BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh cần tận dụng ưu thế có sẵn, tự tin tạo nên thương hiệu du lịch riêng 

Cập nhật ngày: 31/07/2017 - 20:00

BTNO - Hội thảo quốc tế “Du lịch Tây Ninh Tiềm năng - Lợi thế - Cơ hội phát triển” được UBND Tây Ninh tổ chức ngày 31.7, tại khách sạn Sunrise. Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái.

Sau lời phát biểu khai mạc của ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đã có nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cho du lịch của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tặng hoa cho các chuyên gia tham dự hội thảo.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du- Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright phân tích điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh của du lịch Tây Ninh. Ông mượn hình ảnh Tây Ninh không có biển, không có muối, không có tôm nhưng có đặc sản muối tôm ngon nhất Việt Nam.

Du lịch Tây Ninh có thể trở thành “muối tôm Tây Ninh”, tức là có thể trở thành đặc sản của cả nước. Tiềm năng có, thành công hay không là cách làm như thế nào, có thu hút những doanh nghiệp làm du lịch bài bản hay không; nếu chỉ có vài doanh nghiệp làm du lịch ngắn hạn thì khó thành công.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại hội thảo.

Hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quyết định. “Tây Ninh cách TP.Hồ Chí Minh chỉ 100 km, nhưng đi ôtô phải mất 3 giờ hoặc bị kẹt xe thì làm du khách mất hết hứng thú”. Ông Du tóm lại: “Du lịch Tây Ninh hiện tại chỉ là con số không, nhìn về tương lai là con số khổng lồ”.

Ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích, đánh giá thực trạng du lịch Tây Ninh, “bắt mạch” những lực cản chính khiến du lịch Tây Ninh chưa phát triển và gợi ý về định hướng chiến lược phát triển phù hợp cho du lịch Tây Ninh.

Trong đó, ông Thọ nhấn mạnh, làm du lịch nhưng vẫn phải giữ được bản sắc địa phương; du lịch phải mới, hiện đại đối với du khách; làm du lịch nhưng phải chú trọng vấn đề duy tu, bảo tồn bảo dưỡng.

Hiện nay, làm du lịch phải cụ thể, có khách sạn, có văn hóa phi vật thể, vật thể và văn hóa ẩm thực. Có như thế, du lịch Tây Ninh có thể trở thành trung tâm du lịch của khu vực.

Các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Về giải pháp phát triển du lịch, ông Thọ góp ý: Tỉnh Tây Ninh cần chú trọng vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm; thúc đẩy nhanh hóa việc đầu tư; phải đưa ra được sản phẩm du lịch của tỉnh...

Tiến sĩ Bùi Thành Đông- Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch của tỉnh mình: Tây Ninh và Ninh Bình có nhiều điểm tương đồng, trong đó có lĩnh vực tôn giáo, như Tây Ninh có Tòa thánh Cao Đài, Ninh Bình có Nhà thờ Phát Diệm.

Năm 2001, du lịch Ninh Bình gần như không có gì và đã vào Tây Ninh học hỏi cách làm du lịch.

10 năm sau Ninh Bình đã trở thành một tỉnh phát triển mạnh về du lịch. Khu sinh thái Tràng An được công nhận là di sản văn hóa. Nguyên nhân là tỉnh thu hút được những nhà đầu tư lớn, biến cánh đồng hoang Tràng An thành địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Năm 2015, Ninh Bình đầu tư 7 tỷ đồng quảng bá trên kênh CNN; sau đó Ninh Bình được chọn làm phim trường của bộ phim King Kong, Người Mỹ trầm lặng…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo tiến sĩ Bùi Thành Đông, Tây Ninh có du lịch tâm linh Núi Bà, nhưng phải tạo sự khác biệt. Nếu chỉ có du lịch tâm linh thì không thu được gì cả. Phải tính đến sản phẩm tiêu tiền. Lên thắp hương, dâng hương xong rồi phải tham gia các trò chơi, mua sắm.

Ông Đông nói, kinh nghiệm thành công của du lịch Ninh Bình: “Lòng dân ủng hộ, Đảng bộ quyết tâm, phương châm cụ thể, cơ chế rõ ràng”.

Chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch ở Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Trung- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng cho biết, địa phương chú trọng là an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn cho du khách, môi trường du lịch an toàn (như lập đường dây nóng, đội cứu hộ biển, miễn phí nhà vệ sinh, tuyên truyền người dân giữ gìn môi trường du lịch v.v….).

Đà Nẵng cũng miễn thuế hai năm đầu tiên cho doanh nghiệp đầu tư du lịch; thường xuyên đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch để thu hút các nhà đầu tư và quảng bá hình ảnh Đà Nẵng rộng rãi.

Ông Hanyang Hyub- Giám đốc điều hành Cục Xúc tiến du lịch tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch của tỉnh Gyeonggi.

Ông Hanyang Hyub- Giám đốc điều hành Cục Xúc tiến du lịch tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cho biết, nước này đã biến khu quân sự Bàn Môn Điếm thành một khu du lịch nổi tiếng.

Năm 2016, khu vực này đón hơn 10 triệu lượt khách. Để phát triển du lịch, tỉnh đã làm ra nhiều sản phẩm phục vụ du khách; ngay cả các hang động cũng được cải tạo để làm nơi tổ chức lễ hội, ăn uống đặc sắc.

Tỉnh Gyeonggi cũng tập trung tiếp cận thị trường bằng cách mời các đoàn làm phim về dựng lại các bộ phim truyện đặc sắc, như Hậu duệ mặt trời…. Sau khi phát sóng, lượng khách tới đông hơn.

Trong hai năm 2016-2017, địa phương này kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam để quảng bá hình ảnh. Tỉnh có nhiều chính sách giảm giá đối với khách du lịch. Có gói sản phẩm giảm đến 50%, đồng thời thường xuyên tổng hợp theo dõi nhu cầu mua sắm để đáp ứng nhu cầu của du khách...

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tỉnh Gyeonggi sẽ đặt văn phòng chuyên trách phát triển du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Văn phòng này sẽ không dùng người Hàn Quốc mà dùng chính người bản địa để phục vụ cho sự phát triển du lịch.

Ông Hanyang Hyub cho rằng, giao thông cần được ưu tiên. Tại Hàn Quốc, hệ thống giao thông phát triển cả đường bộ và đường điện ngầm, du khách di chuyển đến các nơi rất thuận tiện.

Thời gian tới, ông hy vong khách Hàn Quốc sẽ đổ về tỉnh Tây Ninh tham quan, du lịch nhiều hơn.

Tiết mục Múa trống Xa Dăm chào mừng hội thảo.

Bà Corinne Bourgoin- Chủ tịch Công ty Scazma (Công ty chuyên phát triển các khu nghỉ dưỡng đặc trưng cao cấp) cho rằng, Tây Ninh cần phát triển các loại hình du lịch ngoài trời.

Ở Tây Ninh có phong cảnh rất đẹp, nông dân chân chất, có nhiều hoạt động thể thao v.v… Tây Ninh nên tập trung khai thác những tiềm năng này. Thế giới đang ngày càng càng quan tâm đến du lịch sinh thái, nhu cầu du lịch phục hồi sức khỏe đang gia tăng, vì vậy Tây Ninh lợi dụng thế mạnh này để tự tin tạo nên thương hiệu du lịch riêng của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chiến lược, hướng đi tập trung vào những lợi thế, phù hợp với xu hướng thế giới.

Tuyệt đối giữ gìn thiên nhiên, các loại động vật hoang dã và đời sống nông thôn. Đối với những khách sạn, nhà nghỉ xây dựng với kiến trúc tinh tế, sang trọng nhưng đơn giản, đừng bê tông hóa mọi thứ, tôn trọng thiên nhiên; khuyến khích người dân địa phương giữ gìn bản sắc văn hóa; phát triển du lịch cùng với phát triển nông nghiệp.

Toà Thánh Tây Ninh- Ảnh minh hoạ.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhận xét, Hội thảo có những ý kiến hay, hiến kế thiết thực, tham vấn cho du lịch Tây Ninh cũng như với Bộ VHTT&DL.

Lãnh đạo Tây Ninh phải chọn cách làm nào đúng. Theo ông Ái, du lịch Tây Ninh cần kết nối với Campuchia thông qua đường Xuyên Á; kết nối với các tỉnh miền Đông Nam bộ để tạo ra lợi thế du lịch.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị Tây Ninh sớm thực hiện nghị quyết, chương trình hành động về du lịch. Tỉnh cũng nên kêu gọi nhà đầu tư chiến lược “nói là làm”, chứ đừng chọn nhà đầu tư vào để “xí phần”, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Cố gắng nâng cao nhận thức cán bộ, người dân Tây Ninh đồng lòng phát triển du lịch. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch. Tạo điều kiện quảng bá du lịch Tây Ninh trên thị trường quốc tế.

“Hạn chế của chúng ta là thiếu sự liên kết du lịch giữa các tỉnh miền Đông, miền Tây với TP.Hồ Chí Minh”, ông Ái chỉ rõ.

Đại Dương