Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Không khí nhộn nhịp của khu phố Gia Long không còn nữa kể từ ngày cầu Quan chính thức được tháo dỡ để thi công xây dựng cầu mới (16.2.2012).

Không khí nhộn nhịp của khu phố Gia Long không còn nữa kể từ ngày cầu Quan chính thức được tháo dỡ để thi công xây dựng cầu mới (16.2.2012). Cũng từ đó, cuộc sống, buôn bán của nhiều người dân, tiểu thương ở khu “phố cổ” này gặp không ít khó khăn.
Vẫn còn nhớ mỗi lần đi từ công viên Thắng Lợi qua phố Gia Long, chắc hẳn mọi người đều thấy vài bác xe ôm đậu ngay đầu con phố đưa đón khách, kiếm kế sinh nhai. Nhưng giờ, hình ảnh ấy không còn, họ phải chuyển nghề để mưu sinh. Theo nhiều người ở đây, trong số họ, đã có người làm phụ hồ, đi làm thuê.
![]() |
Dạo quanh khu phố Gia Long lúc trưa, đường phố vắng vẻ quá, từ hàng ăn uống, buôn bán giày dép, quần áo đến mặt hàng kim khí điện máy, đồng hồ. Ông Chấp - người sửa chìa khoá và bán vài thứ hàng hoá nhỏ ở khu phố này cho biết: Từ ngày cầu Quan được tháo dỡ, công việc của ông ế ẩm lắm, chủ yếu là những mối quen thôi, chứ khách vãng lai thì rất ít. Chị Khanh - chủ tiệm cơm Phú Lai cũng cùng chung tâm trạng nói: Trước khi xây cầu thì buôn bán có dư, giờ thì chỉ đủ trả lương cho người giúp việc và đóng thuế là mừng rồi.
Anh Nguyễn Văn Thành lo lắng cho biết, anh thuê mặt bằng bán quần áo, nhưng hiện bán rất chậm. Hiện anh Thành đã “tinh giảm biên chế” nhân viên để giảm chi phí. Mấy ngày gần đây, cửa hàng anh không bán được đồng nào.
Tương tự, ông Nguyễn Trường Long, chuyên kinh doanh về hàng điện tử nói: Trước giờ tôi vẫn bán ở đây, nay củng cố mà cầm cự, chờ đến khi hoàn thành cây cầu chứ đâu biết làm sao. Thua lỗ cũng phải chịu, chứ đâu chuyển đi chỗ khác được. Ông cũng mong, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thi công để phố Gia Long sung túc, nhộn nhịp như xưa, buôn bán, thu nhập trở lại.
Khi đến cửa hàng điện thoại, mắt kính của anh Nguyễn Bá Tài, chúng tôi nhận được rất nhiều “tâm sự” của những người khó khăn trong việc buôn bán. Họ mong ngành Thuế tiếp tục giảm thuế để “gỡ gạc” phần nào trong kinh doanh. Mặt khác, họ cũng rất lo lắng về tiến độ công trình. Chứ như, đã gần tháng rưỡi rồi mà việc dỡ bỏ cây cầu cũ cũng chưa hoàn thành. Trong khi mỗi ngày chỉ có vài người đến làm rồi lại đi.
Xây dựng cầu mới để Thị xã phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại là phù hợp cũng là nguyện vọng chung của người dân. Tuy nhiên, điều người dân băn khoăn lo lắng là làm sao đơn vị thi công đảm bảo chí ít là đúng thời gian kế hoạch như đã đưa ra cũng như giữ lại được dáng dấp đặc trưng của cây cầu đã in sâu vào ký ức của biết bao người dân Tây Ninh. Hơn nữa, vì đây là cây cầu nằm ở giữa trung tâm Thị xã, là tuyến đường huyết mạch “nối” trung tâm Thị xã với phố Gia Long. Mọi chuyện kinh doanh, buôn bán của rất nhiều hộ dân ở đây chịu tác động rất lớn từ việc xây dựng cây cầu mới.
Những tâm tư, những mong muốn của người dân ở phố Gia Long này rất mong ngành chức năng quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện giúp người dân ở đây thuận tiện hơn trong việc buôn bán, ổn định cuộc sống. Nếu được cũng nên phát động thi đua rút ngắn tiến độ thi công so với kế hoạch. Ắt hẳn sự đồng tình của người dân là rất lớn.
HẢI NAM