Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Ở tỉnh ta, thời gian qua dư luận rất bức xúc về những sai phạm tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Hoà Thành, có khả năng thất thoát số tiền hơn chục tỷ đồng. Đối với vụ sai phạm này, báo chí địa phương đã vào cuộc góp phần làm rõ thêm nhiều tình tiết đáng quan tâm, và công khai hoá vụ việc trước công luận.

Từ trước đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù đã có Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng được ban hành, nhưng hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa cao.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác nội chính và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Ban Nội chính Trung ương được tái lập theo Quyết định số 158-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 28.12.2012.
Sau đó, 63 tỉnh, thành đã lập Ban Nội chính trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của tỉnh, thành uỷ. Sau hơn 2 năm được tái lập, đến nay công tác phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các tỉnh, thành đã đi vào ổn định và đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều vụ án tham nhũng đã được xét xử nghiêm minh.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp ngày 25.4.2015, từ năm 2013 đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý 4 vụ việc, 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; đã xét xử sơ thẩm 9 vụ/90 bị cáo, với 8 án tử hình (7 đối tượng), 9 án chung thân, một đối tượng 30 năm tù, 6 đối tượng 20 năm tù...
Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Cũng tại phiên họp ngày 25.4.2015, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện, trong đó có nội dung “Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng.
Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo đảm cung cấp kịp thời, đúng pháp luật những thông tin về phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí; lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng”.
Tại Tây Ninh, kể từ khi Ban Nội chính được tái lập, bộ máy tổ chức đã dần ổn định, việc tham mưu lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, công tác phối hợp tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng luôn được xem trọng.
Mới đây, ngày 15.6.2015, UBND tỉnh đã ra quyết định ban hành kế hoạch thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, trong đó tiếp tục nhấn mạnh vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng.
Ở tỉnh ta, thời gian qua dư luận rất bức xúc về những sai phạm tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Hoà Thành, có khả năng thất thoát số tiền hơn chục tỷ đồng. Đối với vụ sai phạm này, báo chí địa phương đã vào cuộc góp phần làm rõ thêm nhiều tình tiết đáng quan tâm, và công khai hoá vụ việc trước công luận.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định vai trò lịch sử của mình trong quá trình phát triển đất nước. Mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng, vai trò nhiệm vụ của báo chí luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt xem trọng.
Với tình hình hiện nay của nước ta, nhất là tình hình tham nhũng đang có nguy cơ “gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung”, “sẽ làm cho sự phát triển của đất nước và lợi ích quốc gia, dân tộc suy yếu”… vai trò báo chí càng quan trọng. Những người làm báo phải là những người đi đầu trên mặt trận chống tham nhũng.
Hữu Đức