Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sốt đất ảo và biến tướng của việc “hiến đất làm đường giao thông” 

Cập nhật ngày: 18/04/2022 - 00:08

BTN - Thời gian qua, các đầu nậu đã lợi dụng một số “kẽ hở” pháp luật làm đơn xin trả lại đất cho Nhà nước để làm đường giao thông nhưng mục đích chính là phục vụ cho việc “phân lô, bán nền”.

Các hộ dân sinh sống tại hẻm 88 đường CMT8, phường IV, thành phố Tây Ninh hiến đất mở rộng lộ giới hẻm từ 2m lên 4m.

Việc vận động người dân hiến đất làm đường giao thông là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhằm huy động sự đóng góp của người dân vào việc đồng bộ phát triển hệ thống giao thông đường bộ, nhất là ở các vùng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Đã có rất nhiều người dân, không chỉ ở nông thôn mà ở đô thị hiến đất, chung tay với chính quyền mở đường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng thời gian qua, các đầu nậu đã lợi dụng một số “kẽ hở” pháp luật làm đơn xin trả lại đất cho Nhà nước để làm đường giao thông nhưng mục đích chính là phục vụ cho việc “phân lô, bán nền”.

Hiến đất làm đường-nghĩa cử tốt đẹp

Hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc vận động hiến đất làm đường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, đã có hàng trăm hộ dân hiến đất làm đường, góp phần đồng bộ hoá hệ thống giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá... thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bộ mặt các địa phương ngày càng khang trang hơn.

Không chỉ ở vùng nông thôn mà ở những đô thị như thành phố Tây Ninh hay thị xã Hoà Thành- nơi mà đất đai có giá trị cao, không ít hộ dân nhận thấy sự đóng góp của mình trong việc xây dựng phát triển địa phương là cần thiết.

Báo Tây Ninh từng có bài viết về một số hộ dân sống tại hẻm 88 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường IV, thành phố Tây Ninh, trong đó có 2 hộ đất mặt tiền hiến đất để mở rộng lộ giới con hẻm từ 2m lên 4m ngang, làm cho bộ mặt đô thị khang trang hơn.

Gần đây, UBND thị xã Hoà Thành biểu dương 1 hộ dân sống tại phường Long Thành Trung hiến khoảng 800m2 đất để mở một con đường vào khu đất xây dựng một công trình nhà nước chuẩn bị đầu tư phục vụ cho giáo dục, an ninh, quốc phòng…

Một số trường hợp điển hình được khen thưởng như gia đình ông Nguyễn Văn Hiền và bà Lê Thị Xuân Hoa, thường trú tại khu phố 1, thị trấn huyện Châu Thành được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhiều trường hợp khác được UBND tỉnh tặng bằng khen, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tặng giấy khen.

Việc hiến đất làm đường giao thông thể hiện nghĩa cử tốt đẹp của người dân với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đây là hành động vô cùng ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc.

Một con đường mà người dân “hiến đất làm đường” tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu.

Đầu nậu cũng hiến đất (!?)

Theo số liệu thống kê, thời gian qua, tổng diện tích người dân hiến đất làm đường giao thông là 238.587,68m2, với 337 tuyến đường thuộc cấp huyện, xã quản lý. Thế nhưng, lợi dụng chủ trương đúng đắn của Nhà nước, giới đầu nậu đất cũng hiến đất làm đường nhằm mục đích phân lô, bán nền, gây xáo trộn công tác quản lý đất đai ở địa phương.

Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp hiến đất để làm đường đấu nối với đường giao thông hiện hữu, sau đó tách thửa, phân lô, xây dựng nhà ở dưới hình thức nhà ở riêng lẻ, không lập dự án, hình thành khu dân cư tự phát.

Tại một khu đất ở ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, có một con đường được xây dựng từ phần đất hiến của người dân, kết nối với đường giao thông hiện hữu. Tuy nhiên, con đường mới làm này lại dẫn ra đồng ruộng, không liên thông với bất cứ tuyến đường nào để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chưa kể, trong khu đất này còn có 2 con đường cụt. Đã “mọc” lên một vài căn nhà được xây dựng kiên cố như khu dân cư tự phát nhưng chẳng hề có một cơ sở hạ tầng nào được đầu tư bài bản. Đơn giản, đây là đất nông nghiệp.

Vấn đề đặt ra là, trên toàn tỉnh, trong số tuyến đường được xây dựng từ việc người dân hiến đất, có bao nhiêu trường hợp bị đầu nậu lợi dụng để thực hiện việc phân lô, bán nền, “xẻ thịt” đất nông nghiệp? Hệ luỵ của tình trạng này như thế nào? Cơ quan có thẩm quyền cần có quy định gì để chấn chỉnh? Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.

T.P