BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tư pháp đổi mới, nâng cao dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp 

Cập nhật ngày: 23/12/2020 - 22:21

BTNO - Ngày 23.12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có ông Dương Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Sở Tư pháp.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội nói chung đã tác động lớn đến việc triển khai công tác, nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục có sự đổi mới, vai trò tham gia của xã hội vào xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước được quy định cụ thể. Trong năm 2020, các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 VBQPPL trong số 5.330 văn bản của cả nhiệm kỳ. Ở các địa phương, năm 2020 có 3.186 VBQPPL cấp tỉnh, 991 VBQPPL cấp huyện và 3.078 VBQPPL cấp xã được ban hành.

Công tác thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu. Công tác PBGDPL có nhiều đổi mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến và tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, qua đó đưa pháp luật đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Hoạt động báo chí, xuất bản được thực hiện hiện quả, bám sát tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành và phục vụ tốt nhu cầu của bạn đọc.

Việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đạt nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật là triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”. Quản lý nhà nước về XLVPHC từng bước đạt hiệu quả cao; các cơ quan tư pháp, pháp chế tham gia sâu về khía cạnh pháp lý đối với nhiều vụ việc phải xử lý ở các Bộ, ngành, địa phương.

Các lĩnh vực quản lý và cung cấp dịch vụ công về đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước được thực hiện hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng tăng và tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2020, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý mới để giải quyết bồi thường 55 vụ việc trong tổng số 296 vụ việc cả giai đoạn từ 2016-2020. Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật trong năm năm 2020 là hơn 42 tỷ đồng và trong nhiệm kỳ là hơn 175 tỷ đồng. 

Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Nhiều hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực. Tổ chức và hoạt động công chứng, giám định, luật sư... đã được đổi mới theo định hướng cải cách tư pháp, phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Đội ngũ luật sư có sự phát triển nhanh về số lượng; số vụ việc có luật sư tư vấn, bào chữa và TGPL ngày càng tăng. Trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 1.465 trường hợp; cấp và gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho 43 luật sư nước ngoài; các luật sư đã thực hiện 81.485 vụ việc.

Việc đẩy mạnh phát triển nghề công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài, hòa giải đã góp phần làm giảm công việc và chi phí của nhà nước, tăng cường tiếp cận công lý của người dân, bảo đảm an toàn pháp lý và thúc đẩy các giao dịch trong hoạt động kinh tế, dân sự. Năm 2020, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 6.339.074 hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác; các đấu giá viên đã thực hiện được 24.445 cuộc bán đấu giá thành. 

Hệ thống THADS được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất theo ngành dọc. Các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án được hoàn thiện theo các yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết quả thi hành án tăng theo từng năm, đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Năm 2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 15 nghìn tỷ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; trong đó có trên 14 nghìn tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi và có ý kiến bổ sung, làm rõ hơn về tình hình công tác ở Bộ, ngành, địa phương; chia sẻ kinh nghiệm trong các công tác liên quan đến các chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; công tác thi hành án hành chính; phát huy vai trò của các cơ quan tư pháp địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, để từ đó xác định những định hướng công tác nhiệm kỳ 2021-2025 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2021.

Dự và chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời nêu một số tồn tại, hạn chế mà ngành cần khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới Bộ, ngành Tư pháp tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tiếp tục tham mưu, triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về lĩnh vực xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp; tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị 43/CT-TTg, ngày 11.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, hiệu lực, hiệu quả cao, có tính cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích của người dân làm trung tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp cần rà soát VBQPPL, tập trung khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ; không để tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Tư pháp đổi mới, cải cách mạnh mẽ, nâng cao dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi. 

Nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, UBND các cấp xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Kiện toàn tổ chức bộ máy tư pháp, các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng; bổ sung nguồn nhân lực có năng lực, trình độ cao. Thực hiện đề án số hóa hoạt động của Bộ, ngành tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính…

Thiên Di