Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Núi Heo, vùng cẩm tú giang sơn
Thứ tư: 06:00 ngày 25/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cứ như một sự vô tình sắp đặt giữa con người và núi. Nên sự khai thác có chừng mực ở phía Tây núi đã tạo nên những hồ Chằm đúng nghĩa. Cộng với những nỗ lực cần cù của con người mà góc núi này đã trở nên đầy ắp những vườn cây trái tốt tươi.

Hồ gần đường 784.

Ðấy là trái núi thấp nhất trong quần thể 3 ngọn núi Bà Ðen. Theo bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ 1/50.000 (in năm 2002) thì núi Heo ở phía Tây núi Bà, có đỉnh cao 341m. Còn núi Phụng ở về phía Tây Bắc, phía gần nhất với đường 785 lên Tân Châu cao 419m. Trong khi đó, núi Bà có đỉnh cao 978m- khác với số liệu các báo cáo đã quen dùng là 986m. Cơ quan, sở, ban, ngành nào chẳng có tấm bản đồ chuẩn quốc gia này. Nhưng có lẽ người ta nghĩ: ôi chà! Chênh nhau 8m có là gì so với chiều cao gần cây số. Thôi cứ dùng một số liệu đã quen với hầu như tất cả mọi người.

Nhưng núi Bà đã trở thành khu du lịch quốc gia, nghĩa là các dự án phát triển sẽ được các cơ quan trung ương thẩm định. Vậy có nên trở lại với số liệu chuẩn của bản đồ quốc gia không nhỉ? Thôi, chuyện này là chuyện của các cơ quan quản lý. Chuyện của mình hôm nay là đến với những gì thật gần gũi. Như núi Heo, còn gọi là núi Ðất có đỉnh cao 341m. Lúc nào núi cũng mướt xanh trong mắt người qua lại trên đường 785.

Ðộ mấy năm nay, thung lũng Ma Thiên lãnh trở thành điểm du lịch tự phát của rất nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh. Chỉ có hơn một km đường vào kể từ đường 785 đã bê tông nhựa. Bánh xe lăn tít đường êm. Cái hẻm núi để con đường bò vào, rồi tiếp tục trườn lên ấy chính là đường phân thuỷ giữa núi Heo và núi Phụng. Hết đường nhựa là đến đường dốc gồ ghề đá, chỉ chạy xe được thêm vài trăm mét nữa. Bởi con đường đá có từ hồi “mồ ma giặc Pháp”, đoạn trên nữa đã hư hại cả, không thể vượt qua nếu không cuốc bộ.

Nghe nói tỉnh nhà đang có dự án phục hồi hoặc mở tuyến đường xe mới lên tận đỉnh núi Bà. Vậy thì cả vùng Ma Thiên Lãnh và sườn Tây núi Bà sẽ được “thăng hoa”, tha hồ hút khách. Mà đã hút rồi còn gì! Chẳng những ngày nghỉ cuối tuần, mà ngày thường ta cũng luôn gặp những tốp bạn trẻ lên Ma Thiên Lãnh, tới chân núi Heo bằng xe máy, xe hơi. Lán lều tạm bợ đã mọc lên phục vụ kịp thời, mặc dù ở đâu cũng có biển cấm khai thác của Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen.

Nhưng núi Heo lộng lẫy thế này, chẳng lẽ lại ngăn người ta đến ngắm? Mà đã đến thì lại phát sinh nhu cầu ăn, uống, giải trí, vui chơi. Thế là người dân địa phương và có cả người từ nơi khác đến đã nhanh tay đến “làm du lịch”. Tự phát nên chưa bài bản. Nhỏ nhoi và manh mún. Dĩ nhiên là ô nhiễm môi trường cũng đã phát sinh. Nhưng trước khi có đáp án của bài toán hài hoà lợi ích, cũng nên ngắm lại những gì đang có trên núi Heo ở sườn Tây của danh thắng núi Bà Ðen.

Hồ đá (Mây Núi).

Sách Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức viết về sông Lăng Khê (rạch Tây Ninh ngày nay) có đoạn: “có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Ðen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại luôn không dứt…”. Ðoạn viết về núi Bà, ông lại mô tả: “đá đất cao chót vót, cây cối um tùm, suối ngọt đất màu, trên có chùa Vân Sơn, dưới có hồ Chằm, cảnh trí thanh u, hang rừng sâu thẳm…”.

Ðọc đoạn văn trên, chỉ có từ “hồ Chằm” là hơi lạ. Tra một từ điển cổ thấy từ này có nghĩa là: nơi rộng sâu, có nước, bỏ hoang. Vậy là đã rõ. Sau hơn 200 năm, núi Bà vẫn hầu như nguyên vẹn dáng hình xưa. Từ núi Heo, có suối chạy ra mang tên Trà Phí. Ngọn nguồn của suối ấy, từ kênh Tây trở vào chân núi được người dân gọi là suối Ông Tuấn.

Nhưng thật lạ làm sao, khi chạy trên đường vành đai bao quanh chân núi, lại không thể tìm ra nơi suối lòn qua dưới lòng đường. Hỏi vài nhà kế cận đường vành đai, cũng không ai biết. May mà vẫn gặp một bác nông dân da đen sạm vừa từ rừng đi ra chỉ vẽ đến ngọn nguồn. Nơi ấy cách cổng vào trường bắn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khoảng 1km.

Từ đây nhằm hướng núi đi vào. Con đường mòn dẫn lối quanh qua những vườn tạp lẫn cây rừng hoang dại. Ai đó đã vào tận chân núi này đây để xới đất lật cỏ, nhặt đá làm nên một khoảnh rẫy nương đất nâu hồng tươi xốp như một vạt phù sa. Bên trong là lũng thấp trũng xuống trước khi tới vách núi ngổn ngang vô vàn đá tảng chen nhau chồng chất. Chuối, tre, mãng cầu cùng các loại cây rừng xanh um trên sườn dốc cheo leo.

Theo đường mòn, qua nương mới ấy thì thấy ngọn suối Ông Tuấn chảy loanh quanh qua gộp đá, bờ cây. Ðể rồi mất hút dòng chảy khi tới lũng núi phía trong. Lòng thung cũng đã biến thành ruộng lúa, mảnh xanh, mảnh vàng. Có nơi, mội nước vọt lên giữa ruộng, mạnh mẽ, tràn trề, tiếng kêu lóc bóc. Liệu đây có phải là một trong những hồ Chằm mà Trịnh Hoài Ðức đã tả hơn 200 năm trước? Trên bản đồ năm 2002 vẫn thấy nơi này được khoanh tròn như một hạt đậu tương xanh. Có phải là sau mấy trăm năm, nước cứ theo suối mà thoát đi, còn đất cát lắng xuống bồi lên thành ruộng rẫy? Nhưng dẫu thế thì nước vẫn cứ “thấm thía chảy ra” từ ruột núi. Câu văn này của Trịnh Hoài Ðức đã diễn tả tuyệt hay những nguồn suối núi Bà.

Tìm được nguồn suối Ông Tuấn (tức suối Trà Phí) rồi, mới có thể nhẩn nha lượn xe quanh những con đường khấp khểnh đá núi dưới chân núi Heo. Không phải chỉ có hồ Mây Núi, hoặc Ba Bể đâu, thưa bạn. Nơi này phải có ít ra là 5- 6 hồ nước, nên cũng có thể xưng danh là vùng đất ngũ hồ.

Này nhé, hồ Ðá (Mây Núi) dĩ nhiên là lớn nhất với bốn mùa nước leo lẻo trong xanh. Trong là vách đá dựng đứng như bức tường thành. Phần còn lại đã bạt ngàn xanh những rẫy vườn, cùng những bờ tràm vàng nghiêng nghiêng soi bóng nước. Phía ngoài (theo đường vào) sẽ còn một hồ khác do người khai thác đá ong để lại, với nhiều đảo nhỏ rậm cây, tạm thời cho bầy vịt nhởn nhơ.

Theo một con đường lên công trường khai thác đá trước kia (từ ngã ba vào Ma Thiên Lãnh) cũng sẽ gặp đến 2 hoặc 3 hồ nữa. Có hồ nước hun hút sâu bên vách đá, nhưng cũng có hồ đã cạn, nông nay trở thành một đầm sen. Phía bên hồ đá, nếu men theo đường mòn phía Nam, cũng sẽ gặp thêm một hồ lớn gần bằng hồ Ðá nhưng tròn trịa, hiền lành hơn.

Bởi hồ không còn vách đá cheo leo, chỉ có những rặng cây cao cùng với bạt ngàn cỏ lau hoang dại. Sắp ra tới đường 784 sẽ vẫn gặp những hố hầm sâu con người đang bòn mót khai thác tận thu, cố gắng moi lên những tảng đá lớn nằm sâu dưới đáy. Tương lai, những hố hầm ấy cũng thành hồ nước, khi con người đã ngán ngại, bỏ đi.

Cứ như một sự vô tình sắp đặt giữa con người và núi. Nên sự khai thác có chừng mực ở phía Tây núi đã tạo nên những hồ Chằm đúng nghĩa. Cộng với những nỗ lực cần cù của con người mà góc núi này đã trở nên đầy ắp những vườn cây trái tốt tươi. Và những con suối vẫn tuôn trào nguồn nước thấm thía ra từ lòng núi. Chuối, mãng cầu bạt ngàn xanh khắp sườn non. Ðất rẫy mì xốp tơi như bột nở. Và lom khom soi mình trên nước luồn qua khe đá là những gốc sung già. Vùng nước non này có đáng gọi là một vùng “tam đảo, ngũ hồ” không?

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục