Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một loại sắc phong thần mạo danh “phục chế”
Thứ năm: 03:00 ngày 20/08/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trường hợp “Quan lớn Huỳnh Công Giản” là một nhân vật lịch sử có công với Tây Ninh, chúng ta cố gắng tìm lại tiểu sử công trạng Ngài để tôn thờ. Không nên nguỵ tạo một sắc phong chắp vá theo kiểu “đầu Ngô mình Sở”, “đất cao trời thấp”, “con sinh trước cha”… rất nguy hiểm cho lịch sử văn hoá địa phương sau này.

Có một loại sắc phong khác đang lưu hành ở một vài đình, đền, miếu Tây Ninh, như sắc phong cho anh em “Quan lớn Trà Vong”. Tuy nhiên, như Báo Tây Ninh đã từng có bài phân tích xác đáng rằng đây là loại sắc do một số cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế “nguỵ tạo” cốt để “buôn thần, bán thánh”, loại sắc này có giá cả hẳn hoi, mỗi tờ là 9 triệu đồng.

Nhóm bán buôn này hiện đang có mạng lưới bán buôn trên toàn Nam bộ. Tây Ninh không phải là ngoại lệ. Thực chất là họ lấy danh nghĩa “phục chế” để cung cấp sắc phong tự chế, lợi dụng lòng tín ngưỡng của nhân dân. Mong các quý vị Ban Hội đình miếu tỉnh nhà biết để cảnh giác. Để cho khách quan, Trần Vũ xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Trương Ngọc Tường về vấn đề trên:

Bản dịch tờ sắc phong của Trương Ngọc Tường.

Theo Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, vua Minh Mạng đầu tiên ban cấp sắc thần; căn cứ vào các tiêu chuẩn Thượng, Trung hoặc Hạ đẳng thần quy định vào năm Gia Long thứ ba (1804). Sau đó chỉ có Đại khánh tiết (mừng thọ vua) hoặc lễ đăng quang (mừng vua lên ngôi) có bảo chiếu Đàm ân, Bách thần mới được gia tặng mỹ tự.

Vua Minh Mạng chỉ phong tặng, các vua Thiệu Trị và Tự Đức chỉ gia tặng cho các công thần có công khai phá xứ Nam Hà như Đô đốc Bùi Tá Hán, Tham tướng Lương Văn Chánh, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh, Thống suất Nguyễn Cửu Vân (tất cả hơn 21 thần hiệu). Ngày 29.11 năm Tự Đức thứ năm (8.1.1853) là thời điểm đồng loạt ban cấp sắc Bổn cảnh Thành hoàng chi thần cho các xã thôn Nam kỳ.

Trước thời điểm này, nhà Nguyễn chưa phong tặng cho các vị Trung Hưng công thần, Trung Nghĩa hoặc Trung Tiết công thần (như Tri phủ Huỳnh Công Giản, kể cả các vị có công to lớn hơn nhiều như Hoài Quốc Công Võ Tánh, Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức).

Các vị công thần này khi mất có thể dân nhớ ơn lập đền miếu tôn thờ, triều đình truy tặng quan hàm thờ tại các miếu công thần. Nhà Nguyễn phải cẩn thận, vì lý do các vị này mới mất, đức tin của dân mới thành hình, nếu đưa vào thế giới thần linh e quá sớm.

Theo Đại Nam Thực lục chính biên Đệ Lục kỷ (phụ biên) và Đại Nam Thực lục chính biên Đệ Thất kỷ (Cao Tự Thanh dịch- Nhà xuất bản Văn hoá Văn nghệ), vào năm 1886, vua Đồng Khánh quy định mỹ tự Dực Bảo Trung Hưng tôn thần để tặng cho Bách thần. Năm 1890, vua Thành Thái quy định 5 điều. Trong đó quy định từ nay sẽ phong tặng các bề tôi của bản triều (tức các danh nhân từ đời Gia Long trở xuống). Còn các thần hiệu chưa rõ ràng, nhưng được dân chúng tôn thờ cảm thấy linh ứng, thì phong Linh Phù chi thần.

Nam kỳ là xứ thuộc địa Pháp, nên dân địa phương muốn có sắc thần phải làm đơn sớ, kèm một số lệ phí nhờ Tham biện (tỉnh) chuyển về toà Khâm sứ (Huế) rồi được chuyển qua Bộ Lễ tâu xin.

Hiện nay, tại miền Nam chỉ có một số điệp (bản sao sắc thần Thành hoàng) của Bộ Lễ, một số sắc phong cấp cho ấp Tân An hộ Hoà Mỹ vào năm 1911 đời Duy Tân và một số sắc Bổn cảnh Thành hoàng chi thần hay Bổn thổ Thành hoàng chi thần cấp cho các xã thôn Nam kỳ vào năm 1917 đời Khải Định. Đặc biệt, nhân Tứ tuần Đại Khánh tiết 1924, bảo chiếu Đàm ân của vua Khải Định đã phong rất nhiều bề tôi của bản triều.

Giấy sắc phong tiền triều Tri phủ Huỳnh Công Giản, mỹ tự Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần, cũng sai quy định. Đúng ra thần Trung đẳng hoặc thần Hạ đẳng (trong đó có Linh Phò chi thần) phải dùng giấy hoa văn rồng mây vẽ bằng nhũ bạc nhưng đơn giản hơn. Giấy sắc đời Tự Đức màu thổ hoàng, giấy sắc đời Khải Định (và Bảo Đại) màu vàng nghệ đậm hơn.

Chữ sắc phong Tự Đức ngũ niên là chữ in mộc bản, văn phong theo trình tự: sắc cho thần hiệu, nguyên được vua Minh Mạng phong tặng mỹ tự. Nay trẫm tiếp nối… gia tặng mỹ tự (nhấn mạnh chữ gia tặng). Chuẩn cho huyện, thôn (nhấn mạnh chỉ có huyện và thôn) thờ y như cũ v.v… Sắc phong đời Khải Định và Bảo Đại văn phong theo trình tự khác hẳn: sắc cho địa chỉ tâu xin (tỉnh, quận tổng, xã thôn) đã thờ thần hiệu nhưng từ trước đến nay chưa được sắc phong. Nên nay trẫm tiếp nối… phong làm (trứ phong vị: nhấn mạnh) Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần. Chuẩn cho thờ phụng y như cũ.

Ở Nam bộ còn nhiều sắc phong. Có loại sắc của đời Minh Mạng thay mặt thế tổ Cao hoàng đế gia tặng. Có loại sắc của các đời Thiệu Trị và Tự Đức gia tặng. Trong thời Pháp thuộc có loại điệp cấp (bản sao sắc thần) của Lễ Bộ, sắc thần của Khải Định hoặc Bảo Đại phỏng theo lời tâu xin của địa phương (năm 1938, 1939, có hồ sơ báo cáo về phong tục tín ngưỡng của hương chức Hội Tề Nam kỳ còn lưu tương đối đầy đủ).

Sau năm 1945, do chiến tranh nên có nhiều đình, miếu, sắc phong bị huỷ hoại. Nhiều bô lão khi tái thiết đình miếu đã hồi tưởng viết lại bản sắc phong thần của địa phương mình để tôn thờ với tấm lòng thành. Chúng tôi so sánh với các báo cáo năm 1938-1939 thì trùng khớp. Đặc biệt, khoảng năm 1980-1981, nhiều xã kinh tế mới cũng lập đình, đưa những vị Thành hoàng “dân phong” vào tôn thờ, nào có sắc phong của triều đình đâu mà cũng linh hiển, tổ chức lễ hội linh đình.

Trong văn tế truyền thống có câu: “Quá giả hoá, tồn giả thần” (những chuyện đã qua đều biến đổi, những gì còn lại là tinh thần). Thế nên, trường hợp “Quan lớn Huỳnh Công Giản” là một nhân vật lịch sử có công với Tây Ninh, chúng ta cố gắng tìm lại tiểu sử công trạng Ngài để tôn thờ. Không nên nguỵ tạo một sắc phong chắp vá theo kiểu “đầu Ngô mình Sở”, “đất cao trời thấp”, “con sinh trước cha”… rất nguy hiểm cho lịch sử văn hoá địa phương sau này.

Chúng tôi có mấy lời trình bày chân thật.

Cai Lậy, ngày 1 tháng 7 năm 2015

Trương Ngọc Tường

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục