Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ðã có hướng ra cho giáo viên mầm non
Thứ tư: 16:51 ngày 15/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuyển dụng giáo viên bổ sung cho bậc học mầm non là một quyết định đúng đắn, dù hơi trễ. Ðiều còn lại là, khâu tuyển dụng giáo viên cần được tiến hành khoa học, minh bạch, công bằng, khách quan, để bất kỳ ứng viên nào cũng có cơ hội ngang nhau.

Lãnh đạo một phòng giáo dục vui mừng cho hay: “Cách nay ít ngày, hôm 3.8, chúng tôi được dự một cuộc họp để thảo luận về tình hình thiếu giáo viên mầm non và chủ trương tuyển dụng nhân lực cho bậc học này. Cấp có thẩm quyền đã đồng ý để các địa phương trong tỉnh tuyển dụng giáo viên mầm non nhằm bổ sung cho những trường đang thiếu so với quy định của Bộ GD-ÐT”.

Theo tinh thần của cuộc họp hôm đó cũng như thực hiện quy định về phân cấp quản lý, việc tuyển dụng giáo viên bậc học mầm được giao cho UBND huyện, thành phố. Việc tuyển dụng sẽ được chia làm hai công đoạn.

Thứ nhất, căn cứ vào tình hình biên chế (thường là biên chế dự phòng), các địa phương sẽ tổ chức tuyển dụng (kiểm tra, sát hạch) để tuyển giáo viên. Thứ hai, sau khi đã tuyển dụng hết số biên chế được giao mà vẫn thiếu giáo viên, các địa phương sẽ ký hợp đồng với những giáo viên không trúng tuyển trong kỳ kiểm tra, sát hạch.

Nhóm đối tượng làm việc theo hình thức hợp đồng này sẽ ký theo từng năm học. Trước mắt, các địa phương chỉ ký hợp đồng với giáo viên cho năm học 2018-2019. “Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang hoàn tất các khâu có liên quan. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định, nói chung là phải làm chặt chẽ, đúng luật”- vị lãnh đạo phòng thông tin thêm.

Tham gia tuyển dụng vào làm giáo viên mầm non có nhiều nhóm đối tượng chứ không chỉ là những sinh viên mới tốt nghiệp. Những giáo viên đang làm trong trường mầm non với chức danh, “thân phận” bảo mẫu vẫn được quyền tham gia đăng ký tuyển dụng, sát hạch.

Theo ý kiến của một cán bộ làm công tác tổ chức trong ngành Giáo dục, vấn đề đặt ra là, hiện chưa thống kê được còn bao nhiêu sinh viên mầm non chưa có việc làm, số sinh viên này còn ở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hay đã đi làm ở các địa phương khác.

“Khi cơ quan có thẩm quyền chính thức cho phép tuyển dụng, nhận hồ sơ mới biết được có bao nhiêu ứng viên tham gia”- vị cán bộ thông tin.

Tình hình thiếu giáo viên mầm non đã được đề cập nhiều lần. Theo số liệu thống kê, Tây Ninh hiện thiếu ít nhất 300 giáo viên mầm non. Còn nếu “tính đúng tính đủ” theo quy định của Bộ GD-ÐT, bậc học này ở Tây Ninh đang thiếu hơn 600 giáo viên.

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, thời gian qua, việc tuyển dụng giáo viên, mầm non đã tạm dừng. Ðiều này dẫn đến một nghịch lý lớn trong bậc học mầm non, đó là trong khi nhà trường thiếu giáo viên thì hàng trăm sinh viên mầm non đã tốt nghiệp lại thất nghiệp hoặc chấp nhận làm trái ngành nghề.

Năm học 2017-2018, do nhu cầu giáo viên quá bức bách, một số trường mầm non đã hợp đồng với sinh viên. Thời gian sau, một số sinh viên ký hợp đồng với nhà trường đã bỏ đi làm công nhân hoặc tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố khác vì mức thu nhập nhà trường trả cho họ quá thấp, khoảng trên dưới hai triệu đồng một tháng.

Tại thời điểm đó (đầu năm học 2017-2018), một số hiệu trưởng cho biết, dù đã cố gắng tìm nguồn để trả mức thù lao xứng đáng hơn cho giáo viên nhưng không thể làm khác được, vì “trường chỉ lo được nhiêu đó”.

Theo phân tích của một số cán bộ quản lý, nếu không sớm tổ chức tuyển dụng hoặc ký hợp đồng với giáo viên mầm non, chính trẻ em, nhà trường và tỉnh nhà bị thiệt hại. “Nếu họ đi tìm việc làm khác hoặc đi dạy ở tỉnh khác, đến khi ngành cần tuyển sẽ không có người. Vì một khi họ đã ổn định công việc rồi sẽ không muốn quay lại nữa. Như vậy, chẳng khác nào mình bỏ công đào tạo cho nơi khác dùng”- hiệu trưởng một trường mầm non phân tích.

Ở hệ thống giáo dục quốc dân, trong khi các cấp học khác không thiếu hoặc thừa rất nhiều thì mầm non là bậc học thiếu giáo viên nhiều nhất. Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 do Bộ GD-ÐT tổ chức cách nay ít ngày, lãnh đạo ngành Giáo dục một số tỉnh, thành phố đã phát biểu ý kiến, đề nghị Chính phủ, UBND  cấp tỉnh nghiên cứu cho phép ngành tuyển dụng hoặc ít ra là ký hợp đồng để bổ sung giáo viên cho bậc học mầm non.

Phát biểu tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam lưu ý, tinh giản biên chế nói chung, tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục nói riêng là giảm số người lao động gián tiếp chứ không phải giảm giáo viên đang đứng lớp.

Ðiều này có nghĩa, giáo viên - những người trực tiếp dạy học phải đủ về số lượng. Do đó, không nên và không được hiểu một cách máy móc, đơn giản rằng phải giảm cho được 10% giáo viên. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý, trong Nghị quyết 19 của Trung ương Ðảng về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, không có dòng nào nói rằng phải giảm cho được 10% giáo viên.

Những nghịch lý, mâu thuẫn, bất cập đối với giáo dục mầm non đã được đề cập nhiều lần. Chủ trương phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi được tiến hành gấp gáp, thời gian để đạt chuẩn phổ cập dành cho bậc học này chỉ có 5 năm (phổ cập tiểu học mất 25 năm và trung học cơ sở 10 năm).

Hiện tại, mặc dù đã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhưng Tây Ninh vẫn còn hàng chục ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đến trường. Về công việc, do tính chất, đặc điểm riêng của giáo dục mầm non, giáo viên bậc học này phải lao động ít nhất 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Nếu tính toán chi ly, mỗi năm giáo viên mầm non phải làm “công quả” khoảng 500 giờ. Vì luật quy định không để người lao động làm việc vượt quá 200 giờ mỗi năm (sau khi trừ định mức). Quy định này đúng, có căn cứ đối với các lao động khác, đặc biệt là công nhân, nhưng lại không phù hợp với thực tế lao động của giáo viên mầm non.

Tất nhiên, khó có quy định nào thoả mãn được hết mọi đối tượng, mọi ngành nghề, nhưng nếu cứ để tình trạng như hiện nay là rất vô lý. Với ý kiến lo ngại rằng, sẽ không đủ nguồn để tuyển vì có thể nhiều sinh viên mầm non đã đi làm nghề khác hoặc đến các địa phương khác, điều này thật ra không đáng lo ngại cho lắm.

Lý do, ngoài số lượng sinh viên học ở Trường CÐSP Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh còn có một lượng khá lớn sinh viên mầm non do Trường trung cấp Tân Bách Khoa đào tạo hoặc liên kết đào tạo.

Tuyển dụng giáo viên bổ sung cho bậc học mầm non là một quyết định đúng đắn, dù hơi trễ. Ðiều còn lại là, khâu tuyển dụng giáo viên cần được tiến hành khoa học, minh bạch, công bằng, khách quan, để bất kỳ ứng viên nào cũng có cơ hội ngang nhau. Với những thông tin vừa nêu, câu chuyện thiếu giáo viên mầm non có thể được giải quyết phần nào trong năm học 2018-2019.

VIỆT ÐÔNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục