Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không chỉ những kẻ cực đoan gốc Việt sinh sống ở nước ngoài, ngay cả một số người đang sinh sống ở trong nước, do bất mãn cá nhân, thường xuyên đưa ra những góc nhìn thiếu khách quan trong công tác phòng chống và điều trị bệnh Covid-19.
Khu vực theo dõi sau tiêm được bố trí bảo đảm khoảng cách an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: Ngọc Bích
Một trong những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của một số người tự nhận mình là “nhà dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền” là họ- bằng chút năng khiếu viết lách của bản thân đã và đang triệt để khai thác, khoét sâu khó khăn của đất nước.
Mục đích của hành động này, không phải họ đấu tranh cho nhân dân, cho lẽ phải, cho tự do và công lý. Cái đích họ nhắm đến, thông qua ngòi bút của mình với sự hỗ trợ của nền tảng mạng xã hội nhằm ly gián, gia tăng khoảng cách giữa người dân với chính quyền. Nói thẳng ra, những ngòi bút này muốn phá vỡ sự đoàn kết trong nhân dân và giữa nhân dân với chính quyền.
Cách nay vài ngày, trên mạng xã hội xuất hiện một bài viết khá dài đăng trên tài khoản của một nhóm người gốc Việt ở nước ngoài (tổ chức này được liệt vào dạng khủng bố). Bài viết có đoạn: “Theo Vietnam Plus đến ngày 5.6, Quỹ Vaccine Covid-19 đã huy động trên 7.643 tỷ đồng.
Chương trình gây quỹ vẫn còn đang tiếp diễn và chắc chắn con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Tự mình bỏ tiền lo cho mình may ra còn có ngày được chích chứ hy vọng gì ở cái chính phủ này! Không biết vaccine mua về sẽ dành ưu tiên cho ai nhưng cũng hy vọng người dân sẽ được hưởng chút gì từ tiền của họ”.
Cũng trên trang này, một người khác viết: “Sau vài tuần nhắn tin liên tiếp vào điện thoại người dân để thúc giục họ đóng góp cho quỹ vaccine, hôm 8.6, tính đến 11 giờ sáng cùng ngày, trang Facebook Thông tin Chính phủ cập nhật đã có hơn 231.000 tổ chức và cá nhân đóng góp vào quỹ số tiền tổng cộng lên tới gần 4.170 tỷ đồng, các nhà tài trợ cam kết đóng góp hơn 3.200 tỷ đồng nhưng chưa chuyển tiền.
Dường như để trấn an dư luận, trang Thông tin Chính phủ cũng nhắc lại rằng hằng ngày ban quản lý của quỹ sẽ công khai số dư quỹ và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho quỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Nếu chỉ đọc lướt nhanh, thông tin trong đoạn văn trên gần như vô hại, thậm chí có ích, vì người viết có dẫn nguồn, dẫn số liệu từ một số tờ báo chính thống. Nhưng tinh ý sẽ thấy có dòng thông tin được lồng vào bài viết một cách có chủ đích, đó là câu: “Tự mình bỏ tiền lo cho mình may ra còn có ngày được chích chứ hy vọng gì ở cái chính phủ này! Không biết vaccine mua về sẽ dành ưu tiên cho ai nhưng cũng hy vọng người dân sẽ được hưởng chút gì từ tiền của họ”. Ðoạn văn chỉ gồm hai câu nhưng chứa đựng trong đó cả một ý đồ đen tối: họ kêu gọi người dân đừng tin vào chính quyền, cụ thể ở đây, đừng dại dột góp tiền ủng hộ Chính phủ mua vaccine.
Mục đích của việc thành lập quỹ cũng như kêu gọi toàn dân, doanh nghiệp (tự nguyện) bằng tài chính, tấm lòng của mình ủng hộ Chính phủ mua thuốc phòng ngừa dịch bệnh, đã đề cập nhiều, xin không nói lại.
Ở đây chỉ muốn nói, chỉ bằng một đoạn văn ngắn lan truyền trên mạng, những kẻ cầm bút bất lương đang thay đổi “chiến thuật” nhằm làm suy yếu niềm tin, gia tăng khoảng cách giữa người dân với chính quyền. Chiến thuật đó là gì? Là họ lồng ý đồ cá nhân của bản thân vào trong những bài viết của báo chính thống, có dẫn nguồn tin từ chính cơ quan chức năng.
Không phải tự dưng những ngòi bút ấy lại chọn cách làm kiểu tung hoả mù, trắng đen lẫn lộn này. Họ biết rằng, khi có người đọc bài viết của họ, thấy trong đó có những con số cụ thể, rồi thấy dẫn nguồn từ cơ quan có thẩm quyền trong phòng chống dịch bệnh sẽ bị dẫn dắt theo ý đồ cá nhân của họ.
Thậm chí, số đông công chúng, tầng lớp bình dân còn không phân biệt được đâu là thông tin chính thống, đâu là tin tức ẩn chứa âm mưu của những người chống phá, bởi lẽ, thông tin đã “hoà quyện vào nhau”, vàng thau lẫn lộn.
Ngày 8.6, một tài khoản đăng tải một bài viết bằng lối hành văn của một cây bút có nghề nhưng giọng văn cực kỳ độc địa. Ông ta viết như sau, trích nguyên văn một đoạn: “Cuộc bầu cử giả hiệu ngày 23.5 vừa qua được ví như là một kho xăng, còn mỗi bệnh nhân nhiễm Covid-19 là một đốm lửa.
Nếu chính quyền CS không lấy đóm lửa đó quẳng vào kho xăng thì làm sao xăng bùng cháy giữ dội như hôm nay? Dù cho chính quyền này đang biến HTGPH thành bao cát để xã hội trút giận thì bản chất vấn đề vẫn không thay đổi.
Sự thật vẫn là do ÐCS đã ép mồi lửa phải châm vào xăng cho ngọn lửa dịch bùng phát chứ không ai khác”. Không một người có lương tri nào, đặc biệt là những người cầm bút lại có thể hạ những câu văn, lời nói một cách vô trách nhiệm, vô lương tâm, vu khống chính quyền trắng trợn đến như thế.
Dựa vào đâu để ông khẳng định “chính quyền lấy đóm lửa quẳng vào kho xăng và ÐCS ép mồi lửa châm vào kho xăng”? Một người bình thường về nhận thức đã không nên nói như vậy, huống chi đây là một người cầm bút.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện lẻ tẻ, sau đó bùng phát, chính quyền từ trung ương đến địa phương, bằng sự thận trọng cần thiết, có thể nói là đã làm hết mình để chặn đứng dịch bệnh, bảo đảm sinh mạng và sinh kế cho đồng bào.
Chính quyền các cấp dập dịch, chống dịch không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính. Bên cạnh chính quyền là một đội ngũ nhà chuyên môn, những chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm. Là một người cầm bút, hai mắt còn sáng (để gõ phím) chẳng lẽ ông không thấy sự thật hiển nhiên đó hay sao? Ông còn không quên mỉa mai “cuộc bầu cử giả hiệu làm lây lan dịch bệnh”.
Xin nhắc lại để ông biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp đã được chuẩn bị vô cùng chu đáo, đúng luật, công tác phòng, chống dịch bệnh được đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Tuy vậy, những trường hợp bị nhiễm bệnh nhưng không biết (vì không có triệu chứng) đi bầu cử và những người tiếp xúc gần đã được cách ly ngay sau khi phát hiện.
Lá phiếu cử tri không chỉ được thực hiện một cách hợp Hiến, hợp pháp, cao hơn, lá phiếu ấy còn tạo ra tính chính danh của chính quyền nhân dân, ông có hiểu không? Quá bức xúc với những lời thoá mạ vô căn cứ, trong phần bình luận, bằng cách thể hiện dân dã, một tài khoản viết: “Từ 27.4 đến ngày 5.5 đi làm căn cước công dân thì có bị sao đâu. Bầu cử đi vào (bỏ phiếu) thì ai cũng có ý thức mang khẩu trang. Cái gì cũng do cộng sản hết. Mỹ 33,3 triệu ca, 595 ngàn người tử vong cũng là do cộng sản hả? Dân chủ hay quá, chuyên đi đổ thừa”.
Bỉ bôi, thoá mạ, vu khống “chưa đã cơn ngáo”, ngày 8.6, một tài khoản lại nhân cơ hội dịch bệnh để đả phá, công kích chính quyền trong phòng chống dịch bệnh. Bằng lối hành văn “tỏ ra nguy hiểm”, người này viết: “Mười tám tháng sau khi Covid-19 trở thành đại dịch, khi thật sự phải đối phó với số ca nhiễm tăng từng ngày trên diện rộng, chiến lược phòng - chống dịch mà Việt Nam từng tự hào là… sáng tạo, quyết liệt hoá ra là không có kế hoạch nào cả.
Vì thiếu viễn kiến và không có kế hoạch nào thật sự mang tầm… chiến lược, đúng với ý nghĩa của hai từ chiến lược nhằm nâng cao khả năng hồi phục của kinh tế, xã hội, giúp dân sinh ổn định, Việt Nam mới bị động trong việc mua, sử dụng vaccine như đang thấy. Không biết bao giờ phòng chống dịch Covid-19 mới thật sự về tới đích...”.
Xin hỏi: căn cứ vào đâu để nói rằng Việt Nam không có kế hoạch phòng chống dịch bệnh? Nếu không có kế hoạch, tại sao Việt Nam khống chế thành công trong ba đợt dịch đầu tiên khiến ngay cả báo chí, chính phủ phương Tây cũng thừa nhận? Thậm chí ngay cả những người không ưa thích gì chế độ này cũng phải thừa nhận Việt Nam thành công trong khống chế dịch bệnh trong ba đợt dịch trước.
Nhưng, vì đầu óc hẹp hòi, những người này thừa nhận Việt Nam thành công trong chống dịch một phần là do... người Việt Nam sợ chết! Trên trái đất này, thử hỏi có người nào không sợ chết? Một người cầm bút liệu có đủ tri thức, kiến thức về y học dự phòng, về chiến thuật, phương pháp chống dịch bệnh bằng chuyên gia của Bộ Y tế không? Chắc chắn là không. Khi không đủ trình độ trong một lĩnh vực nào đó thì không đủ tư cách để phán xét, nếu tiếp tục phán chỉ thể hiện cách phán bừa mà thôi.
Còn với câu hỏi “không biết bao giờ phòng chống dịch Covid-19 mới thật sự về tới đích...”. Xin thưa, đến thời điểm hiện nay, chưa một ai trên thế giới có thể trả lời câu hỏi đó. Ðừng ra vẻ ta đây, cũng đừng tỏ ra “nguy hiểm” như vậy.
Không chỉ những kẻ cực đoan gốc Việt sinh sống ở nước ngoài, ngay cả một số người đang sinh sống ở trong nước, do bất mãn cá nhân, thường xuyên đưa ra những góc nhìn thiếu khách quan trong công tác phòng chống và điều trị bệnh Covid-19.
Một người từng làm công tác trong ngành báo chí, sau khi bị cho nghỉ việc vì sai phạm tài chính, cách nay chừng một tháng có viết trên trang cá nhân: “những ca nhiễm Covid - 19 ở Việt Nam được chữa khỏi là do may thầy phước chủ”.
Viết như thế, sao cựu nhà báo này không hỏi viên phi công người Anh, “bệnh nhân 91” được cứu khỏi tay tử thần là do ông ta “may thầy phước chủ” hay bởi chính các bác sĩ hàng đầu của đất nước đã cứu sống ông ta? Ý kiến nêu trên của một cựu lãnh đạo một tờ báo vấp phải sự phản đối vô cùng mạnh mẽ của chính những người từng là cấp dưới của người đó.
Khi đọc được ý kiến trong bài viết của nhân vật nêu trên, một phóng viên kỳ cựu, 60 tuổi, nổi tiếng không chỉ trong mà còn cả ở nước ngoài đã bình luận bằng một câu không thể hay hơn: “Bạn đừng bao giờ tin vào những ý kiến tầm thường, rác rưởi đó”.
Việt Ðông