BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Tín dụng đen”, vay tiền qua app: Cần xử lý mạnh 

Cập nhật ngày: 19/08/2022 - 00:25

BTN - Người sập bẫy “tín dụng đen” vừa phải ngậm ngùi trả số tiền lãi cao gấp nhiều lần, vừa bị “khủng bố” tinh thần. Không những vậy, các đối tượng cho vay liên tục đăng tải ảnh ghép người thân, gia đình, đồng nghiệp lên mạng xã hội để lăng mạ, đe doạ, gây bức xúc trong xã hội.

Vay tiền qua app quảng cáo rầm rộ trên internet với thủ tục nhanh gọn, nhận tiền ngay trong ngày, không cần thế chấp.

Bị “khủng bố” tinh thần

Mới đây, một lãnh đạo trường học trên địa bàn thành phố Tây Ninh bức xúc lên tiếng trên mạng xã hội (MXH) khi hình ảnh cá nhân bị cắt ghép, phát tán nội dung có câu kết, bao che đồng nghiệp vay tiền qua app.

Theo lời kể, ngày 7.8, vị lãnh đạo này nhận tin nhắn trên Zalo do một người tên Phát gửi đến, đồng thời cho số điện thoại liên lạc (tên Lâm) để giải quyết. Nội dung gồm nhiều ngôn từ quấy rối, khủng bố, đe doạ, như: “Yêu cầu thầy có hướng giải quyết gấp về nợ của thầy H trước khi chúng tôi dùng biện pháp mạnh, chúng tôi không muốn liên hệ nhiều đến người nhà thầy nên mong thầy là hiệu trưởng đừng nhu nhược, bất tài không quản nổi nhân viên của mình làm ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình thầy”; “Đây là thông báo cuối cùng, nếu lãnh đạo có hành vi bao che, chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp mạnh, lúc đó sẽ không bảo đảm đến uy tín, hình ảnh các người liên quan. Tôi có đầy đủ thông tin gia đình nhà thầy, đừng để chúng tôi làm phiền những thứ không đáng có”...

Vị lãnh đạo này còn nhận nhiều cuộc gọi từ số lạ, gây áp lực buộc lãnh đạo nhà trường phải nhắc nhở, thúc giục thầy H trả nợ. Bất bình hơn, người nhà của ông còn liên tục nhận các cuộc gọi “khủng bố” khiến họ phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an không đáng có bởi một món nợ không hề liên quan.

“Chỉ trong vài ngày, tôi đã phải tiếp nhiều cuộc gọi, nhận tin nhắn không mong muốn, làm tôi và gia đình hoang mang, lo sợ, cuộc sống bị đe doạ. Đến nỗi, tôi không dám bắt máy khi thấy số lạ, kể cả đó có thể là số của đồng nghiệp hoặc phụ huynh học sinh liên hệ công việc. Nghiêm trọng hơn, hình ảnh tôi bị cắt ghép, phát tán với thông tin không đúng sự thật trên MXH, nếu những ai không rõ tường tận sự việc sẽ hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên, lãnh đạo nhà trường”- vị lãnh đạo cho biết. Sự việc đã được ông báo Công an để vào cuộc xử lý.

Đừng mắc bẫy vay tiền qua app

Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, anh H, người vay tiền qua app cho biết trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, vì khó khăn, cần tiền nên anh đánh liều vay 30 triệu đồng qua app. Anh H kể, khi lên mạng Facebook, anh thấy rất nhiều trang giới thiệu cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, nên nhấp vào đường link (đến giờ anh H không nhớ rõ đó là app gì - PV). Sau khi xác nhận tên, địa chỉ, gửi chứng minh nhân dân theo hướng dẫn, ngay lập tức, số tiền 30 triệu đồng được chuyển vào tài khoản của anh H. Tuy nhiên, những rắc rối bắt đầu phát sinh khi đến kỳ 3 tháng phải trả gốc và lãi, anh H hoãn trả nợ do không đồng ý cách tính lãi của bên cho vay.

“Tôi không nghĩ chuyện ra nông nỗi này. Họ gọi điện liên tục, mỗi lần là một số khác nhau, muốn gọi lại nhưng không được do đầu bên kia báo chặn một chiều. Ngoài tôi, em gái và đồng nghiệp của em gái tôi cũng bị “khủng bố” điện thoại tương tự”- anh H nói thêm- “trước đó, tôi đã trả được hơn 11 triệu, số nợ còn lại hơn 48 triệu đồng, tôi sẽ tất toán để sớm kết thúc việc này. Đây là bài học nhớ đời, tôi mong mọi người đừng mắc bẫy vay tiền qua app như tôi. Nếu có nhu cầu vay tiền, nên tìm đến các kênh tín dụng, ngân hàng uy tín, đừng vay qua mạng, qua app để mang hệ luỵ cho mình và người khác”.

Cũng như anh H, không ít người đã mắc bẫy “tín dụng đen”, vay tiền qua app, mặc dù đã được cơ quan chức năng, báo chí phản ánh, cảnh báo rất nhiều. Nếu gõ từ khoá “vay tiền qua app” trên Google, chỉ 0,41 giây đã hiện gần 6,5 triệu kết quả, phần lớn là các trang quảng cáo cho vay tiền không cần thế chấp, cam kết uy tín, thủ tục vay nhanh gọn, lãi suất thấp, nhận tiền nhanh trong ngày, hỗ trợ vay tiêu dùng từ 10 đến 100 triệu đồng…

Tuy nhiên, hầu hết là các app cho vay tiền núp bóng hình thức “tín dụng đen”, người vay tiêu dùng qua app mơ hồ không biết chủ sở hữu của app, lãi suất tính như thế nào. Do đó, khi đã trót vay tiền, không ít người phải ngậm ngùi trả lãi suất “cắt cổ”, đặc biệt là liên tục bị nhục mạ, đe doạ qua điện thoại và liên luỵ đến những người xung quanh.

Anh H- một người mắc bẫy “tín dụng đen”, vay tiền qua app trao đổi sự việc với phóng viên.

“Nóng” nghị trường

“Tín dụng đen” đã trở thành một vấn nạn gây bức xúc trong xã hội, không chỉ ở Tây Ninh mà cả nước nói chung. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến công nghệ cao xảy ra nhiều, nhất là tội phạm lừa đảo, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân.

6 tháng đầu năm 2022, phát hiện 39 vụ lừa đảo với các phương thức, thủ đoạn như giả danh Công an, Viện Kiểm sát, đe doạ người dân có vi phạm pháp luật và yêu cầu họ chuyển tiền, quảng cáo cho vay tiền qua app và mạng xã hội Zalo, tuyển cộng tác viên bán hàng online, tham gia đầu tư trên các sàn tiền ảo, đa cấp… với tổng thiệt hại về tài sản trên 7,2 tỷ đồng.

Từ thực tiễn cuộc sống, vấn đề này đã trở thành một trong những chủ đề làm “nóng” phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV vừa qua. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Bộ chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” và tăng cường xử lý vi phạm.

Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã khởi tố 1.038 vụ/2.025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng. Do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế, nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.

Theo Bộ trưởng, công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trước hết là do công tác quản lý nhà nước đối với nền tảng mạng xã hội còn hạn chế. Các đối tượng thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook), các app, website cho nhiều bị hại vay lãi nặng, đòi nợ, xiết nợ gây bức xúc nhưng việc tiếp nhận, xác minh, xử lý tin báo tố giác tội phạm gặp khó khăn bởi đối tượng sử dụng tài khoản ảo, sim điện thoại rác, sử dụng công nghệ cao để thực hiện.

Chế tài xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quá nhẹ (hình phạt cao nhất là 3 năm tù) chưa đủ sức răn đe. Còn một bộ phận người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, chưa nâng cao ý thức cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định, thoả thuận về vay mượn dân sự dẫn đến việc các đối tượng thực hiện các hành vi đòi nợ, xiết nợ trái pháp luật.

Về giải pháp, Bộ Công an tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”; triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động.

Bộ cũng sẽ triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng, chống tội phạm. Trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ xác thực thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra xác minh; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách, chính đáng.

Bên cạnh đó, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay.

Đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý; xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.

Chỉ đạo điều tra, mở rộng đối với hành vi rửa tiền trong các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, làm tốt công tác thu hồi nguồn tiền từ hoạt động “tín dụng đen”. Toàn ngành cũng tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi để người dân cảnh giác, phòng ngừa.

TÂM GIANG - HẢI ĐĂNG