BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV

Thảo luận tại tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất 

Cập nhật ngày: 30/10/2021 - 00:55

BTNO - Chiều 29.10, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh thảo luận tại tổ về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh thảo luận tại tổ chiều 29.10

Thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng cần có sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ để từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động thiết thực, đồng bộ, đạt mục tiêu chung tái cơ cấu nền kinh tế đất nước theo nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu mong muốn việc xây dựng chương trình hành động cần tránh lặp lại tình trạng như trước đây, đó là một số ngành, địa phương sao chép văn bản, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc, đưa vào kế hoạch và chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết làm như thế nào.

“Tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, địa phương mình, từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững”- đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý thảo luận về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2025.

Thảo luận về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2025, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho rằng cần bổ sung trong Nghị quyết nguyên tắc quy hoạch để kế hoạch sử dụng đất giai đoạn bám sát định hướng đến 2030.

Đại biểu băn khoăn về diện tích trồng mới rừng hiện nay không thể bù đắp được giá trị hàng chục nghìn hecta rừng nguyên sinh bị mất hoặc thay thế; còn tình trạng là tỷ lệ che phủ cây chứ không phải tỷ lệ che phủ rừng, không bù đắp được rừng sinh thái bị mất đi. Báo cáo độ che phủ rừng tăng qua các năm nhưng sạt lở, lũ lụt, xói mòn đất do mất rừng, mất thảm thực vật cũng tỷ lệ thuận theo.

Về Quy hoạch đất lúa, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị không dàn trải, không nhất thiết vùng nào, địa phương nào cũng duy trì diện tích đất lúa. Đại biểu thống nhất quy hoạch 3,5 triệu ha đất lúa, tuy nhiên, đề nghị quy hoạch vùng trồng đất lúa ở những nơi có thế mạnh như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng còn lại, quy hoạch tuỳ tiềm năng phát triển phù hợp.

Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp định hướng để khai thác hiệu quả giá trị sản xuất đất nông nghiệp để nó không thua gì giá trị đất đầu tư cho công nghiệp, dịch vụ.

ĐBQH Trần Hữu Hậu thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trong phụ lục quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của quốc gia phân theo vùng, có quy hoạch đất cho cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, lịch sử văn hoá.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị cần phân tách riêng đất cơ sở tôn giáo, vì đây là vấn đề nhạy cảm, cần quy định để các địa phương đảm bảo không xây dựng tràn lan các cơ sở thờ tự.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát lại việc còn lãng phí đất đai trong quy hoạch treo, chuyển đổi để xây dựng các khu công nghiệp nhưng chậm triển khai, chạy theo thu hút đầu tư nên chưa chọn lọc, có nhà đầu tư năng lực kém dẫn đến găm đất, gây hoang hoá, lãng phí đất.

Phương Thuý