờ pháp luật phân xử- điều mà chẳng người nào khi mua, bán nhà, đất muốn xảy ra.

THIÊN TÂM

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục