Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Việt kiều Campuchia hồi hương: Lẽ nào cứ mãi lênh đênh !?
Thứ hai: 10:33 ngày 27/05/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đáng lo ngại là mọi chất thải hằng ngày đều “xả” xuống hồ nước, và cũng chính nguồn nước thô của hồ bà con dùng để ăn uống, tắm giặt (!).

HTML clipboard

Làng chài của bà con Việt kiều hồi hương ở xã Phước Ninh

(BTN) - Do quan hệ hữu hảo lâu đời, nên có khá đông người Việt sinh sống trên đất nước Campuchia. Họ làm đủ thứ nghề, từ buôn bán, làm thuê ở thủ đô Phnom Penh, đến làm nghề “hạ bạc” ở Biển Hồ, tỉnh Seam Reap. Vài năm gần đây, do chính sách bảo vệ môi sinh, bảo vệ nguồn thuỷ sản của nước bạn, cuộc sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản của bà con Việt kiều ở Campuchia ngày càng khó khăn. Nhiều người rủ nhau hồi hương về Việt Nam đến hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) sinh sống, tiếp tục nghề đánh bắt thuỷ sản, vì không có kế sinh nhai nào khác. Thế nhưng, hồ Dầu Tiếng không rộng lớn và phong phú nguồn thuỷ sản như ở nơi họ sống tha hương, vì thế đã gây nên tình trạng “quá tải”, ô nhiễm nguồn nước và nhiều vấn nạn nan giải khác. Đáng lưu ý là hầu hết Việt kiều từ Campuchia hồi hương không có giấy tờ tuỳ thân, không rõ quê quán…

Tha hương rỒi lẠi hỒi hương

Một lần, chúng tôi đến ấp Cây Khế, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu (thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, cách cầu Sài Gòn khoảng 13km) được bà Hoàng Thu Hiền, Bí thư Chi bộ ấp hướng dẫn đến thăm một số hộ Việt kiều từ Campuchia hồi hương về sống “lênh đênh” trên mặt hồ. Anh Nguyễn Thanh Khải cùng vợ và con nhỏ làm nhà ở ngay trên lồng nuôi cá lóc bông từ bên Biển Hồ từ đời ông nội đến đời cha, rồi đến đời anh và con anh. Vợ chồng anh Khải và đứa con gái 8 tuổi chỉ biết tiếng Việt, không biết chữ, anh Khải cho biết: Ông bà, cha mẹ chết để lại cho anh “gia tài” là cái nhà làm nổi trên các thùng phuy ghép lại, phía dưới là lồng nuôi cá; hai vợ chồng vừa nuôi cá lồng, vừa đánh bắt thuỷ sản tự nhiên. Gần đây ở Campuchia đời sống khó khăn quá, vợ chồng theo một số người quen tìm về cố hương. Anh Khải và vợ cũng chỉ nghe cha mẹ cho biết quê hương ở miền Tây Nam bộ, nhưng không rõ tỉnh nào, qua Campuchia sinh sống lênh đênh trên sông nước với nghề chài lưới, không có giấy tờ gì, khi thì bị chính quyền sở tại cấm đánh bắt, khi thì bị cánh “đàn anh bảo kê” o ép đòi ăn chia.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Khải làm “nhà” sống trên bè nuôi cá

Bà Hoàng Thu Hiền cho biết: Trên địa bàn ấp Cây Khế có 107 hộ, 457 người là Việt kiều từ Campuchia về tạm trú chưa có hộ khẩu thường trú, hầu hết thuộc diện nghèo, không có đất đai, không có nhà ở, chuyên sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng. Bà con che mui (mái) ghe thuyền làm nhà ở, một số ít cất chòi ở tạm bợ trên đất bán ngập, mùa mưa nước ngập đến đâu bà con “dời nhà” lên đến đó, chờ nước rút trở lại ở. Dù sống dưới nước, hay trên cạn bà con đều làm nghề đánh bắt thuỷ sản dưới hồ và đóng lồng nuôi cá lóc, cá bông như thuở còn “tha phương cầu thực”. Ít vốn, mỗi gia đình chỉ nuôi từ 1 đến 2 lồng cá, mỗi lồng khoảng năm, ba ngàn con, thời gian nuôi 4 tháng thì thu hoạch. Vì biết Nhà nước cấm nuôi cá lồng, bè trong hồ Dầu Tiếng nên bà con rất ngại tiếp xúc, không muốn người lạ đến lồng, bè của mình.

Tại một địa phương khác, cũng ở ven hồ Dầu Tiếng, ông Nguyễn Ngọc Tình, Chủ tịch MTTQVN xã Tân Thành, huyện Tân Châu cho biết: Hiện trên địa bàn xã Tân Thành có 118 hộ, 587 người là Việt kiều Campuchia hồi hương đến cư trú tại ấp Tà Dơ và ấp Đồng Kèn II, một số hộ “lặng lẽ” vào khu tái định cư cất chòi ở tạm. Xã Tân Thành đã xét đề nghị cho nhập khẩu 19 hộ, 106 khẩu vì những hộ này có giấy tờ xác định được nhân thân và đã tạm trú tại địa phương thời gian hơn 5 năm. Còn lại 99 hộ hầu hết không có giấy tờ tuỳ thân, không xác định quê quán, hồi hương tự do đến ở ven hồ, chuyên sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng. Việc quản lý các hộ này rất khó khăn, chỉ có thể vận động bà con kê khai danh sách cho công an địa phương nắm. Biết bà con còn nhiều thiếu thốn trong cuộc sống nhưng việc giúp đỡ không phải thấy là giúp được - ông Tình nói.

Không chỉ ở huyện Tân Châu, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu cũng có Việt kiều từ Campuchia về ở. Tại tổ 8, ấp Phước An, xã Phước Ninh, do ông Danh Văn Hùng phụ trách (gần như là tổ trưởng) có 31 hộ, 137 người là Việt kiều Campuchia hồi hương tự do đến tạm trú sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Vài năm trước bà con cất chòi ở ven bờ đập chính để ở; qua vận động, thuyết phục của chính quyền địa phương, hầu hết các chòi ở ven bờ đập không còn, bà con “hạ thuỷ” sống trong các ghe thuyền, thành một “làng chài di động”. Một số ít có điều kiện mua đất cất nhà ở ổn định. Những hộ đến ở trước đã có đất, ông Hùng vận động họ cho hộ đến sau mượn đất cất nhà ở tạm để không phải sống lênh đênh.

Khó khăn và hỆ luỴ

Hiện nay, số bà con Việt kiều CPC hồi hương về sinh sống ở hồ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục tăng lên, không chỉ ở địa bàn tỉnh Tây Ninh mà cả ở phía bên kia hồ, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Thế nhưng, việc quản lý của chính quyền các địa phương hầu như chỉ “dừng lại” ở việc kê khai danh sách do công an nắm. Nguyên do của tình trạng này, một phần do thực tế bà con sống lênh đênh trên mặt hồ, không cố định ở địa phương nào; một phần do địa phương “không nỡ làm căng” vì hầu hết bà con rất nghèo khó, lại không có giấy tờ tuỳ thân, không có bà con thân thuộc ở cố hương nên không biết nương nhờ vào ai!

Thực tế bà con Việt kiều CPC hầu hết không biết chữ, không biết làm nghề gì khác, cuộc sống hằng ngày chỉ nhờ vào việc đánh bắt thuỷ sản. Khi đau bệnh bà con tìm mua thuốc tự chữa trị rất ít khi đi bệnh viện (vì nghèo không có tiền và không có giấy tờ gì), trẻ em không được đến trường học phải lao động kiếm sống từ rất nhỏ. Khi có người qua đời gặp chỗ nào thuận tiện và ở gần thì chôn cất, kể cả chôn ở bìa rừng phòng hộ hay đất bán ngập. Đáng lo ngại là mọi chất thải hằng ngày đều “xả” xuống hồ nước, và cũng chính nguồn nước thô của hồ bà con dùng để ăn uống, tắm giặt (!). Chúng tôi hỏi thăm thì được biết, bà con đã quen sống như thế ở bên CPC. Có điều, để được sống yên ổn bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng, hầu hết bà con chấp hành rất nghiêm túc các quy định về an ninh trật tự và nộp lệ phí đánh bắt rất đầy đủ, đúng quy định cho đơn vị quản lý việc đánh bắt thuỷ sản tại hồ nước.

cẦn mỘT giẢi pháp khẢ thi

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tây Ninh qua e-mail, ông Bùi Duy Hải- Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang- Vương quốc Campuchia cho biết: “Số bà con Việt kiều sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản ở Biển Hồ khá đông, hơn 10.000 người. Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở Biển Hồ, Chính phủ Campuchia ra lệnh cấm đánh bắt thuỷ sản từ 1.6 đến 30.10 hằng năm. Do đó, trong thời gian này đời sống bà con Việt kiều gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình lâm vào tình cảnh thiếu đói, nhiều lần cơ quan Đại sứ và Lãnh sự quán phải tổ chức vận động cứu giúp bà con. Còn trong những ngày được đánh bắt thuỷ sản thì bà con phải chấp hành các quy định rất nghiêm ngặt, chứ không được tự do như trước, nhất là các quy định về thủ tục hành chính”.

Một “căn nhà” của Việt kiều hồi hương ở địa phận tỉnh Bình Phước (đầu nguồn hồ Dầu Tiếng)

Khó khăn như thế, nhiều Việt kiều CPC rủ nhau hồi hương. Dù sao ở đất mẹ vẫn “dễ thở” hơn kiếp sống tha hương. Nhất là việc đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng khá dễ dàng, không bị cấm đoán, người đánh bắt chỉ cần đăng ký phương tiện và nộp một khoản lệ phí hằng tháng (lưới cá cơm 70.000 đồng/tháng, ủ chà 80.000 đồng/1 đống chà…) là được tự do đánh bắt. Về thủ tục hành chính, những người có giấy tờ tuỳ thân và đã đăng ký tạm trú từ 5 năm trở lên được các địa phương ven hồ xem xét cho nhập khẩu và được hưởng một số chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên, thực trạng Việt kiều CPC hồi hương lại nảy sinh nhiều phức tạp khác. Cụ thể như tại xã Tân Hoà, Tân Châu có 113 hộ, 542 người là Việt kiều Campuchia hồi hương đang bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp cất nhà, chòi để ở, xã đã đưa các hộ này vào danh sách đề nghị cho di dời có cấp đất ở tại khu tái định cư. Còn những hộ không có giấy tờ tuỳ thân, không “tìm được” nơi cất nhà ở, phải sống lênh đênh trên mặt nước hiện các địa phương hết sức lúng túng, chưa có hướng giải quyết nào cho phù hợp.

Thực tế cho thấy, nếu cứ để tình trạng Việt kiều từ Campuchia hồi hương về sinh sống trên mặt nước và ven hồ Dầu Tiếng như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng phức tạp về nhiều mặt như: gây ô nhiễm nguồn nước, gây khó khăn cho chính quyền các cấp trong việc bảo đảm an sinh xã hội và giữ gìn trật tự trị an. Thiết nghĩ, cần có sự phối hợp chặt chẽ, rộng rãi giữa các tỉnh ven hồ và các ngành liên quan; đồng thời công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo pháp luật cần được thực hiện nghiêm túc trên phạm vi hồ Dầu Tiếng; không thể để tình trạng người dân tự do sinh sống trên công trình thuỷ lợi lớn nhất nước này.

NGUYỄN KHẮC LUÂN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục