Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền đã xuất hiện lâu đời, được cộng đồng dân tộc thiểu số thừa nhận, được cơ quan chuyên môn xác nhận, được cấp có thẩm quyền phê chuẩn...
Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền đã xuất hiện lâu đời, được cộng đồng dân tộc thiểu số thừa nhận, được cơ quan chuyên môn xác nhận, được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, chẳng hạn như chữ Chăm AkhaThrah, Khmer, Hoa, Thái, Lào…
Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Hướng dẫn thực hiện việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp.
Dự thảo cũng quy định đối với các tiếng dân tộc thiểu số có nhiều bộ chữ thì việc lựa chọn bộ chữ để dạy và học trong nhà trường phải căn cứ vào tính phổ biến của bộ chữ đã và đang được sử dụng trong sáng tác văn học, ghi chép văn học dân gian… ở địa phương.
Chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn với sự tham gia của các chuyên gia về ngôn ngữ, giáo dục. Các lớp được trang bị cơ sở vật chất như các lớp học thông thường khác ở cấp học tương ứng.
Mỗi lớp học tiếng dân tộc thiểu số không quá 25 học sinh đối với cấp tiểu học và không quá 30 học sinh một lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Đây là lần thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Dự thảo về hướng dẫn dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường, nhằm thu nhận các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn nữa trước khi ban hành chính thức.
(Theo Vietnam+)