BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trót yêu nghề “làm dâu trăm họ” 

Cập nhật ngày: 02/12/2022 - 06:03

BTN - Thực tế, dù nắm luật tốt nhưng trọng tài đôi khi vẫn mắc lỗi. Những lúc như thế, họ phải hứng chịu những lời phàn nàn, chỉ trích hay hành động không đúng mực, thái độ khó chịu từ cầu thủ, ban huấn luyện và khán giả.

Bóng đá là môn thể thao mang tính cạnh tranh quyết liệt giữa các cầu thủ. Vì thế, trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết trận đấu, cũng như xử lý các tình huống. Gọi cho oai là những ông vua áo đen trên sân cỏ, nhưng nghề trọng tài bóng đá lắm gian nan và nguy hiểm. Họ phải chịu áp lực lớn từ cầu thủ, ban huấn luyện hai đội và khán giả. Người ta hay nói vui rằng, làm trọng tài không khác gì “làm dâu trăm họ”.

Nhiều người theo đuổi nghề này như một nghề tay trái, bởi thu nhập không ổn định và nhiều rủi ro. Ở Tây Ninh, số lượng trọng tài được cấp chứng chỉ hành nghề và có thể “sống được” với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nổi bật trong đó là hai anh em ruột Trần Thanh Hưng (1984) và Trần Thanh Hữu (1987).

Trưởng thành từ một gia đình có nhiều đóng góp cho nền thể thao Tây Ninh, hai anh em Hưng - Hữu có năng khiếu và đam mê bóng đá từ nhỏ. Tốt nghiệp đại học ngành bóng đá, anh được địa phương giới thiệu đi học lớp sơ cấp ở TP. Hồ Chí Minh và trở về làm trọng tài các giải phong trào. “Mọi thứ xuất phát từ đam mê và cái duyên với nghề. Đến giờ tôi vẫn còn giữ những chiếc thẻ, chiếc còi của lần đầu tiên được làm trọng tài”- anh Hưng chia sẻ.

Lấy cảm hứng từ anh hai, em út Thanh Hữu cũng theo nghề này sau khi tốt nghiệp đại học TDTT TP.Hồ Chí Minh. Anh kể: “Trước đây tôi từng tham gia tập luyện ở đội bóng trẻ Tây Ninh, cùng lứa với Ngô Dương Thái, Lâm Văn Ngoan... Sau giải U21, tôi chuyển qua đá cho đội futsal Tây Ninh, nhưng chỉ thi đấu được 3 năm thì đội không còn nữa. Thấy anh làm trọng tài, tôi cũng cắp sách đi học, dù biết phía trước con đường này chẳng hề đơn giản, nhẹ nhàng chút nào”.

Từ đó, hai anh em nhà họ Trần “phủ sóng” khắp các mặt sân trong tỉnh với vai trò là những người cầm cân nảy mực. Nếu như anh Hưng thường được thấy trên cương vị là trọng tài chính thì anh Hữu thường là trợ lý của anh trai (còn gọi là trọng tài biên).

Họ song hành cùng nhau từ sân mini đến sân 11, từ các giải phủi đến các giải cấp tỉnh. Không quá khi nói trong giới bóng đá Tây Ninh, hầu như ai cũng biết năng lực và uy tín của cặp trọng tài Thanh Hưng - Thanh Hữu.

“Lúc còn trẻ, cũng khao khát được học lên cấp cao hơn để làm nhiệm vụ ở các giải quốc gia, nhưng điều kiện kinh tế khi đó không cho phép nên đành chấp nhận làm phong trào. Bây giờ thì đã quá tuổi tham gia các khoá học rồi”- hai anh tâm sự.

Trọng tài Trần Thanh Hữu.

Khi điều khiển trận đấu, trở ngại lớn nhất của các trọng tài chắc chắn đến từ việc bị các cầu thủ phản ứng. Nói về những khó khăn vấp phải trong công việc, họ cho biết: “Làm trọng tài, bị cầu thủ chửi, đe doạ là chuyện bình thường.

Chúng tôi đã quá quen rồi nên chai lì cảm xúc, nghe tai này lọt tai kia chứ không mấy bận tâm. Đội thắng thì khen, đội thua thì chê, không có gì đáng buồn. Tuy nhiên, ở các giải phong trào thì càng có nhiều nỗi lo hơn. Do quy mô nhỏ, ít có giải pháp bảo vệ cho trọng tài, trong khi nhiều cầu thủ, khán giả còn chưa hiểu rõ về luật”.

Thực tế, dù nắm luật tốt nhưng trọng tài đôi khi vẫn mắc lỗi. Những lúc như thế, họ phải hứng chịu những lời phàn nàn, chỉ trích hay hành động không đúng mực, thái độ khó chịu từ cầu thủ, ban huấn luyện và khán giả.

“Trọng tài cũng là “người trần mắt thịt” nên khó tránh khỏi những sai sót. Trong trận, do góc nhìn không thuận lợi, hay tình huống diễn ra khá nhanh khiến trọng tài không theo kịp, dẫn đến quyết định sai lầm. Chúng tôi cũng không muốn điều đó xảy ra, chỉ mong mọi người có thể thông cảm”- hai anh em trải lòng.

Muốn gắn bó với nghề, mỗi trọng tài đều phải tập luyện thể lực hằng ngày, nhất là các bài tập duy trì sức bền, tốc độ. Làm trọng tài phong trào, tuy không quá khắt khe các bài kiểm tra nhưng không vì thế mà quên đi sự chuyên cần. Có sức khoẻ tốt mới bảo đảm theo dõi, quan sát tốt để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Như thế vẫn chưa đủ, công việc này đòi hỏi thường xuyên cập nhật kiến thức luật, những thông tin mới. Do đó, họ liên tục học hỏi từ các đồng nghiệp, xem thêm nhiều giải để tự rút ra bài học cho chính mình.

Thừa nhận nghề trọng tài rất nhiều cạm bẫy, cám dỗ và vô vàn vấn đề phức tạp khác, tuy vậy, hai anh em vẫn chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. “Đã định hướng theo nghề này và được gia đình ủng hộ, chúng tôi luôn ý thức giữ gìn sức khoẻ, tính kỷ luật. Vì tình yêu với trái bóng tròn và vẻ đẹp của môn thể thao vua, trọng tài phải biết học cách vượt qua khó khăn, áp lực để bước tiếp”- người anh thổ lộ.

Được biết, đối với bóng đá phong trào, trung bình mỗi trọng tài nhận được khoảng 150.000 - 250.000 đồng/trận. Thu nhập không cao, lại vất vả, nhưng ai cũng vui vẻ theo đuổi đam mê. Theo người em Thanh Hữu: “Thường thì những ngày nghỉ người ta mới chơi bóng đá. Vì vậy, thời gian của chúng tôi khác với mọi người. Những ngày cuối tuần, ngày lễ, những buổi chiều tối có khi làm việc 2-3 trận liên tục”.

Hai anh em Thanh Hưng (bên phải) và Thanh Hữu (bên trái)

Trong suốt nhiều năm làm nghề, dù từng bị doạ đánh nhưng rất may cả hai anh em đều chưa bị hành hung hay để xảy ra sự cố đáng tiếc nào trên sân. “Trong tổ trọng tài, trọng tài chính luôn phải chịu áp lực nhiều nhất. Mấy năm trước, có lần tôi cho một cầu thủ nhận thẻ đỏ khi làm giải ở Châu Thành, trên đường về thì bị người này chặn xe lại để… hỏi thăm.

Thế nhưng, anh ta chưa kịp hành động gì thì có người phát hiện, sự việc chỉ dừng lại ở đó. Cuối cùng tôi vẫn về tới nhà an toàn”- anh Hưng nhớ lại một kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp cầm còi của mình.

Anh Thư