Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong hai ngày 9 và 10.9 tới đây, tại Hội trường Diên Hồng (Toà nhà Quốc hội), phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 1, năm 2023 chính thức diễn ra.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thuý gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng dự phiên họp Quốc hội cho các đại biểu
Đây là chương trình ý nghĩa, lần đầu tiên được tổ chức nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em của Trung ương đoàn, Hội đồng Đội Trung ương.
Phiên họp toàn thể giả định do trẻ em điều hành về 2 chủ đề: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".
Tây Ninh có 3 đại biểu đại diện cho thiếu nhi tỉnh nhà tham dự phiên họp. Các đại biểu gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của mình cũng như mong muốn của thiếu nhi Tây Ninh trước phiên họp giả định.
Ngô Thị Kim Cương (SN 2009), học sinh Trường THCS Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, Chủ tịch lâm thời Hội đồng Trẻ em huyện, giai đoạn 2023-2026.
Trong lần đi này, em mong muốn mang tiếng nói của trẻ em Tây Ninh cũng như bản thân để góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua phiên giả định, em mong muốn sẽ tìm ra giải pháp khắc phục các vấn đề này, góp phần bảo vệ trẻ em, cho trẻ em cuộc sống an toàn và vui tươi.
Em Ngô Thị Kim Cương (SN 2009), học sinh Trường THCS Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, Chủ tịch lâm thời Hội đồng Trẻ em huyện Dương Minh Châu
giai đoạn 2023-2026
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Trẻ em huyện Dương Minh Châu, em sẽ đề xuất đến nhà trường, huyện nhà những vấn đề mà em đang và sẽ học tập ở phiên giả định Quốc hội trẻ em để có thể chia sẻ và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của trẻ em ở địa phương.
Vấn đề của trẻ em mà em quan tâm và mong muốn tìm ra giải pháp khắc phục nhất chính là vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Em muốn nói đến góc độ người xâm hại không phải người xa lạ mà có thể là người thân quen, người thân trong gia đình. Đây là vấn đề không mới, nhưng những giải pháp được các cấp, các ngành đưa ra hiện nay chưa thiết thực, chưa bảo đảm an toàn cho trẻ.
Theo em, rào cản lớn nhất của trẻ đó là trẻ em chưa có quyền được lên tiếng, hoặc chưa thực sự được lắng nghe và đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng của mình. Sự đáp ứng nguyện vọng rất thấp, các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các cấp chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Do đó, theo em, sự quan tâm của gia đình, cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và bảo vệ sự an toàn cho trẻ. Nhận thức của phụ huynh là chìa khoá bảo đảm sự an toàn cho trẻ.
Trần Vũ Linh Đan (SN 2012), học sinh Trường THCS thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành
Để chuẩn bị cho phiên giả định, em đã tìm hiểu thông tin về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường. Hiện nay, xung quanh em vẫn còn hiện hữu những vấn đề này và giải pháp khắc phục do nhà trường cũng như các cấp, ngành đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Em mong rằng trong phiên giả định Quốc hội, em sẽ được học tập nhiều giải pháp hay từ đại biểu trong cả nước để áp dụng vào môi trường học tập hiện tại của em cũng như áp dụng vào môi trường giáo dục của tỉnh nhà.
Em Trần Vũ Linh Đan (SN 2012), học sinh Trường THCS thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành
Sau phiên giả định, em sẽ truyền lại cho học sinh của trường, đề xuất nhà trường những phương pháp mà em đã được học tập, qua đó giúp bản thân cũng như các bạn thiếu nhi được sống và học tập trong môi trường an toàn, vui tươi. Thầy cô, nhà trường, các cấp, các ngành sẽ hiểu được tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, có sự quan tâm đúng mức đối với các vấn đề của trẻ em.
Nguyễn Hà Anh (SN 2012), học sinh Trường tiểu học Thị trấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trẻ em huyện Tân Biên
Đến với phiên họp, em mong muốn nói lên được thực trạng bóc lột sức lao động của trẻ em; khắc phục được vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Trẻ em có quyền được bảo vệ, chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Phụ huynh, giáo viên, nhà trường cần quan tâm hơn để trẻ có thể mạnh dạn nói lên nguyện vọng, tâm sự của mình.
Sau khi tham dự phiên giả định, em sẽ cố gắng truyền đạt những vấn đề đã học được đến bạn bè, thầy cô cũng như các cấp, các ngành để có biện pháp khắc phục vấn nạn học đường, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, hiện nay, các bạn thiếu nhi huyện Tân Biên rất quan tâm đến an toàn giao thông, vì tình trạng thanh thiếu niên tham gia giao thông chưa bảo đảm an toàn gây nên sự lo lắng cho trẻ khi ra đường. Em mong muốn vấn đề này sẽ được nêu lên trong phiên giả định Quốc hội trẻ em, để các cấp, ngành có biện pháp ngăn chặn và giải quyết triệt để.
Em Nguyễn Hà Anh (SN 2012), học sinh Trường tiểu học Thị trấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trẻ em huyện Tân Biên
Chuẩn bị cho phiên họp giả định sắp tới, Tỉnh đoàn có nhiều hoạt động cung cấp kiến thức và kỹ năng cho các đại biểu thiếu nhi. Chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, phiên họp giả định được Trung ương đoàn tổ chức là một trong những hoạt động ý nghĩa, phát huy vai trò của trẻ trong việc tham gia các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.
Hội đồng Đội tỉnh tổ chức cho các đại biểu thiếu nhi gặp gỡ Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý để tập huấn, hướng dẫn các em về hoạt động của Quốc hội, giúp các em có thêm kiến thức và hiểu về vai trò của đại biểu Quốc hội, như: giới thiệu về vị trí, vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; kỹ năng, cách thức sử dụng trang thiết bị tương tác tại Toà nhà Quốc hội.
Đây là hoạt động thiết thực, giúp các em tiếp cận được bộ máy chính trị của nước ta. Sau phiên họp giả định, các em sẽ có thêm hành trang, kinh nghiệm thực hiện mô hình Hội đồng Trẻ em của tỉnh. Đây là mô hình mô phỏng lại hoạt động họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, để các em phát huy khả năng trình bày, phản biện, nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Qua đó, Tỉnh đoàn cũng như các cấp, ngành hiểu về nhu cầu, mong muốn của các em, từ đó có những biện pháp cụ thể, giải quyết kịp thời những vấn nạn trong học đường, môi trường giáo dục, giúp trẻ được quyền lên tiếng, được quyền nói và được lắng nghe, quan tâm.
Ngọc Bích