BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dự án điện mặt trời đang dần hiện hữu tại Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 02/06/2018 - 06:22

BTN - Hiện tại, tỉnh, các ngành, UBND các huyện có liên quan, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (đơn vị quản lý, vận hành hồ) đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục và bàn giao mặt bằng đất bán ngập để triển khai dự án.

Phối cảnh dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng là công trình thuỷ nông nhân tạo lớn nhất nước ta hiện nay với diện tích 270km2 (27.000 ha), dung tích chứa 1,5 tỷ m3 nước, hiện do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, vận hành, với công năng chính là phục vụ tưới tiêu cho trên 170.000 ha đất nông nghiệp của các địa phương (Tây Ninh, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh).

Với tiềm năng, lợi thế hiện có, hồ Dầu Tiếng đang phát triển theo hướng đa chức năng như cung cấp nước sạch, phát triển du lịch sinh thái, tài nguyên khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo. Đây là một trong những lợi thế lớn của Tây Ninh nói chung và hồ Dầu Tiếng nói riêng.

Khu vực vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch “Điện VII điều chỉnh” 6 dự án đầu tư điện mặt trời với tổng công suất 610MW. Trong đó có 5 dự án tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, đang khẩn trương triển khai để kịp hoàn thành và vận hành trước 30.6.2019, đó là các dự án: Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2, Dầu Tiếng 3, Dự án điện mặt trời Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1.

Đây là những dự án tiên phong, có quy mô và vốn đầu tư lớn nhất nước hiện nay được đầu tư tại Tây Ninh theo chủ trương khuyến khích phát triển của Chính phủ. Các dự án điện mặt trời được triển khai tại các khu vực bán ngập hồ Dầu Tiếng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung cấp ổn định điện năng cho tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đóng góp ngân sách; đồng thời cũng tạo nên điểm du lịch hấp dẫn cho du lịch Tây Ninh.

Hiện tại, tỉnh, các ngành, UBND các huyện có liên quan, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (đơn vị quản lý, vận hành hồ) đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục và bàn giao mặt bằng đất bán ngập để triển khai dự án.

Tích cực bàn giao mặt bằng, hỗ trợ người dân thu hoạch mì

Đại diện Công ty cổ phần năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh cho biết, công ty đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (chủ hồ) cùng chính quyền huyện Dương Minh Châu, Tân Châu gấp rút thực hiện công tác hỗ trợ sản xuất cho người dân (đang tận dụng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng sản xuất theo thời vụ) sớm giao lại mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để bàn giao cho chủ đầu tư chuẩn bị khởi công dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1-2-3 trong tháng 6.2018.

Dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII, và được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư số 3065/QÐ-UBND, Quyết định số 3066/QÐ-UBND và Quyết định số 3067/QÐ-UBND ngày 18.12.2017.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 được triển khai tại khu vực hồ Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu và huyện Tân Châu với quy mô công suất 150 MW; diện tích sử dụng đất khoảng 216 ha. Tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 2 với quy mô công suất 200 MW; diện tích sử dụng đất khoảng 288 ha, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 có quy mô công suất 150 MW; diện tích sử dụng đất khoảng 216 ha. Tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng.

Những tháng qua, chính quyền địa phương 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu đã triển khai các mặt công tác thông tin, tuyên truyền, thống kê, thông báo đến các hộ dân và tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân đang tận dụng đất bán ngập thuộc phạm vi liên quan dự án, mặc dù theo quy định của pháp luật, các hộ dân này không thuộc đối tượng được đền bù, hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai. 

Điều đáng ghi nhận là thời gian qua, chính quyền địa phương đã có những động thái tích cực hỗ trợ người dân trong sản xuất và thu hoạch hoa màu, cũng như quan tâm phối hợp với nhà đầu tư trong việc linh hoạt xem xét, giải quyết giãn thời gian thu hoạch cây mì nhằm tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Theo dự kiến, UBND hai huyện Tân Châu và Dương Minh Châu sẽ hoàn tất các thủ tục bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà trước ngày 10.6.2018; công ty bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư từ ngày 15.6.2018 để triển khai dự án theo tiến độ.

Dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1-2-3 là việc cụ thể hoá mục tiêu của địa phương và nhà đầu tư, nhằm đưa Tây Ninh thành một trung tâm năng lượng tái tạo lớn của Việt Nam và khu vực, phát huy được tiềm năng to lớn về năng lượng mặt trời của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, cũng như từng bước giảm dần việc cung ứng điện từ các nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu không thân thiện với môi trường.

Để thực hiện dự án điện mặt trời có quy mô như hiện nay, nhà đầu tư cần khoảng 720 ha đất bán ngập. Trong đó, xã Tân Phú 65,45 ha, xã Tân Hưng 271,05 ha và xã Suối Đá 383,5 ha.

Theo chủ đầu tư, người dân đang tận dụng đất bán ngập sản xuất liên quan đến đất dự án sẽ được chủ đầu tư xem xét, vận dụng chính sách hỗ trợ sản xuất, tương tự như đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo quy định, với toàn bộ diện tích các hộ đang tận dụng sản xuất theo thời vụ trong vùng dự án, và được chia thành hai mức: mức 1 từ cao trình 24,44m trở xuống 23m, mức 2 từ cao trình 23m đến cao trình 22m.

 Mức 1 có giá hỗ trợ là 5.220 đồng/m2 (52.200.000 đồng/ha). Mức 2 có giá hỗ trợ là 2.900 đồng/m2 (29.000.000 đồng/ha). Diện tích được hỗ trợ là diện tích canh tác, sản xuất thực tế.

Các hộ dân có liên quan cũng sẽ được vận dụng xem xét hỗ trợ về nhà, công trình, vật kiến trúc (nếu có) hình thành trước khi có thông báo bàn giao mặt bằng với mức bằng 40% mức bồi thường, hỗ trợ xây dựng mới nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo đơn giá tại Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 31.12.2014 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng, vật kiến trúc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, người dân cũng được hỗ trợ về cây trái, hoa màu hình thành trước khi có thông báo bàn giao lại mặt bằng với mức bằng 100% theo đơn giá tại Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 29.12.2015 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trái và vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Chính sách vận dụng hỗ trợ trên thể hiện trách nhiệm và sự chia sẻ lớn của nhà đầu tư đối với các hộ đang tận dụng đất bán ngập do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà quản lý để sản xuất theo thời vụ.

Do vận dụng cho các hộ không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, nên toàn bộ chi phí mà nhà đầu tư hỗ trợ cho người dân sẽ không được khấu trừ vào tiền thuê đất theo quy định như các dự án khác.

IMG_2225.JPG

Mì trồng trên đất bán ngập hồ Dầu Tiếng. Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh

Sẽ ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương

Với tổng công suất của 3 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1-2-3 là 500 MW, đây là dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Vì vậy, trong quá trình xây dựng cũng như sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động, dự án sẽ cần một lượng lớn nhân công để vận hành, bảo trì.

Trong đó, nhân công địa phương là một trong những nguồn nhân lực được nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực, nhất là giao thông. Bên cạnh đó, khi dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thuế không nhỏ vào ngân sách địa phương, nguồn ngân sách này sẽ được phân bổ để phát triển các cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.

Một điều chắc chắn là, việc thực hiện dự án năng lượng mặt trời sẽ góp phần tôn tạo cảnh quan cho khu vực hồ Dầu Tiếng, từ đó thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, tạo điều kiện phát triển du lịch cho địa phương và tạo ra nguồn thu đáng kể.

Điều quan trọng, dự án sẽ bổ sung vào nguồn điện phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh về năng lượng. Đáng lưu ý, trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt - dù thời gian qua đã đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của con người, nhưng không bền vững; và việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch là một trong các nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người.

Do vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là một nhu cầu tất yếu.

Với những hiệu quả tích cực, dù mới là dự kiến, từ dự án năng lượng mặt trời mang lại, hy vọng đây sẽ là một bước đột phá về năng lượng tái tạo, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực phía Đông Tây Ninh nói riêng và cả tỉnh nói chung.

THIÊN TÂM - ĐÌNH CHUNG