BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Cần khai thác các thế mạnh kinh tế còn ở dạng tiềm năng

Cập nhật ngày: 28/08/2011 - 05:34

Ông Nguyễn Mạnh Tiến

Nhân dịp Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh vừa trúng cử chức danh Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội.

PV: Thưa ông, như đánh giá chung của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX cuối năm 2010 vừa qua, tỉnh Tây Ninh có tiềm năng lớn về du lịch nhưng chưa được khai thác đúng mức. Sau 3 năm tham gia công tác điều hành quản lý kinh tế- xã hội tỉnh nhà, theo ông Tây Ninh cần làm gì để đẩy mạnh ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Phải nói rằng Tây Ninh có nhiều lợi thế về du lịch, nhưng chúng ta chưa khai thác được thế mạnh này. Vừa qua BCH Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã có nghị quyết về việc đẩy mạnh và nâng cao vai trò của hoạt động du lịch trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2016; để thực hiện chủ trương này, theo tôi trong thời gian tới Tây Ninh cần tập trung vào 3 vấn đề sau:

Thứ nhất: Thực hiện quy hoạch tổng thể về du lịch Tây Ninh, trong đó chú ý đến lợi thế so sánh, có gắn với quy hoạch du lịch của cả nước và quốc tế, nhằm triệt để khai thác những tiềm năng thế mạnh riêng của Tây Ninh như du lịch tâm linh, truyền thống cách mạng, phong cảnh, sinh thái, cửa khẩu biên giới… với địa hình thuận lợi, thời tiết và thiên nhiên ưu đãi, có nắng quanh năm và hầu như không bị thiên tai bão lũ. Chúng ta cần phải tìm mọi cách để đưa Tây Ninh vào bản đồ du lịch của cả nước và quốc tế, trên thế giới không ai làm du lịch riêng lẻ cả.

Thứ hai: Chúng ta phải tiếp tục tranh thủ và triệt để khai thác sự ủng hộ, giúp đỡ của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nhân trong nước, quốc tế, trong tỉnh, ngoài tỉnh nhằm gắn kết với ngành du lịch của cả nước và thế giới. Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch phục vụ không chỉ cho nhu cầu hưởng thụ của nhân dân địa phương, mà còn để cuốn hút người từ nhiều nơi trên thế giới đến với Tây Ninh nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Hiện nay đã có nhiều đơn vị đến Tây Ninh với nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo như xin được đầu tư xây dựng “làng Nga” để những gia đình người nước ngoài, trong đó có những người đến từ Đông Âu, vốn rất gần gũi với Việt Nam, họ đến Tây Ninh để “nghỉ đông”, tránh mùa đông khắc nghiệt ở nước họ. Chúng ta phải suy nghĩ về điều này, tại sao họ xin đến với ta? Họ đến là để nghỉ ngơi, để được hưởng thụ, vui chơi giải trí và tiêu tiền của họ, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Hoặc như dự án xây dựng phim trường ngoài trời tầm cỡ quốc tế tại đảo Nhím trong lòng hồ Dầu Tiếng đang được triển khai. Dự án này lấy ý tưởng xây dựng phim trường ngoài trời, tái hiện các quang cảnh lịch sử, các cảnh mang đậm màu sắc châu Á để cho các hãng phim thuê quay các cảnh về châu Á. Một khi dự án đi vào hoạt động, với việc phục vụ cho những đối tượng khách hàng rất đặc biệt là những người nổi tiếng, các ngôi sao điện ảnh, các đạo diễn trên thế giới và trong nước sẽ kéo theo hàng loạt các dự án hỗ trợ như khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp; khu vui chơi... rất lớn, nhiều dự án và doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ vào cuộc và đây chính là điểm nhấn cho ngành du lịch Tây Ninh.

Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng vai trò cá nhân của những “yếu nhân” cũng vô cùng quan trọng, như vai trò của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao& Du lịch Hoàng Tuấn Anh sẽ đóng góp lớn, có tính định hướng và để lại dấu ấn đậm nét trong sự phát triển du lịch của Tây Ninh.

Thứ ba: Cần có sự thay đổi cách tiếp cận của bản thân chúng ta, của người dân, các cấp chính quyền sở tại. Chúng ta đồng tâm, hiệp lực cùng vào cuộc với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, vì một Tây Ninh giàu đẹp và phát triển. Thời gian qua lãnh đạo tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai nhiều hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư vào Tây Ninh. Chuyến công tác của các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Quảng Ninh là một biểu hiện sinh động, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tôi hy vọng làn gió này sẽ “thổi” đến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ của Tây Ninh.

PV: Thưa ông, ngoài ngành Du lịch,Tây Ninh cần tập trung vào ngành kinh tế mũi nhọn nào?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Tây Ninh từ lâu đã có thế mạnh về nông nghiệp, nhất là cây cao su, cây khoai mì, cây mía và nhiều cây trồng đặc sản khác; thế nhưng chúng ta mới chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, giá thấp và hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác mua hàng. Và để rồi chính chúng ta phải nhập lại những mặt hàng tiêu dùng có nguồn gốc từ sản phẩm của chúng ta làm ra với giá rất cao, rất đắt. BCH Đảng bộ, các sở ngành đã có sự đầu tư nghiên cứu việc phải xúc tiến xây dựng các nhà máy, các cơ sở chế biến hiện đại, để chế biến ra những sản phẩm tinh chất từ bột mì, mía đường, mủ cao su ra những sản phẩm cao cấp...

Hiện đã có những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến xin đầu tư, nhưng họ muốn độc quyền sản xuất sản phẩm, nên tỉnh chưa thể đồng ý. Chúng ta không thể làm giàu bằng “bán đất” hay bán sức lao động thủ công, mà chúng ta phải làm giàu thật căn cơ, bài bản và phải nắm thế chủ động; chủ động “cất cánh” bằng chính sức mình.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến trò chuyện với cử tri xã Thạnh Tân (Thị xã)

PV: Để thực hiện được những vấn đề trên, Tây Ninh cần có hành động cụ thể nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Định hướng đã rõ ràng, điểm nhấn đã lộ diện; nền kinh tế của tỉnh Tây Ninh mới ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư để phát triển, còn rất trẻ, rất mới, nhưng chúng ta đã có được tốc độ phát triển từ 15 đến 18%. Đây là thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, và chính đây cũng là thế mạnh của Tây Ninh. Thực hiện tốt các bước theo quy hoạch, Tây Ninh sẽ sớm “cất cánh”, chắc chắn là như vậy, không thể khác được. Chúng ta đã có rất nhiều đổi mới, nhưng vẫn cần phải đổi mới hơn nữa trong cải cách hành chính, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính quyền phải sát cánh cùng doanh nghiệp, để hiểu và giúp doanh nghiệp; phải coi việc phát triển kinh tế cũng là nhiệm vụ của chính quyền chứ không phải của riêng doanh nghiệp. Phải nhìn nhận đúng mức doanh nghiệp đến với chúng ta là họ đem đến nguồn vốn, tri thức, công nghệ và việc làm cho chúng ta; họ có lợi và chúng ta cũng có lợi. Xin nói thêm: Cứ thu thuế trực diện từ đất thì rất khó làm giàu cho ngân sách, phải thu thuế từ lợi nhuận của sản xuất kinh doanh, công nghiệp, thương mại mới mau giàu, giàu bền.

PV: Với cương vị mới là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông có suy nghĩ thế nào về sự đóng góp của cá nhân mình vào sự nghiệp làm giàu cho Tây Ninh?

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Tôi đã gắn bó với Tây Ninh và thực sự coi Tây Ninh là quê hương thứ hai, dù có ở đâu, giữ nhiệm vụ gì tôi cũng luôn có trách nhiệm và cả nghĩa vụ đóng góp công sức xây dựng quê hương. Tôi suy nghĩ, mỗi người góp một viên gạch thì ngôi nhà sẽ nhanh chóng hoàn thành, với tình cảm đó, tôi nguyện sẽ cùng các lãnh đạo tỉnh Tây Ninh làm hết sức mình đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH tỉnh nhà.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành cho Báo Tây Ninh cuộc trao đổi này.!

KHẮC LUÂN

(thực hiện)