BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng tới Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 – 2027:

Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” 

Cập nhật ngày: 22/08/2022 - 17:29

BTNO - Trưởng thành trong quân đội, sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Những người lính bộ đội Cụ Hồ trở về cuộc sống đời thường lại đoàn kết trong tổ chức Hội Cựu chiến binh (CCB) không ngừng nỗ lực, gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, xứng đáng là tấm gương, là chỗ dựa tin cậy của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân.

CCB Lê Minh Quang thu hoạch cà na.

Vượt khó làm giàu chính đáng

Năm 1982, gác lại những ước mơ thanh xuân, ông Lê Minh Quang (SN 1962, ngụ ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, Châu Thành) lên đường bảo vệ Tổ quốc. Năm 1985, ông xuất ngũ, về quê lập gia đình. Cuộc sống gặp không ít khó khăn, vất vả, ông phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh.

Năm 2000, CCB Lê Minh Quang mướn 10 công đất trồng lúa, do đất phèn, sình lầy nên trồng lúa không hiệu quả. Với sự cần cù, chịu khó, muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Quang quyết định chuyển sang đào ao nuôi cá và trồng sen, trên bờ thì trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao, dễ tiêu thụ như cà na, chuối chà bột, mãng cầu xiêm… nhờ vậy hiệu quả kinh tế không ngừng tăng trưởng.

Từ kết quả thu được, ông mua thêm đất mở rộng trang trại, đến nay gia đình ông sở hữu 2,4 ha nuôi cá và thu hoạch ngó sen, trên bờ là các loại cây ăn trái. Thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 20 triệu đồng. Nhờ đó cuộc sống gia đình ông ngày càng khá giả, nhà cửa xây dựng khang trang, con cái có việc làm ổn định.

Sau khi được Hội CCB giúp đỡ cho vay vốn ưu đãi, CCB Lâm Anh Tuấn (ngụ ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) mạnh dạn làm chuồng nuôi dế. Những ngày đầu đối mặt với bao khó khăn, nhưng ông không nản chí mà tích cực nghiên cứu, tìm hiểu qua sách, báo và mạng internet về kỹ thuật chăm sóc dế.

Đến nay, CCB Lâm Anh Tuấn đã có được 40 chuồng nuôi dế trên diện tích hơn 300m2. Với giá bình quân từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng/kg, ông thu lời khoảng 5-8 triệu đồng/tháng. Tuy số tiền lời còn khiêm tốn, nhưng bước đầu có thành quả là niềm vui lớn đối với ông. Bởi trước đây, dù vất vả, bấp bênh cũng chẳng kiếm được. 

Hội CCB Bến Cầu tham quan cơ sở nuôi dế của CCB Lâm Anh Tuấn.

Thắm đượm nghĩa tình đồng đội

“So với nhiều đồng đội khác, nhất là những người đã hy sinh nơi chiến trường, tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều. Giờ đây, cuộc sống gia đình ổn định, tôi mong muốn được giúp đỡ những đồng đội, người có hoàn cảnh khó khăn để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Năm nay tôi đã 102 tuổi rồi, còn sống ngày nào thì sẽ còn làm từ thiện ngày ấy”- đó là những lời tâm sự của CCB Lê Văn Thài (SN 1920, ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành).

Với số tiền tiết kiệm từ chế độ thương binh hạng 4/4 và vận động con, cháu, người thân trong gia đình, hơn 20 năm qua, cứ mỗi độ tết đến xuân về, ông cùng con, cháu hỗ trợ 200-300 phần quà, mỗi phần trị giá từ 300.000-500.000 đồng cho hội viên CCB khó khăn và người nghèo. Từ năm 2014 đến năm 2020, ông vận động con cháu xây tặng 7 căn nhà Đại đoàn kết, mỗi căn trị giá từ 30-50 triệu đồng.

Ông Giáp Bình Minh- Phó Bí thư Đảng uỷ xã Thành Long cho biết: “Khi trở về với cuộc sống đời thường, CCB, thương binh Lê Văn Thài vẫn luôn giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của địa phương. Từ những cống hiến thầm lặng, ông Thài được Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, các cấp hội CCB tặng giấy khen có thành tích trong phong trào “CCB gương mẫu”.

Đến ấp Bình Lương, xã Đồng Khởi, Châu Thành, thăm xưởng lò rèn của CCB Phan Khiêm Cung (SN 1963), dừng tay quai búa, tiếp chúng tôi, ông Cung tâm sự: “Tham gia chiến đấu tại Mặt trận 479 Campuchia, rời quân ngũ tôi may mắn còn lành lặn, khoẻ mạnh và có cuộc sống ổn định, nhưng nhiều đồng đội vẫn mang theo những vết thương chiến tranh, hay cuộc sống khó khăn. Vì vậy, giúp được gì cho đồng đội, tôi không nề hà, bởi vì nghĩa tình đồng đội luôn đặt lên hàng đầu”.

Không chỉ vượt khó vươn lên thoát nghèo, từ nhiều năm nay, vào các ngày lễ, tết, CCB Phan Khiêm Cung trích từ lợi nhuận của xưởng lò rèn mua và trao tặng từ 50 đến 70 suất quà, mỗi suất 300.000-400.000 đồng tặng người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn.

Với những việc đã làm, nhiều năm liền CCB Phan Khiêm Cung được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Tổng kết cuộc vận động thi đua “CCB gương mẫu năm 2021”, CCB Phan Khiêm Cung được Hội CCB tỉnh khen tặng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước tại cơ sở.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc

“Tôi chỉ muốn làm việc có ích cho đời, cho cộng đồng nơi mình đang sống. Tham gia công tác xã hội, tôi học hỏi được nhiều điều hay. Tôi sẽ tham gia công tác cho tới khi không còn đủ sức khoẻ nữa”- CCB Lê Văn Lài (SN 1960, ngụ ấp Bình Long, xã Thái Bình, Châu Thành) tâm sự.

Ông Lài nhập ngũ năm 1978, tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia đến năm 1981 thì được cử đi học ở Trường Sĩ quan lục quân 2. Ra trường, ông được phân công công tác tại Tiểu đoàn 14 Tây Ninh, từ năm 1997-2007 là Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoà Thành, cuối năm 2007 chuyển công tác về Trung đoàn 174. Tháng 6.2013 ông về hưu với quân hàm Đại tá, là thương binh 3/4.

Về hưu chưa bao lâu, CCB Lê Văn Lài tiếp tục tham gia làm Phó chánh Văn phòng Hội CCB tỉnh, đến tháng 2.2017 về làm Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành và từ tháng 3.2021 đến nay, CCB Lê Văn Lài giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Châu Thành kiêm Hội thẩm nhân dân TAND Châu Thành nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Trần Thanh Hải- Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành chia sẻ, sau khi nghỉ hưu, nhiều cán bộ đảng viên, trong đó có các CCB vẫn tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu tham gia các hoạt động phong trào, xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại cơ sở.

Họ trở thành “cầu nối” giúp khơi nguồn sức mạnh, tạo niềm tin giữa Đảng và Nhân dân. CCB Lê Văn Lài là một trong những điển hình như vậy, dù ở cương vị công tác nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội và người dân quý mến, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

CCB Nguyễn Xuân Bích (SN 1957, ngụ khu phố 4, phường 1, thành phố Tây Ninh) có hơn 40 năm tham gia công tác xã hội, từng làm nhiều công việc khác nhau như Bí thư Đoàn Thanh niên khu phố, tổ trưởng tổ dân cư tự quản... Từ năm 2001 đến nay ông được Chi bộ và bà con tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, trưởng khu phố 4. CCB Nguyễn Xuân Bích cho biết: “Tất cả các công việc được giao thì khi bắt tay vào làm đều khó khăn, vất vả. Nhưng đó là trách nhiệm, là tinh thần “cựu mà không cũ”.

CCB Phan Khiêm Cung bên lò rèn hơn 40 năm của mình.

Ông Nguyễn Văn Đẹp- Chủ tịch Hội CCB tỉnh khẳng định: “Những năm qua, rất nhiều cán bộ, hội viên CCB sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ cho lợi ích cộng đồng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Sự tiên phong, gương mẫu, đi đầu của những CCB đã có sức lan toả sâu rộng, tạo khí thế thi đua mới để các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.

Tố Tuấn-Hà Quang