BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - người con anh hùng của Tây Ninh

Cập nhật ngày: 05/05/2011 - 08:15

Người ta nói, Tây Ninh là “đất phát tướng”. Quê hương Tây Ninh đã sản sinh cho đất nước nhiều vị tướng tài ba. Trong đó riêng huyện Châu Thành đã có tới hai vị tướng lĩnh anh hùng. Đó là Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà- mà Báo Tây Ninh đã nhiều lần có bài biểu dương thành tích) và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (ảnh bên), người chỉ huy tài ba của bộ đội đặc công, lực lượng tinh nhuệ của quân đội ta, từng là nỗi khiếp hãi của quân thù.

Sinh năm 1933, ông Nguyễn Thanh Tùng, quê ở Hảo Đước, Châu Thành, Tây Ninh. Năm 1948, mới 15 tuổi, ông đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, sau đó ông đi bộ đội Sivôtha kháng chiến chống pháp. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc và làm Tiểu đội trưởng Trinh sát của Tiểu đoàn 196 Sư đoàn 338. Năm 1959, ông chuyển về Tiểu đoàn Trinh sát 74, Cục 2 Bộ Tổng tham mưu và được đi học Trường sĩ quan Lục quân.

Tháng 4.1961, Nguyễn Thanh Tùng nhận nhiệm vụ đi B (về miền Nam) và công tác tại Đại đội 21 của Trung đoàn 2 một trong số rất ít đơn vị chủ lực đầu tiên của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Tháng 10.1964 do yêu cầu của chiến trường Phòng Quân báo của Bộ Tham mưu Miền đóng ở R (căn cứ Trung ương Cục) Tiểu đoàn Trinh sát số 46 được thành lập. Nguyễn Thanh Tùng được giao làm chính trị viên phó, sau đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 46. Ông đã chỉ huy tiểu đoàn tham gia nhiều chiến dịch lớn như: chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng, đánh bại cuộc hành quân Junction City… đến tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đơn vị do ông chỉ huy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong chiến dịch Đồng Xoài, Nguyễn Thanh Tùng chỉ huy đơn vị luồn sâu đánh bất ngờ tiêu diệt đồn tiền tiêu, là một trung tân truyền tin của địch trên đỉnh núi Bà Rá, Phước Long (cao 824m). Đồng thời tiêu diệt lực lượng của địch đến chi viện. Quan trọng nhất là quân ta đã chiếm cao điểm Bà Rá và đặt đài quan sát, theo dõi điều tra tình hình hoạt động quân sự của địch trong cuộc chiến tranh. Trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân, Tiểu đoàn Trinh sát 46 đã tổ chức chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ an toàn cho sở chỉ huy và các đồng chí lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Miền ở tiền phương. Đơn vị có nhiệm vụ điều tra khảo sát đặt sở chỉ huy tiền phương ở vùng ven Sài Gòn (Rạch Tra, Gò Môn); truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh tiền phương cho chỉ huy các đơn vị thọc sâu vào hậu cứ của quân địch.

Năm 1969, Nguyễn Thanh Tùng được điều về làm Phó phòng Đặc công Miền. Ông đã xây dựng kế hoạch và trực tiếp chỉ huy bộ đội đặc công đánh thắng hai trận liên tiếp vào căn cứ Tếch -ních, Bình Long là Sở Chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 1 “Anh Cả Đỏ” và căn cứ đóng quân của Lữ đoàn 1 Kỵ binh bay của Mỹ. Trận thứ nhất vào đêm 12.5.1969 quân ta diệt 1.106 tên Mỹ, phá huỷ 21 máy bay, 105 xe quân sự, 20 khẩu pháo và quân ta đánh nhồi vào đêm 6.6.1969 tiêu diệt trên 1.000 tên Mỹ, phá huỷ 12 máy bay, san bằng 30 lô cốt, 50 hầm ngầm, đốt cháy 3 nhà kho chứa quân trang, quân dụng.

Tháng 6.1972, Nguyễn Thanh Tùng được cấp trên giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 113 (Đoàn 113). Ông đã chỉ huy đơn vị đánh hai trận lớn, lập chiến công oanh liệt làm chấn động trong nước và thế giới. Đêm 2.8.1972 đơn vị đã bí mật, bất ngờ tập kích vào sân bay Biên Hoà phá huỷ 74 máy bay, 2 dàn ra đa, 1 kho bom, diệt hàng trăm tên Mỹ, nguỵ. Đặc biệt, ông đã nhận chỉ thị của đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam: “Dù trường hợp nào cũng phải đánh cho được Tổng kho Long Bình… Cắt được dạ dày của chúng thì chúng phải ký hiệp định Paris”. Và đêm 13.8.1972, Trung đoàn do ông chỉ huy đã tấn công Tổng kho Long Bình phá huỷ 150.000 tấn bom đạn, gần 1 triệu lít xăng, diệt trên 100 tên địch.

Từ năm 1973 đến 1996, ông Nguyễn Thanh Tùng được cấp trên giao đảm nhận các trọng trách như: Phó Tư lệnh đoàn Đặc công 27, Sư đoàn trưởng SĐ5, SĐ310 QK7… Được phong hàm Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng BCH QS tỉnh Đồng Nai, đại biểu Quốc hội khoá 8 và 9. Năm 1997 ông được nghỉ hưu và sau đó nhiều năm làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Nai.

Với các thành tích xuất sắc, dũng cảm, mưu trí lập được nhiều chiến công oanh liệt trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Thanh Tùng người con của Tây Ninh đã được tặng thưởng 17 Huân chương các loại, nhiều bằng khen giấy khen và năm 1978 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

CÔNG HUÂN