Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Tin giả” - chiêu trò của những kẻ lạc loài 

Cập nhật ngày: 21/07/2021 - 07:52

BTN - Một trong những biểu hiện cụ thể nhất, phổ biến nhất, dễ nhận thấy nhất từ những người có đầu óc hẹp hòi, thiếu hiểu biết nhưng thích tỏ ra nguy hiểm đó là tung thông tin giả lên mạng.

Ðợt dịch bệnh Covid- 19 lần thứ 4 đã, đang và sẽ còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Chưa bao giờ Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn trong việc chống dịch bệnh như lúc này. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, không phải ai khác, chính một bộ phận người Việt (đang sống trong hoặc ngoài nước) lại xem những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải đối mặt như một miếng mồi ngon.

Họ công kích, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc thông tin và cả “dạy đời” cho các nhà chuyên môn. Một trong những biểu hiện cụ thể nhất, phổ biến nhất, dễ nhận thấy nhất từ những người có đầu óc hẹp hòi, thiếu hiểu biết nhưng thích tỏ ra nguy hiểm đó là tung thông tin giả lên mạng.

Chiêu trò “đánh lận con đen”

Tối 17.7, tức chỉ vài chục giờ trước khi 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin về hàng loạt người bệnh tử vong trong Bệnh viện Chợ Rẫy. “Cả nhà nên ở nhà là tốt nhất, anh phóng viên VOV trong nhóm chia sẻ ảnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Kèm theo thông tin là một bức ảnh chụp nhiều thi thể nằm dưới sàn nhà được quấn bao ni-lông và có nhân viên y tế đứng gần đó. Câu văn chứa đựng thông tin này chỉ vỏn vẹn 22 chữ nhưng lập tức lan nhanh trên không gian mạng như một tia chớp.

Sau khi dòng tin kèm bức ảnh được đưa lên mạng, rất nhiều người, như thói quen “tay nhanh hơn não” nhảy vào bình luận loạn xạ. Trong số những người “thể hiện thái độ đau buồn” vì “tỷ lệ tử vong ở TP. Hồ Chí Minh cao rồi” có nhiều người trong ngành Giáo dục, tức ít nhiều họ là người có trình độ nhất định. Sự thật được kiểm chứng sau đó cho thấy, bức ảnh được đưa lên mạng thật ra được chụp ở Indonesia, một quốc gia Hồi giáo đang bị “sóng thần” Covid- 19 càn quét.

Người được giới thiệu là “phóng viên VOV giao thông” trong nhóm Zalo đã lên tiếng khẳng định, tấm ảnh không phải do phóng viên VOV - Ðài tiếng nói Việt Nam chụp. “VOV giao thông mong quý thính giả, độc giả luôn tỉnh táo khi tiếp cận với những thông tin mang tính giật gân, gây chú ý, không chính thống. Tỉnh táo trong cuộc chiến chống “tin giả” cũng là cách mỗi cá nhân góp phần cùng cả nước chống dịch thành công”- phóng viên "chính hiệu" của VOV lên tiếng.

“Em rể của chị trong nhóm đại học sư phạm, là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện ảnh đang ở bệnh viện dã chiến số 2, ảnh nhắn về Sài Gòn giờ không thua Ấn Ðộ đâu, số ca tăng nặng rất nhanh. Ảnh dặn hai tuần nữa sẽ thê thảm lắm, dặn người trong nhà trữ thêm đồ ăn và ở yên trong nhà.

Chị nhắn các em biết tình hình trữ lương thực nha”. Ðó là một đoạn tin nhắn xuất hiện trên mạng xã hội, cách nay ít ngày và lan nhanh như một đám cháy. Ðiều hài hước, sau khi cơ quan chức năng lên tiếng, khẳng định người nhắn tin kia không có “em rể nào là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy”, “cộng đồng mạng” mới thôi bàn tán.

Những người đưa tin giả, tin không kiểm chứng có nhiều cách thức nhằm tạo lòng tin, mang lại sự tin tưởng, độ tin cậy đối với người đọc. Sau nhiều lần bị vạch mặt, những người đưa tin giả, trong những ngày gần đây chọn cách thức khác để hy vọng tạo ra độ tin cậy lớn hơn. Họ không đưa tin theo kiểu bản thân họ là người trực tiếp chứng kiến sự việc, cũng không dẫn đường link từ nguồn khác, vì hai cách làm này dễ dàng bị phát hiện.

Họ chọn cách thứ ba: tự nhận mình có người nhà, người quen, bạn bè làm trong các cơ sở y tế hoặc những phóng viên thường xuyên đưa tin về dịch bệnh. Lấy lý do “Bảo đảm an toàn cho người cung cấp thông tin” họ không nêu danh tính của nhân vật đó. Trên thực tế, chẳng có anh phóng viên, vị bác sĩ nào là người nhà của người đưa tin giả cả. Tất cả là sản phẩm của trí tưởng tượng, hoang đường.

“Mới đọc báo ngày hôm qua về Indonesia đính kèm hình này. Thiệt là bực mình ghê. Những người tung tin, chia sẻ những nội dung tin nhắn, hình ảnh Fake News đang suy nghĩ gì vậy, không làm được gì giúp ích thì ngồi yên cho người ta chống dịch cứu người”- một bạn viết trong phần bình luận.

“Trong lúc cả nước tập trung cao độ cho việc chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, thay vì chung tay góp phần hoặc im lặng mà nhìn thì lại không ít người tung tin đồn thất thiệt với mục đích không phải là tốt.

Ðể người dân yên tâm, bình tĩnh chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh thì rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm minh và kịp thời những người này, đồng thời các báo, đài cũng kịp thời vạch mặt những tin đồn thất thiệt nhanh nhất có thể”- một ý kiến khác nêu.

Cách thức tạo tin giả như trên, thật ra không phải quá mới hay cao siêu gì hết. Những người có chút kinh nghiệm, có đầu óc hoài nghi ngay lập tức sẽ đặt ra hàng loạt nghi vấn đối với dạng thông tin này. Vấn đề ở chỗ, tại sao cách tạo ra tin giả không mới, không quá ly kỳ nhưng vẫn có nhiều người tin là thật? Câu trả lời là thời điểm. Những người làm tin giả chọn đúng thời điểm dịch bệnh đang cực kỳ căng thẳng để tung thông tin lên mạng. Ở một góc nhìn nào đó, đây được xem là “thành công” của người đưa tin giả.

Những phát ngôn lừa mị

Vài ngày trước khi 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trên trang cá nhân của một “nhà hoạt động” người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài xuất hiện nhiều bức ảnh chụp màn hình về cuộc trò chuyện giữa hai người.

Người ở nước ngoài hỏi: “Chết nhiều không em” - “nhìu, sắp tới cũng sẽ nhìu. Trại giam chết hơn trăm rồi”- người kia đáp. Chỉ chờ có vậy, “nhà hoạt động” đang ở bên kia bán cầu “kết luận”: “đã có hàng trăm người chết”.

Thông tin được kiểm chứng sau đó chứng minh rằng, đoạn hội thoại kia hoàn toàn không đúng sự thật. Chưa dừng lại, hôm 18.7, “nhà hoạt động” này đưa lên trang cá nhân một đoạn video clip, hình ảnh quay từ xa, trên cao, cho thấy một đoàn xe đang di chuyển. Dù chưa rõ đoàn xe làm nhiệm vụ gì, xe của ai nhưng anh này khẳng định, đây là đoàn xe chở phạm nhân tử vong vì Covid- 19.

Ðiều đáng nói, do có trình độ (người này từng tốt nghiệp một trường đại học có tiếng) nên kèm theo hình ảnh, video clip là những người bình luận cực kỳ độc địa. Văn phong, cách chọn từ ngữ được người này lựa chọn cẩn trọng: không đao to búa lớn, không ngoa ngôn, không phóng đại, không sáo rỗng, không quan trọng hoá vấn đề nhưng ý tứ anh ta viết, có thể nói vô cùng độc ác, thâm hiểm.

“Chính quyền TP. Hồ Chí Minh gia hạn giãn cách thêm 2 tuần là đẩy dân vào chỗ chết. Giãn cách là mất việc làm, là ăn không ngồi rồi, là đẻ nợ, là đói, là không có tiền đóng tiền điện nước, tiền thuê nhà, không có tiền lo sách vở, học phí cho con, là không có tiền thuốc thang, đóng viện phí...

Giãn cách là stress, là tăng số bệnh nhân mắc tâm thần, là tăng số bệnh nhân đang bệnh nặng mà không được chữa trị... Giãn cách là phá sản công ty, là mất khách hàng, là mất hợp đồng công việc... Làm ơn đừng ném chuột làm vỡ bình”- dòng trạng thái này xuất hiện ngày 14.7 trên trang cá nhân của một vị bác sĩ thuộc “tổ ngàn like”.

Vì đã đề cập nhiều lần nên chỉ xin trao đổi đôi dòng với vị bác sĩ rằng, giãn cách xã hội để hạn chế lây nhiễm, là một lựa chọn khó khăn, vạn bất đắc dĩ. Không cần vị bác sĩ “dạy đời”, ai cũng biết biện pháp này gây thiệt hại kinh tế, bất tiện cho con người như thế nào. Nhưng, để ngăn ngừa thảm hoạ do dịch bệnh gây ra, giãn cách xã hội là một giải pháp đã được tính toán kỹ trên nhiều phương diện, xem xét thấu đáo mọi mặt từ kinh tế cho đến xã hội.

Giãn cách xã hội không phải là “phát minh độc quyền” của Việt Nam. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các siêu cường về kinh kế, kỹ thuật, công nghệ, cũng đã và đang áp dụng biện pháp này. Kiểm chứng thông tin này hoàn toàn không có gì khó khăn. Mới đây nhất, Thái Lan đã giới nghiêm hoàn toàn thủ đô nước họ để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Thiệt hại kinh tế rất lớn, ai cũng biết, song tính mạng con người là trên hết. Cho đến thời điểm này, chưa người nào chết vì đói, vì giãn cách nhưng đã có nhiều người tử vong vì dịch bệnh. Là một bác sĩ, anh không biết điều đơn giản đó?

“Cao siêu quá! Bạn thử nói xem các nước phát triển như thế nào mới giãn cách! Tiềm lực như thế nhưng số ca tử vong như thế nào, ai cũng nhìn thấy, chúng ta tiềm lực như thế nào? Cả nước có bao nhiêu thiết bị y tế có thể đảm bảo bệnh nhân được điều trị, hay lúc đó là nằm nhà chờ chết! Lực lượng y tế của mình có đủ lớn để xử lý khi số ca bệnh lên tới vài ngàn người/ngày”- một ý kiến phản đối vị bác sĩ.

Ý kiến khác, viết: “dạ thưa bác là bọn Úc xưa cũng nghĩ cách ly tại nhà. Xong rồi cái thằng dương tính nó đi xem hoà nhạc 2.000 người. Nó là nước phát triển tính tự giác cao còn chưa ăn ai. Sau đó bọn nó cũng phải cho cách ly tập trung. Nước nó mạnh thế mà không đủ thiết bị. Nước mình có cái bệnh viện nào đủ giường đâu. Ngày thường còn không đủ”.

Ðiều thú vị ở chỗ, vị bác sĩ này gần như chỉ phản hồi những người “đánh giá cao” bản thân mình, còn ý kiến nào phản đối, anh ta gần như im lặng. Là người có chuyên môn, lẽ ra cần sự khách quan, khoa học nhưng vị bác sĩ này, trong nhiều bài viết của mình, thường xuyên lồng vào từ ngữ, thái độ sặc mùi tâm lý chiến, hằn học, cay cú, gây chia rẽ. Khi tỉnh Bắc Giang tổ chức cho công nhân ăn ở trong nhà máy để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, vị bác sĩ định danh cho cách làm trên là “lập ấp chiến lược trong nhà máy”.

Tin giả, tin bóp méo, tin xuyên tạc luôn có tính hai chiều, nó có thể làm phương hại đến một cá nhân hoặc nhiều người nhưng lại mang lợi ích đến cho người tạo ra nó. Những người làm tin giả có nhiều mục đích, nhiều cấp độ khác nhau: tỏ vẻ hiểu biết, thạo tin, bán hàng online... cho đến kích động dân chúng chĩa mũi giáo về phía chính quyền, chia rẽ tinh thần đoàn kết. Họ bất chấp sự thật chỉ để đạt được mục đích cá nhân - vốn không lấy gì làm trong sáng, chính trực.

Việt Ðông