BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thằng Trực

Cập nhật ngày: 29/08/2020 - 08:30

BTN - Một già, một trẻ sống trong căn chòi lá, lụp xụp nép mình dưới tán cây mít cạnh hàng rào. Căn chòi nằm kẹp giữa hai căn nhà tường cấp bốn cao, rộng càng khiến căn chòi nhìn giống như cái chuồng gà hơn là một cái chòi để ở.

Đó là cái chòi của hai bà cháu thằng Trực. Cái chòi nhỏ ấy chỉ dựng bằng vách đất hơn chục mét vuông, vừa là phòng khách (tạm gọi vậy) vừa là chỗ ngủ. Nối tiếp là chái bếp được che tạm bợ bằng vách bồ, cửa sau để trống hoác. Gió mưa tự do chơi đùa rượt đuổi từ nhà sau lên nhà trước. Bó lá dừa khô như đứa trẻ yếu ớt sợ mưa, sợ gió nép sát góc nhà, nghĩ đã an toàn.

Thế nhưng, mưa to gió mạnh hắt nước vào nhà làm bó lá dừa bị ẩm ướt, bà ngoại thằng Trực cầm nắm lá dừa kê lên ngọn đèn dầu đốt để nhóm lửa. Đốt hoài nắm lá dừa vẫn không bén lửa. Nếu so sánh với chuồng gà của nhà bên cạnh thì cái chuồng gà còn kiên cố hơn cái chòi của hai bà cháu họ.

Chuồng gà được xây gạch, nền xi măng cao ráo, lợp mái tôn. Cái chòi của hai bà cháu ở thấp hơn mặt đường, mấy hôm trước đêm nào cũng mưa. Mưa lớn kéo dài nhiều giờ, nước mưa trên đường nhựa như lũ vỡ bờ ập vào chòi ngập nửa chân giường, cuốn phăng mấy chiếc dép của hai bà cháu đi mất tiêu. Vách đất đã mỏng manh lại có tuổi nên bị thấm nước làm rã ra ở phần chân. Cũng may là không sập nhà. 

Thằng Trực cũng có mẹ có cha như bao đứa trẻ khác. Ba nó làm bảo vệ cho một xí nghiệp. Chỗ làm xa nhà nên ba nó phải đi làm từ bốn giờ sáng, khi Trực vẫn say giấc nồng, gà mái còn úm con trong chuồng, những hạt sương đêm rơi lộp độp trên lá chuối. Chỉ có vầng trăng khuyết như chiếc xuồng lơ lửng trên không trung làm bạn đồng hành cùng ba nó trên đường đi.

Ngày nào nó cũng “hát” cái điệp khúc: “Ba! Tối nay ba có đi làm nữa hôn ba?”. “Không”. “Hí..hí…đã quá! Vậy là tối nay ba ở nhà với con rồi!”. Trực vỗ tay vui mừng ôm cổ ba. Nó thích được ba làm bò cho cưỡi trên lưng. Nó cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi nằm giữa, đưa chân trái gác lên đùi của ba, chân phải gác lên đùi mẹ. Mẹ nó ở nhà nội trợ và mua ruột trúc về đương bồ kiếm thêm thu nhập. Không có ba ở nhà, Trực bu theo mẹ, hỏi đủ thứ trên đời, mẹ nó không giải đáp nổi những câu “hóc búa” của trẻ con đâm ra bực mình, gắt gỏng. Chỉ có ba thích trò chuyện và trả lời những câu hỏi của nó. 

Một đêm nọ, ba nó đi trực và mãi mãi không về với nó nữa. Cơn tai biến mang ba nó đi nhanh trong chớp mắt, khiến ai nghe tin cũng bàng hoàng.

Mỗi khi đi bán vé số quanh khu vực công viên Hoà Thành, đi ngang qua quầy bán gà rán nó lại nhớ đến ba. Cũng quầy gà rán này, đã có lần ba chở nó đến đây ăn. Ba ngồi đối diện nở nụ cười hiền với ánh mắt trìu mến nhìn nó ăn đến vã mồ hôi, ba lấy khăn giấy chặm mồ hôi trên trán nó. Nhìn những đứa trẻ vui cười hạnh phúc bên ba mẹ khiến nó chạnh lòng. Nó thấy mình sao giống con gà tre mồ côi bên nhà chú Lâm quá. Khi chú rải thức ăn ra sân, nó mon men tới gần liền bị mấy con gà tam hoàng lớn ăn hiếp, rượt đuổi, mổ vào đầu đau điếng. Nó thấy mình may mắn hơn con gà mồ côi kia, vì nó còn có bà luôn bên cạnh yêu thương đùm bọc.

Ba mất được một năm thì mẹ đi làm xa, gửi nó cho bà nội nuôi. Thời gian đầu mẹ nó thỉnh thoảng về nhà thăm nó và đưa cho bà nội chút ít tiền để chi tiêu. Sau đó mẹ nó biền biệt không về, tính đến nay cũng đã bảy, tám năm rồi. Hai bà cháu nương tựa nhau sống bằng nghề bán vé số dạo. Trực học một buổi, còn một buổi đi bán vé số.

 Năm nay nó mười sáu tuổi. Biết gia cảnh nó nghèo, thầy chủ nhiệm ngỏ ý giúp đỡ. Nó cương quyết từ chối: “Em cảm ơn thầy, bà cháu em bán vé số đủ sống qua ngày, thầy đừng giúp em. Thầy giúp em là em nghỉ học”. Thương hoàn cảnh nó nên thầy cô bảo đem vé số bán cho thầy cô. Nhưng nó nhất quyết không bán.

Vì thế có nhiều lời bàn về nó. Người không hài lòng thì nói: “Nghèo mà còn sĩ diện”. Người thì khen: “Cái thằng có tính tự lập, có lòng tự trọng, không lợi dụng lòng thương người của mọi người để trục lợi”. Có người nói nó hơi tửng tửng… Biết tính của nó thế nên thầy chủ nhiệm âm thầm giúp đỡ, dặn bà nội đừng để nó biết chuyện.

Mọi năm, nó mong đợi mùa hè để có thời gian đi bán vé số được nhiều hơn. Nhưng năm nay, do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc mưu sinh của hai bà cháu, thời gian nghỉ hè đã ít lại còn bùng phát dịch trở lại. Dịch bùng phát lần này số người tử vong tăng dần khiến nó lo lắng trong lòng.

Tối ngủ, nó ôm bà nội, thủ thỉ: “Từ mai nội đừng đi bán vé số nữa nghen! Để mình con đi bán thôi. Nội già, trong người có bệnh đi bán trong lúc này nguy hiểm lắm”. Bà nội bị bệnh sỏi mật, sỏi thận, sức đề kháng kém, nội đi bán không may bị lây bệnh từ ai đó trong cộng đồng… đời nó côi cút bơ vơ. Nghĩ đến chuyện đó, nó sợ lắm.

Thằng Trực có nước da rám nắng, đang tuổi ăn tuổi lớn, khoẻ như trâu cui. Cái túi da màu đen nhỏ gọn có hai ngăn, một ngăn để vé số và một ngăn để tiền. Nó đeo túi da lên vai, miệng huýt sáo, đạp xe đi bán.

- Cái thằng ngu hết sức.

- Đúng là… ngu chưa từng có.

Mấy bữa nay, hễ thấy bóng dáng thằng Trực, mấy bà hàng xóm lại mắng nó “ngu”. Họ thương mới mắng. Nó có cơ hội đổi đời mà không chịu hưởng. Cũng có người khen nó trung thực vậy là tốt.

Chuyện là vầy. Có một lần đi bán vé số gặp mưa to, nó tấp vào ngôi nhà có mái che để trú mưa. Nhìn thằng nhỏ thấy tội, ông chủ nhà mua giúp ba tờ vé số và hỏi thăm về gia cảnh. Thương nó còn nhỏ đã sớm mồ côi, vừa đi học vừa đi bán vé số, ông dặn: “Từ mai trở đi, con đi bán cứ mỗi chiều chừa cho chú năm tờ”.

Chiều nào, Trực cũng ghé đưa vé số cho chú Tam. Năm tờ vé với hai hàng số khác nhau. Nó giải thích: “Hai số khác nhau, lỡ số này không trúng thì số kia trúng”. Có một lần nó ghé nhà thì chú Tam đi vắng. Giờ xổ số cận kề rồi, nó ngại nên không chừa vé số cho chú. Hôm sau chú bảo cứ để dành cho chú dù đã quá giờ chú cũng lấy. Đừng có ngại (chú mua là để giúp nó chứ chú không thích chơi vé số). Lần này, chú Tam có việc đi đâu đó vắng nhà, báo hại nó ngủ không ngon giấc hết một đêm.

Năm tờ vé số của chú Tam nó cất cẩn thận ở một ngăn riêng trong túi da. Trước giờ túi da đựng vé số cứ treo lên cây đinh đóng trên cây cột, sáng là lấy đi bán. Vậy mà đêm nay treo ở đó nó sợ trộm đột nhập lấy cắp vé số.

Nằm được một lúc, không an tâm nó ngồi dậy, chui ra khỏi mùng lấy túi da đem cất chỗ khác mà nó nghĩ là an toàn hơn đó là giấu trong bó lá dừa dựng ở hốc nhà. Trở lại mùng ngủ, mới vừa thiu thiu, nghe tiếng chuột kêu chít chít ngoài sau, sợ chuột cắn vé số, Trực lại chui ra lấy túi da treo trên vách ngay đầu giường, an tâm nằm ngủ.

Giữa khuya chó bên nhà chú Lâm sủa nồ dữ dội, nó nghe có tiếng người nói chuyện nho nhỏ ngoài đường. Hoài nghi… nó ngồi dậy lấy túi da xuống, lấy cái mền khoác lên người che lại để nếu có ai nhìn vào cũng không biết nó đang làm gì. Lấy năm tờ vé số của chú Tam bỏ vô túi áo lấy kim tây ghim lại, bên ngoài nó mặc thêm cái áo khoác.

Thấy Trực có những hành vi lạ, khác mọi ngày, bà nội hỏi: “Sao không ngủ, làm gì mà chui ra chui vô hoài vậy?”. Nó rất muốn cho bà nội biết hiện mình đang giữ một số tiền rất lớn. Đêm nay nó phải bảo quản cẩn thận để sáng mai đưa cho người ta. Số tiền đó chính là hai tờ độc đắc của chú Tam.

 Khi biết chuyện, hàng xóm chửi nó ngu là vậy đó. Thay vì ém lại hai tờ độc đắc đó cho mình, người mua chưa đưa tiền có thể coi như là chưa mua. Riêng thằng Trực thì nghĩ khác, lời giao kèo giữa chú Tam và nó dù không có giấy trắng mực đen nhưng nó coi như là bản hợp đồng bất thành văn giữa hai chú cháu đã hai năm nay.

Mặc kệ ai mắng chửi, thằng Trực cũng cười hề hề. Nó không thể lật lọng vì lòng tham. Đây là món quà ông trời ban cho chú chứ đâu phải cho mình.

P.T.T.A