BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Thì thầm” trong mùa dịch 

Cập nhật ngày: 16/07/2021 - 07:16

BTN - Covid càng nguy hiểm thì mình càng bình tĩnh để đối phó. Ðừng để rơi vào trạng thái lo lắng, nó sẽ là thủ phạm làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ bị virus tấn công. Việc của ba mẹ bây giờ là chăm sóc sức khoẻ, nếu không có việc thật cần thiết thì đừng ra ngoài.

Tranh cổ động chống dịch Covid-19 của hoạ sĩ Lê Ðức Hiệp.

Mùa hè năm nay đặc biệt, học trò nghỉ hè không được vô tư vui chơi mà phải ở nhà vì nỗi lo dịch bệnh Covid-19.

 Trưa hôm qua, một em học sinh lớp 8 gọi điện than thở: “Nghỉ hè có Covid, vừa buồn vừa sợ nè cô!”.

Tôi trấn an: “Tụi em nhỏ, sức đề kháng mạnh, cứ làm theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì an toàn”.

Nhưng em vẫn rất lo lắng, bảo: "Xóm em giờ có người là F0 rồi cô, em sợ quá!”. Tôi trấn an, em phải bình tĩnh chiến đấu với dịch bệnh chứ không được hoảng loạn.

Trưa nay em lại gọi điện nói xóm bị phong toả, em sợ tới mức tối ngủ cũng đeo khẩu trang. Tôi nói với em, biết sợ cũng tốt nhưng không đến mức như vậy, chỉ cần nhớ trong lúc dịch bệnh đang diễn biến khó lường thì ở nhà cho lành, không tiếp ai tới nhà, nếu phải ra ngoài thì mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn là được.

- Nhưng cô ơi, giờ phong toả hết trơn, rồi xóm em sẽ sống sao? Tôi nói với em: “Phong toả là tạm thời vì xóm có ca dương tính, vì sợ người dân không giữ gìn tốt sẽ lây nhiễm thêm; phong toả không có nghĩa sẽ không được cung cấp lương thực thực phẩm và những thứ cần thiết khác cho cuộc sống, nên em yên tâm nha”.

Nói chuyện với học trò xong lại gọi điện về nhà, nhắc ba mẹ những việc cần thiết để bảo vệ mình. Không phải giờ mới nói nhưng cứ phải dặn đi dặn lại vì sợ ba mẹ tuổi già, nói trước quên sau. Mùa dịch, con gái ở xa không về chăm lo cho song thân được, nên trước đó có chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn, nhu yếu phẩm và giờ thì ngày nào cũng điện thoại thăm hỏi ông bà.

Ba tôi có vẻ rất lạc quan vì trước nay chúng ta phòng chống dịch rất hiệu quả. Tôi dặn ba không được chủ quan. Tôi phải nhiều lần nhắc ông bà, người cao tuổi dễ bị con virus này tấn công và hạ gục nhất.

Ðương nhiên rồi, tuổi cao sẽ kéo theo sự lão hoá của các bộ phận trên cơ thể, hệ miễn dịch suy yếu, chưa kể thường mắc các bệnh lý khác. Do đó, ba mẹ phải chú ý chăm sóc mình tốt nhất, đợi ngày dịch được khống chế, con gái lại thường về nhà như trước.

Ðang nói chuyện thì mẹ đưa tay lau nước mắt, mẹ hỏi con gái, chỗ ở đang bị phong toả, rồi ăn uống thế nào, có khổ sở lắm không, lỡ không khống chế được dịch thì bị nhốt mãi trong đó sao. Mẹ ơi, bình tĩnh, đừng hoảng loạn như vậy, phong toả chỉ là tạm thời.

Không đáng sợ như mẹ hay mọi người vẫn nghĩ đâu, người ta sẽ có cách để người dân có được nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Về chuyện bị “khoá” ở nhà, con cũng không bức xúc hay căng thẳng gì, vì ở nhà, con có điều kiện để làm những việc lâu nay chưa làm được.

Ðể chiến thắng cảm giác ngột ngạt vì ở nhà, con sẽ làm những việc đem lại cảm xúc tích cực cho mình như viết lách, đọc sách, chăm sóc vườn hoa và đặc biệt trò chuyện nhiều hơn với con cái.

Cứ như thế, ở nơi bị phong toả, lần nào gọi điện thoại tôi cũng nói với ba mẹ già, để đối phó với Covid, nhất định phải bình tĩnh, không được hoang mang. Covid càng nguy hiểm thì mình càng bình tĩnh để đối phó. Ðừng để rơi vào trạng thái lo lắng, nó sẽ là thủ phạm làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ bị virus tấn công.

Việc của ba mẹ bây giờ là chăm sóc sức khoẻ, nếu không có việc thật cần thiết thì đừng ra ngoài. Khi thấy có dấu hiệu bất thường của cơ thể phải điện thoại liền cho con cái. Nhất định không được hoảng sợ mà giấu bệnh, hãy có niềm tin, vì chúng ta đã và đang kiểm soát dịch tốt.

Nguyễn Thị Bích Nhàn