BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phạm nhân Trại giam Cây Cầy viết gần 2.400 lá thư “gởi lời xin lỗi”

Cập nhật ngày: 14/09/2014 - 07:29

Đến dự còn có Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Tây Ninh Phan Thị Thuỳ Vân, Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cùng một số bị hại, gia đình bị hại, thân nhân phạm nhân.

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám thị Trại giam – Trung tá Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 5 tháng phát động từ Trại giam Cây Cầy, đã có gần 2.400 lá thư “gởi lời xin lỗi” của phạm nhân được chuyển đi khắp mọi miền đất nước. Họ viết cho người bị hại, gia đình bị hại, cho cha mẹ, anh chị em, và cho cả... chính quyền địa phương nơi họ sinh ra, lớn lên. Những lá thư ấy, là cơ hội để họ trút bao tâm sự, viết lên những nỗi niềm ray rứt, dằn vặt, trăn trở trong những ngày dài thụ án trong tù; là cơ hội để họ thức tỉnh lương tri, nhận rõ hơn về tội lỗi, hậu quả mình gây ra, xác định rõ trách nhiệm của bản thân và hướng phấn đấu trong thời gian chấp hành án phạt tù và khi về xã hội. Trại cũng đã cử chỉ huy Đội giáo dục – hồ sơ trực tiếp mang 18 thư cho người bị hại, thân nhân người bị hại (7 thư); thân nhân phạm nhân (10 thư) và cơ quan, tổ chức (1 thư).

Tuy nhiên sự quan tâm, phúc đáp của người nhận thư còn hạn chế. Chỉ có 1 cá nhân và 1 cơ quan trả lời, còn lại là phản ánh chấp nhận lời xin lỗi của phạm nhân qua điện thoại, nên phần nào chưa thể chuyển tải hết được sự động viên, tha thứ đối với phạm nhân.

Dù không tha thứ nhưng qua những bức thư, bị hại hay gia đình bị hại phần nào nguôi ngoai, hiểu được sự ân hận, tình cảm chân thành của phạm nhân. Đó cũng đã là một nỗ lực rất lớn các của cán bộ giám thị, quản giáo Trại giam Cây Cầy, với mong muốn cảm hoá những người - vì lý do nào đó mà phạm tội – cảm nhận được sự vị tha, tình cảm chân thành giữa con người, với con người.

Mẹ phạm nhân Nguyễn Hoàng Tâm nghẹn ngào khi nghe con nói lời xin lỗi.

Phong trào viết thư “gởi lời xin lỗi” có ý nghĩa rất tốt trong giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời xoá bỏ dần thù hận, chung tay giúp người phạm tội có cơ hội hoàn lương.

Tại hội nghị cũng đã diễn ra các cuộc giao lưu đầy xúc động giữa phạm nhân – người bị hại và phạm nhân – gia đình. Trò chuyện với phạm nhân D- V- Đ, chị N- T- Q- A – vợ bị hại L- N- T nói như trút lòng mình: “Đúng ra ngày hôm nay, người có mặt tại đây không phải là tôi, mà là chồng tôi. Tiếc là anh ấy đã mất. Thực ra, sự việc đã xảy ra quá lâu rồi, gần như đã rơi vào quên lãng, tôi không còn nghĩ tới nữa. Nói thật, tại phiên toà, dù là gia đình bị hại, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất tiếc cho em. Rõ ràng khi đó em là một cán bộ trẻ, đầy triển vọng mà không hiểu vì sao em lại tiếp tay cho những kẻ lừa đảo. Chua xót hơn là, tôi cứ nghĩ em phải nhận được một số tiền rất lớn, không ngờ nó lại quá nhỏ, mà hậu quả em phải gánh chịu một hậu quả rất là nặng. Chồng mất, tài sản thiệt hại, cho đến bây giờ tôi cũng chưa nhận được bất cứ điều gì gọi là đền bù, nhưng có mặt tại hội trường này, tôi xin được nói rằng: Tôi tha thứ cho em và hy vọng rằng, dù cho hoàn cảnh khó khăn đến mức nào đi chăng nữa, em đừng tái phạm, đừng để một lần nữa đánh mất niềm tin mà xã hội, mọi người ngồi ở đây, của gia đình và cả của tôi dành cho em”.

Hiếm ai có được tấm lòng như mẹ bị hại N- N- Đ. Những gì bà bộc bạch với phạm nhân V- Q- D – đồng phạm trong vụ lấy cắp tài sản của gia đình bà - thật chân chất, hồn hậu. Bà bảo, người xưa có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, bà tha thứ cho D và chỉ mong anh cũng như tất cả các phạm nhân, khi trở về với cuộc sống đời thường, cố gắng làm người tốt, công dân lương thiện.

Giám thị - đại tá Trần Văn Buộc phát biểu tại buổi giao lưu.

Trò chuyện với đại biểu đại diện các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, người bị hại, gia đình bị hại, thân nhân phạm nhân và phạm nhân, Giám thị - đại tá Trần Văn Buộc cho biết, về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của phạm nhân ở Trại “giam Cây Cầy thì không có gì đáng bàn. Điều mà ông và cán bộ giám thị, quản giáo mong muốn nhất là làm sao tạo điều kiện, giúp cho anh em phạm nhân “một hành trang” đủ để tái hoà nhập cộng đồng.

Để chuẩn bị cho điều đó, Trại đã ký kết với Hội Luật gia tỉnh, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh… hỗ trợ trang bị kiến thức luật pháp. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ, Trại cần sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, cộng đồng… trong việc tư vấn, hướng nghiệp để phạm nhân có việc làm, hoặc ít nhất là có một cái nghề tự nuôi sống bản thân mình, tránh xa con đường phạm tội. Chính phủ đã có Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16.9.2011 quy định các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn ít địa phương triển khai các mô hình hiệu quả.

Tại Tây Ninh, hiện đang có những mô hình hay như “Huy động vốn của các doanh nghiệp” và “Tổ chức dạy nghề”, mô hình “4+1 về quản lý đối tượng người chưa chấp hành xong án phạt tù”, mô hình “Hoàn lương, an tâm lao động sản xuất và tham gia phòng chóng tội phạm”… đã được triển khai. Theo đại tá Trần Văn Buộc, cần nhân rộng hơn nữa, có như vậy mới giúp những người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, phòng ngừa tái phạm tội.

Nhân dịp này, Ban Giám thị Trại giam cũng đã khen thưởng 3 tập thể và 21 phạm nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.

ĐẶNG HOÀNG THÁI