Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tập trung hoàn thành kế hoạch kinh tế- xã hội 2011
2011-07-21 09:14:00

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ đọc Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011.

Sáng 21.7, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ đọc Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011.

Theo nội dung báo cáo, bước vào năm 2011, tình hình trong nước và quốc tế đã xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp: Tăng trưởng kinh tế chậm lại; giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu cơ bản trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; nợ công châu Âu lan rộng; kinh tế Nhật Bản trì trệ sau thảm họa kép; lạm phát toàn cầu và các nước trong khu vực tăng cao; bất ổn chính trị ở Trung Đông, châu Phi, tình hình căng thẳng ở Biển Đông tăng lên.

Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo cuối năm 2010. Tăng trưởng kinh tế (GDP) có xu hướng chậm lại; lạm phát tiếp tục tăng cao; mặt bằng lãi suất cao; tỷ giá, giá vàng biến động bất thường; dự trữ ngoại hối giảm mạnh; tổn thất do rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục kiên định chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ đến trong 6 tháng cuối năm 2011.

Trên cơ sở tình hình thực tiễn và dự báo xu hướng biến động kinh tế trong nước và thế giới, định hướng chỉ đạo điều hành một số chỉ tiêu cơ bản của cả năm 2011 như sau:

- Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt mức 5,57%, thấp hơn chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2011 đã được Quốc hội thông qua là 7-7,5%. Cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt mức hợp lý khoảng 6%, bảo đảm nguồn lực cần thiết thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội và giải quyết việc làm, đồng thời tạo điều kiện và tiền đề phấn đấu năm 2012 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,5%, các năm tiếp theo ở mức cao hơn.

- Từ thực tế biến động giá 6 tháng đầu năm và xu hướng giá thế giới, cần kiên trì, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm dần lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15-17%, phấn đấu để năm 2012 và các năm tiếp theo lạm phát ở mức thấp hơn, trở về mức một con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

- Kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%; kiểm soát nhập siêu cả năm không quá 15-16% kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP nhằm từng bước lành mạnh hoá tài chính quốc gia, tạo nền tảng cần thiết cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo cũng trình bày những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2011.

1. Về chính sách tiền tệ:

Tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý theo quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là vào các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao. Tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất xuống mức phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm thanh khoản của hệ thống tín dụng, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nợ xấu và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; kiểm soát để tỷ lệ và mức cho vay tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, bất động sản, chứng khoán giảm so với hiện nay; tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, sản xuất những sản phẩm thiết yếu với đời sống nhân dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, công ty tài chính; xác định tiêu chí và thực hiện phân loại các tổ chức tín dụng để có biện pháp giám sát và xử lý kịp thời.

Tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, hợp lý để bình ổn thị trường và tăng dự trữ ngoại hối; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền là mục tiêu trung và dài hạn của chính sách tiền tệ, tạo tiền đề cho việc kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

2. Về chính sách tài khoá:

Tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài khoá thắt chặt, phối hợp hài hòa với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhằm giảm tổng cầu, giảm sức ép lạm phát năm 2011 và năm 2012. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu vượt 7-8% dự toán thu năm 2011; tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách thấp hơn mức Quốc hội quyết định; tiếp tục rà soát, cắt giảm vốn đầu tư của Nhà nước vào những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài, tập trung vốn cho các công trình sắp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011, công trình an sinh xã hội, giảm nghèo, phòng tránh thiên tai; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn dự phòng ngân sách, nguồn tăng thu năm 2011 và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2011; ưu tiên dùng các nguồn này cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Các Bộ, ngành và địa phương chủ động sắp xếp, bố trí trong phạm vi dự toán được giao để xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm. Tăng cường quản lý, giám sát nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia, bảo đảm trong giới hạn phù hợp, an toàn.

3. Về chính sách thương mại, giá cả, thị trường:

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung-cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Tập trung chỉ đạo quản lý thị trường, giá cả, chủ động phương án ứng phó trước những biến động của tình hình thị trường hàng hoá thế giới và trong nước, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu; ổn định nguồn cung trong nước, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Thực hiện điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành giá cả theo cơ chế thị trường để các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ, có sự chuẩn bị về tâm lý và biện pháp ứng xử.

4. Về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng:

Thực hiện các biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận vốn đối với dự án hiệu quả, có đầu ra của sản phẩm; khuyến khích tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thúc đẩy xuất khẩu, sử dụng hàng sản xuất trong nước và kiểm soát nhập khẩu đối với từng loại mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có kim ngạch lớn. Thực hiện nghiêm chủ trương sử dụng hàng hoá, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước; xây dựng quy trình, nguyên tắc kiểm soát nhập khẩu hàng hoá, vật tư, thiết bị của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn do Chính phủ bảo lãnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường, hàng xa xỉ, hàng không thiết yếu, hàng không khuyến khích nhập khẩu; hạn chế xuất khẩu tài nguyên, nguyên liệu thô.

Chỉ đạo điều hành xuất khẩu gắn với yêu cầu bình ổn giá cả, thị trường trong nước. Điều chỉnh, bổ sung chính sách thuế theo hướng tạo động lực khuyến khích sản xuất các mặt hàng trong nước có khả năng thay thế nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng xa xỉ, hàng không thiết yếu.

5. Về bảo đảm an sinh xã hội:

Tập trung làm tốt hơn nữa để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ về an sinh xã hội đã đề ra cho cả năm 2011, trong đó tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%.

Thực hiện điều chỉnh sớm hơn lộ trình tăng lương tối thiểu theo vùng của khu vực doanh nghiệp. Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh đối với người lao động trong các doanh nghiệp.

6. Về lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội:

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các bậc học trên cơ sở thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo. Tổ chức có hiệu quả hơn các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, mở rộng bảo hiểm y tế theo lộ trình.

Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển văn hoá gắn với phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản.

Chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.

7. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo đảm trật tự an toàn xã hội:

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; đặc biệt trước tình hình và diễn biến phức tạp, cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo; tăng cường sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế kết hợp với quốc phòng.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp để chủ động ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, các băng nhóm tội phạm; quan tâm giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo, xử lý các tệ nạn xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế. Chủ động tích cực tham gia vận động và tạo khuôn khổ, môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và tranh thủ phát triển thị trường tiềm năng.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp bách là đẩy lùi, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung nâng cao công tác quản lý nhà nước, kiện toàn Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia theo hướng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Uỷ ban.

8. Về công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền:

Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quán triệt sâu sắc tình hình, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước; làm tốt công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp để tham gia tích cực vào việc thực hiện, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.

Chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời tăng cường đối thoại chính sách; tăng cường trách nhiệm của báo chí, các cơ quan truyền thông trong việc thu thập, kiểm soát thông tin, bảo đảm kịp thời tuyên truyền về những chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các ngành, các cấp cũng như những việc làm tốt của cán bộ và nhân dân, hạn chế việc đưa tin quá mức những mặt hạn chế, khó khăn, vụ việc xấu, bạo lực trong xã hội...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xem toàn văn báo cáo tại đây.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

 

Từ khóa:
Tin liên quan