BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Sáu Nhựt Trình”- Đức và Tâm một nhà báo 

Cập nhật ngày: 20/06/2020 - 22:48

BTN - Với lãnh đạo chính quyền các cấp, nhà báo Nguyễn Đức Tâm- Tổng Biên tập Báo Tây Ninh thường được gọi là ông “Chủ búp”, ông “Sáu Nhựt Trình” một cách thân mật mà không kém phần trân trọng. Anh em phóng viên thì tâm phục, khẩu phục người anh cả trong việc thể hiện “trách nhiệm người đứng đầu” cơ quan.

Nhà báo Nguyễn Đức Tâm trò chuyện với phóng viên, cộng tác viên Báo Tây Ninh. Ảnh tư liệu P. TK

Sáng 13.6.2020, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2020).

Có 187 đại biểu đại diện cho hơn 42.000 người làm báo trong cả nước tham dự hội nghị. Họ là những người làm báo tiêu biểu, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí. Hội nghị lần này cũng là dịp tôn vinh các nhà báo lão thành - những người cả cuộc đời đã gắn liền sự nghiệp báo chí cách mạng, là những tấm gương sáng, lan toả những giá trị và bài học tốt đẹp để các thế hệ nhà báo hôm nay học tập, noi theo…

Đã có nhiều cái tên được nhắc đến trong hội nghị và tôi lại nhớ về nhà báo Nguyễn Đức Tâm (Sáu Tâm) - cố Tổng Biên tập Báo Tây Ninh (1975 - 2005), người đã để lại một dấu ấn đặc biệt về trách nhiệm người đứng đầu trong cách làm nghề cho anh em làng báo Tây Ninh từ sau ngày đất nước thống nhất đến tận bây giờ. 

Ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội khoá VI (24.5.1976), cùng với niềm vui thống nhất cả nước, Bắc Nam lìên một dải, Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành quyết định thành lập cơ quan Báo Tây Ninh, trực thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Với lãnh đạo chính quyền các cấp, nhà báo Nguyễn Đức Tâm- Tổng Biên tập Báo Tây Ninh thường được gọi là ông “Chủ búp”, ông “Sáu Nhựt Trình” một cách thân mật mà không kém phần trân trọng. Anh em phóng viên thì tâm phục, khẩu phục người anh cả trong việc thể hiện “trách nhiệm người đứng đầu” cơ quan.     

Nhà báo Võ Hữu Thành (Ba Thành)- nguyên Phó Tổng biên tập (1987-2011) nhớ lại: “Giải phóng, phóng viên đếm trên đầu ngón tay, mà đâu có thằng nào tốt nghiệp đại học, nhiều đứa chỉ mới qua cấp 2. Làm nghề viết mà, học ít thì sao viết được nhiều? Vì vậy, anh Sáu Tâm đã phải tổ chức học bổ túc văn hoá tại chỗ để anh em phóng viên đi thi.

Ảnh đánh tiếng nhờ anh Võ Hùng Việt (sau này là Chủ tịch HĐND tỉnh) dạy kèm Anh văn để thi chứng chỉ A. Rồi anh nhận Nguyễn Trí Chương- chủ cơ sở máy tính Nguyễn Trí về toà soạn vừa làm kỹ thuật viên, đứng lớp dạy vi tính cho cơ quan.

Những ngày không làm báo, cứ 4 giờ chiều cả cơ quan gom lại để “thầy” Chương dạy. Anh Sáu không phải lên lớp học, dù trình độ học vấn của anh cũng không hơn gì các phóng viên lúc bấy giờ, tuy nhiên, anh vẫn đến toà soạn, đi vòng vòng ngoài hành lang xem ai trốn học là “trị” tới nơi.

Nhờ vậy mà thời gian ngắn sau đó, cả cơ quan đều biết nhập liệu bằng máy tính, và Báo Tây Ninh nhanh chóng trở thành một trong những tờ báo tỉnh- chỉ sau Báo Đồng Nai, thực hiện việc trình bày báo trên máy vi tính và truyền file xuống TP. Hồ Chí Minh cho nhà in mà không phải chạy sấp mặt bằng chiếc xe con, hễ ngừng đèn đỏ là tắt máy, đèn xanh bật lên thì đề máy không nổ, anh em phải tót xuống xe đẩy đổ mồ hôi hột như trước kia”.

Anh Sáu Tâm không chỉ quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hoá, mà còn quan tâm sâu sắc đến việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ phóng viên ở toà soạn. Một loạt các cây bút sắc sảo trong làng báo Tây Ninh, được đồng nghiệp các tỉnh biết đến: Phương Vũ, Tấn Hùng, Nhất Phượng, Tam Sơn, Trúc Thu, Trần Việt… đều trưởng thành dưới thời anh “cầm trịch”.

Anh Sáu có cách truyền nghề rất tận tâm và chí tình. Anh luôn quan sát để tìm kiếm cơ hội nâng cao vị thế và tay nghề cho anh em dưới trướng. Anh luôn chủ động tháo gỡ khó khăn, xoá bỏ tâm lý e ngại của phóng viên khi gặp lãnh đạo chính quyền các cấp.

Thực tế, nhiều phóng viên không đủ bản lĩnh để tiếp cận lãnh đạo cấp huyện, xã… khiến việc thu thập tài liệu đa chiều, phục vụ cho bài viết bảo đảm sự sắc sảo, chắc tay… trở nên khó khăn. Anh lên tiếng cùng đi với lính xuống tận nơi… Bóng dáng ông “chủ búp” xuất hiện như một sự xác tín thay cho thẻ hành nghề của phóng viên.

Làm quản lý, nên anh ít có tác phẩm báo chí cụ thể, nhưng sản phẩm nghiệp vụ thiết thực thì anh để lại rất nhiều. Tôi nhớ năm 1999, ở An Hoà, quê hương anh xảy ra vụ án nghiêm trọng ngay đúng vào Tháng hành động Vì trẻ em, Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh đã đeo đuổi sự việc suốt gần 6 tháng trời bằng loạt bài “Đánh chết con trừ nợ mẹ”. Vụ án khép lại bằng việc toà án phiên phúc thẩm bác kháng cáo phía hung thủ, tuyên giữ nguyên quyết định của phiên sơ thẩm: xác định bản chất vụ án là giết người thay vì cố ý gây thương tích gây chết người như cơ quan điều tra nhận định ban đầu.

Báo Tây Ninh, ngoài việc cử phóng viên Nhất Phượng theo đuổi viết bài, Tổng Biên tập còn tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp báo tại toà soạn với sự tham dự của đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát và các cơ quan báo chí tại TP. Hồ Chí Minh có bài phản ánh về vụ án để rộng đường dư luận.

Cuộc họp báo không chỉ nhằm minh định sự thật khách quan đang còn lấn cấn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan truyền thông báo chí, mà còn giải toả áp lực trong việc trung thành sự thật và lẽ công bằng mà các bên thể hiện.

Có lẽ đó là cuộc họp báo đầu tiên trong lịch sử báo chí cả nước, mà người nghĩ ra chính là Tổng Biên tập Báo Tây Ninh. Nhưng sau đó, khi gặp lại, anh thú nhận một sự thật khác mà lúc đó anh không muốn nói. Anh bảo đó còn là sự kiện mà anh cố tình tạo ra, để anh chị em phóng viên trong báo có cơ hội học thêm cách hành nghề chính quy của các tờ báo có tên tuổi.

“Thương lính và hết lòng bênh lính là điều khó ai phủ nhận đối với anh Sáu Tâm”- nhà báo Võ Hữu Thành nói. “Giữa anh Sáu với lính không có khoảng cách mà giống như anh em trong gia đình. Anh Sáu không bao giờ chỉ có nghe “mắng vốn” loáng thoáng thì lập tức nhắm mắt, nhắm mũi về… la.

Anh Sáu Tâm đòi hỏi phóng viên phải có trách nhiệm với sự tin cậy của Tổng Biên tập. Cựu nhà báo Trần Văn Dững (hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông) nhớ như in cái ngày họp chuyên môn thường kỳ của toà soạn sau lần Đại hội Đảng bộ tỉnh bầu ông Nguyễn Văn Rốp làm Bí thư: “Thời đó, phóng viên ảnh còn sử dụng máy cơ. Tui được toà soạn phân công viết bài về đại hội, Chín Châu chịu trách nhiệm chụp hình.

Ông này lại ỷ y tay nghề của mình, vô hội trường bấm 2, 3 pô rồi về, đến khi rọi ra không tấm nào xài được… Lúc vô họp chuyên môn, ông Sáu chửi như tát nước vô mặt. Ông Chín Châu ngồi kế tui nói chắc tao làm đơn nghỉ mày ơi! Tao già vầy mà để ổng chửi trước mặt tụi bây hoài, vừa quê vừa nhục quá…

Họp xong, Chín Châu ra đứng trước cửa toà soạn mặt xệ như cái thúng. Ổng Sáu đi ra, dừng lại rồi móc túi đưa Chín Châu mấy chục ngàn kêu ra chợ mua rau sống với mấy ràng bánh tráng mang vô nhà ổng nhậu.

Mới làm một, hai ly, ông Sáu đã mở lời với Chín Châu: Hồi mơi tao chửi mày vậy thấy đúng hông? Tay nghề mày cứng nhứt cơ quan mới kêu mày qua đi chụp hình tân Bí thư Tỉnh uỷ, mà mày quất một tấm nhắm mắt, một tấm hả họng hỏi sao tao hông chửi. Rồi giờ mày có giận tao hông?”.

Nhà báo Nguyễn Đức Tâm trao bằng khen của UBND tỉnh cho đại diện doanh nghiệp Khương Huê - đơn vị tài trợ cuộc thi viết về an toàn giao thông năm 2004. Ảnh tư liệu P. TK

“Giờ nhìn lại, thời kỳ anh làm Tổng Biên tập, Báo Tây Ninh trở thành tờ báo tỉnh vững mạnh, có số phát hành khá cao so với các báo tỉnh khác. Tỉnh uỷ luôn tin vào cách làm việc của ông Sáu Nhựt Trình, vì phần lớn phóng viên được anh tuyển dụng đều có tay nghề và tâm huyết” - cựu nhà báo Trúc Thu nói.

Thật tình, tin anh qua đời trong tai nạn giao thông quá đột ngột khiến nhiều dự định giữa tôi và anh bị gián đoạn trong nuối tiếc. Trước đó, tôi cũng không có nhiều cơ hội để “trà dư tửu hậu” với anh, chỉ một lần ghé nhà nghe anh tâm sự về cái nghề mà anh cho rằng “nếu không trung thực với sự thật thì không thể nhà báo chân chính và tử tế”.

Tôi cũng chưa có dịp để hỏi anh vì sao không phải là Nguyễn Thái Bồng mà anh lại chọn cho mình bút danh Nguyễn Đức Tâm. Tất thảy những gì anh làm cho toà soạn, cho anh em phóng viên, giờ tôi mới hiểu, thì ra, anh muốn gửi gắm lại cho thế hệ đàn em rằng, hãy “Lấy Tâm (trong sáng, ngay thẳng) mà làm báo. Lấy Đức (nhân ái) mà viết báo. Người làm báo không chỉ cần phải rèn luyện một trái tim nóng để yêu thương và mà còn phải giữ cho mình cái đầu đủ lạnh!”.

Thiện Nguyễn