Xã hội   Chia sẻ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Chỉ mong có căn nhà nhỏ cho mấy con đỡ khổ…” 

Cập nhật ngày: 30/03/2017 - 08:08

BTNO - Đó là chia sẻ trong nước mắt của chị Lê Ngọc Minh, sinh năm 1984, hiện ngụ tại khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu.

Mẹ con chị Minh trước ngôi nhà của mình.

Đã bao năm qua, niềm mơ ước nhỏ nhoi có một căn nhà lành lặn, nguyên vẹn để “tránh mưa tránh nắng” cho chị và những đứa con không thể thực hiện được vì gia cảnh quá nghèo và khó khăn.

Trong con hẻm thuộc địa bàn thị trấn Dương Minh Châu, căn nhà cũ kỹ xập xệ, nhỏ xíu là nơi tá túc của 3 mẹ con chị Minh. Nơi được gọi là căn nhà này có diện tích chỉ khoảng hơn 12m2 với chiều ngang chừng 3m và chiều dài khoảng hơn 4m được chắp vá chằng chịt. Ngồi trong ngôi nhà được cất hơn 7 năm này nhưng những vệt ánh sáng vẫn xuyên vào khắp nơi.

Ngôi nhà của chị Minh được lợp bằng những tấm tole cũ đã rỉ sét và lủng lỗ chi chít. Vách nhà đắp bằng đất, cũng đã được sử dụng khá lâu và có thể đổ sập bất cứ lúc. Tài sản lớn nhất của gia đình chị là chiếc ti vi đời cũ chạy rè rè để dành cho cả gia đình xem tin tức, giải trí. Cạnh đó là chiếc giường ọp ẹp là nơi nghỉ ngơi của ba mẹ con.

“Tội nghiệp nhất là hai đứa con em phải bỏ chạy tứ tán khi trời mưa xuống vì nhà dột trong khi em lại đi bán không có ở nhà” - chị Minh than thở.

Chị kể thêm, hai vợ chồng có với nhau được hai mặt con, đứa lớn hiện đã 14 tuổi và đứa nhỏ 7 tuổi. Chồng chị bỏ nhà đi đã hơn 2 năm nay, để lại chị một mình nuôi dạy các con nên cuộc sống vốn đã vất vả thì càng thêm khó khăn chồng chất. Con trai lớn của chị đã phải nghỉ học, nhường cho đứa em nhỏ đến trường; ở nhà, nó phụ giúp mẹ những công việc lặt vặt trong gia đình, ai kêu làm mướn làm thuê gì thêm thì đi làm để có tiền phụ giúp mẹ.

Dù biết việc con bỏ học là không đúng nhưng trong tình cảnh này, chị Minh cũng chấp nhận vì không còn cách nào khác. Chị bảo, vì còn nhỏ nên cũng thỉnh thoảng mới có người thuê mướn để đi làm, cho nên việc đưa đón em đi học và về nhà chăm sóc em mới là công việc chính của con trai lớn của chị.

Còn chị, công việc chính hiện nay là đi cắt cỏ mướn với thu nhập khoảng 80.000 đồng/ngày nhưng cũng bấp bênh vì bữa có bữa không. Những lúc không có người thuê mướn, chị cùng chiếc xe máy cà tàng của mình đi mua bánh tráng, bánh mì, đồ ăn lặt vặt… rồi rong đuổi theo những chỗ công nhân cạo mủ cao su hay các trường học để bán, kiếm chút đỉnh tiền lời, mà theo chị, bữa nào khấm khá lắm cũng được khoảng 60.000- 70.000 đồng/ngày để mua gạo và đồ ăn đắp đổi qua ngày.

Những ngày không đi làm hay buôn bán ế ẩm, 3 mẹ con ăn uống tiện tặn, cầm cự chờ ngày sau đi làm kiếm tiền. Chị nói thêm, “thỉnh thoảng mẹ con em khổ quá thì qua xin tiền mẹ ruột kế bên, được mẹ trợ cấp chút ít “cứu đói”, vì mẹ ruột cũng khó khăn nên cũng không thể giúp đỡ được nhiều”.

Sự nghèo khó và khó khăn của ba mẹ con chị Minh hiện nay càng nhân lên gấp bội khi thời gian sau này, chị Minh nghe phía bên lồng ngực của mình thường xuyên đau nhức một cách kỳ lạ. Khổ quá, chị đành bỏ mặc cho những cơn đau nhức hành hạ mình, bởi lẽ kiếm tiền lo cho cuộc sống hằng ngày của các con mới là vấn đề chị quan tâm nhất.

Cho đến khi cơn đau thắt ngày càng nhiều và càng nặng, chị mới mượn một ít tiền đi khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ cho biết chị bị bệnh bướu sợi và viêm đa nang, yêu cầu chị tích cực điều trị, phải uống thuốc thường xuyên và đúng cữ.

Chị bảo, mỗi lần đi khám bệnh như thế tiền xe và tiền thuốc tính ra cả triệu đồng/lần, trong đó nặng nhất là tiền thuốc nên chị không dám đi tái khám. Chỉ đến khi nào đau nhức quá chịu không nổi, chị mới vay tiền đi tái khám bệnh, còn lại thì chị uống thuốc nam theo lời chỉ dẫn của những người quen biết.

“Bác sĩ bảo phải mổ, nhưng chuyện đó đối với gia đình em là việc không tưởng. Thôi thì cầm cự được tới đâu hay tới đó, chứ bây giờ tiền ăn cho con còn không có, lấy đâu tiền đi trị bệnh” – chị Minh vừa nói vừa gạt giọt nước mắt trên gương mặt khắc khổ.

Chị bộc bạch, “mong ước lớn nhất của em bây giờ là có được căn nhà đàng hoàng để mấy đứa con em có nơi trú mưa trú nắng. Niềm mơ ước không tưởng này không biết đến bao giờ em mới thực hiện được cho các con của mình...”

Đức An  - Đại Dương