Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Thị Bé, còn được gọi là Hai Bé hoặc Bé Hai, sinh năm 1944 tại làng quê xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu. Tiểu sử tóm tắt của chị được ghi trong sách “Ðịa chí Tây Ninh” do UBND tỉnh xuất bản năm 2006, trang 622-624.
Ông Ba Gởi và bà Nguyễn Thị Minh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh.
Từ chuyện một nữ anh hùng
Chị nguyên là Bí thư Xã đoàn, rồi Bí thư Chi bộ xã trực tiếp phụ trách LLVT xã Suối Bà Tươi. Tiểu sử có đoạn: “Lúc bấy giờ, cái tên Hai Bé hay Bé Hai đã trở thành nỗi lo âu của giặc. Mỗi lần nghe tiếng của chị, chúng bắn xối xả để thị uy nhưng chị không khiếp sợ…”.
Một đoạn khác mô tả: “Năm 1969, tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng, một số đơn vị phải chuyển địa bàn về Hố Bà Tây (Campuchia) để củng cố lực lượng. Riêng đơn vị vẫn bám lại vùng ven với khẩu hiệu “Quyết tử giữ Gò Dầu” và tiếp tục đưa phong trào nổi dậy…”.
Ðặc biệt, có lần địch đã tìm được hầm bí mật của chị nhưng: “trong tay chị còn một trái lựu đạn và khẩu súng AK. Với lòng dũng cảm thà hy sinh chứ nhất định không để giặc bắt. Chị cùng đồng đội đã bật nắp hầm ném lựu đạn, dùng súng AK bắn xối xả vào bọn giặc… chị cùng đồng đội rút lui an toàn…”. Vào năm 1973, sau Hiệp định Paris, trong một trận chống địch càn vào căn cứ với cả xe tăng và đại bác, chị đã anh dũng hy sinh.
Câu chuyện trên cho thấy, đã từng có lần rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, chị Hai Bé vẫn thoát được với hành động anh hùng là bung nắp hầm bí mật đã bị địch bao vây mà đánh địch. Ðây quả là trường hợp hiếm có, vì cũng rơi vào hoàn cảnh ấy mà một nữ anh hùng khác là chị Trần Thị Sanh đã anh dũng hy sinh.
Chuyện về chị Sanh cũng được ghi trong “Ðịa chí Tây Ninh”, trang 615 có đoạn: “Ngày 27.2.1969 trong một cuộc càn quét đánh phá, chị bị bọn gián điệp chỉ điểm hầm bí mật… Với tinh thần chủ động tấn công, không chịu đầu hàng trước kẻ thù, chị đẩy nắp hầm bí mật xông lên dùng súng AK bắn vào kẻ thù, làm bị thương nặng một tên.
Sau đó chị bị chúng bắn chết ngay trên miệng hầm bí mật, gương hy sinh của chị đã để lại niềm xúc động trong lòng nhân dân và cán bộ huyện Gò Dầu…”. Năm ấy, chị Trần Thị Sanh đang là Huyện đội phó, phụ trách phong trào du kích chiến tranh toàn huyện.
Trở lại với sự kiện thoát chết trong gang tấc của nữ liệt sĩ anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Bé khi bật hầm lên đánh địch, có một chi tiết: “chị cùng một đồng chí đang cùng ở dưới hầm bí mật”. Thì đồng chí ấy là ai, nay đã mất hay còn?
Người sống sót
Phải gọi đồng chí đó bằng cái tên này thôi! Vì đã có mấy người bị lộ hầm, bung nắp hầm đánh lên mà sống sót. Như chị Trần Thị Sanh đã kể; như trường hợp 3 anh bộ đội thuộc C33- huyện Gò Dầu.
Tại vùng lõm xã Hiệp Thạnh năm 1969 dù các anh không bị lộ hầm nhưng có một cán bộ Nông hội huyện là Phạm Văn Phu đang bị địch vây bắt gần đó, nên các anh đã bật nắp hầm, xông lên đánh địch để giải cứu cho đồng chí mình.
Bị giặc bao vây, bắn giết cho bằng được, các anh đã cầm cự suốt cả ngày và cuối cùng đã anh dũng hy sinh (Những chặng đường đấu tranh cách mạng huyện Gò Dầu, trang 112, Ban sưu tầm lịch sử Ðảng Gò Dầu xuất bản năm 1986).
Người sống sót năm ấy nay là ông Phạm Văn Gởi, người quê ấp Phước Ðông, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi này thuộc xã Suối Bà Tươi. Ông kể: “Trận ấy dưới hầm bí mật không chỉ có tôi và cô Hai Bé. Còn có một cô y tá tên là Biến. Giờ cô Biến cũng đã mất nên thành ra sống sót chỉ mình tôi…”.
Người thương binh hạng 1/4 (rất nặng) đang ngồi trước mặt tôi trong căn nhà nhỏ kiểu chữ đinh, dựng lại sau ngày hoà bình 30.4.1975 trên nền đất cũ ông bà để lại. Vùng đất từng được gọi là vùng ruột của các căn cứ lõm huyện Gò Dầu này, đã bao lần giặc chà đi xát lại nay trở lại xanh tươi cây trái nhưng vẫn chưa qua được cái sự nghèo. Dù cách đây chẳng bao xa, bên kia lộ 19 cũ, nay là đường 784 đã có cả một Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Phước Ðông mọc lên toàn những khối nhà cao to và lộng lẫy. Cùng với đường sá, cây xanh đẹp tựa công viên.
Trầm ngâm trước bình trà do bà vợ mới mang lên, ông Gởi bắt đầu kể chuyện mình. Về trận đánh bung lên từ lòng đất mẹ, ông hồi tưởng lại…
Ðấy là ở trận chống càn với Ðại đội 389 địa phương quân do Trung uý Sơn chỉ huy càn vào căn cứ. Khi ấy ba người phải rút xuống hầm của nhà dượng Ba Ngành ở ấp Cây Trắc, xã Phước Ðông hiện giờ.
Chiến sự ác liệt quá khiến cả nhà dượng Ba đã phải tản cư. Nhưng vườn nhà vẫn còn căn hầm do anh Tư Ren (Bí thư Chi bộ xã) cùng dượng Ba và cô Hai Bé đã đào từ trước. Khi bọn lính phát hiện lỗ thông hơi, lập tức báo ngay cho tên chỉ huy. Tên Sơn tới, lính kêu lên: Trung uý vô tới! Sơn kêu lính: Dang ra, bắn đi! Lập tức đạn xối xả vào chiếc lỗ thông hơi duy nhất. Lỗ banh rộng ra, súng ngưng nổ thì từ dưới hầm ngó lên, Ba Gởi đã thấy một đôi mắt đang ngó xuống láo liên. Ông lập tức bắn lên một loạt đạn AK, sau đó nhằm miệng hầm trút đạn, làm nắp hầm bay hết. Ba Gởi tung mình nhảy lên, bắn quét một vòng quanh.
Ông hô lớn: -Rút đi cô Hai! Thừa lúc địch đang nằm phục xuống tránh đạn thì chị Hai Bé và y tá Biến cũng đã kịp vọt lên, lăn mình về phía suối. Anh Ba Gởi lúc này đã bị đạn địch bắn nát bàn tay trái đang ghì cổ súng AK. Bàn tay phải của ông cũng dính một viên vào ngón út. Nhưng ông vẫn vừa ôm súng vừa lăn, vừa nấp chạy vào vạt rừng ở kế bên. Phía địch đang bị rối loạn do tên bị bắn là trung đội trưởng Nuôi đã chết. Vài tên nữa bị thương còn thảng thốt kêu la. Vậy nên cuộc truy lùng những người cầm súng vừa thoát ra có phần lúng túng. Năm ấy, ông Phan Văn Gởi vừa 20 tuổi, là một đội viên du kích dũng cảm và nhanh như sóc giữa rừng làng, nhờ vậy mà thoát. Vậy mà cũng mất gần hết buổi chiều lẩn nấp, cho đến khi địch rút, ông mới tự lần tìm về cứ của mình. Cứ ở ấp Cây Trắc, bên này đường lộ 19, còn cứ xã ở bên kia lộ cách nhau khoảng 3 cây số. Phải chờ đến gần tối du kích mới có thể khiêng Ba Gởi vượt đường về cứ xã, nơi có bộ phận y tế. Anh Út Dân, phụ trách y tế Ban Dân y huyện Gò Dầu, người trực tiếp “xử lý” ca này nhớ lại: “10 giờ sáng nghe súng nổ ran tại chỗ giặc càn, thì đến khoảng 6 giờ 30 chiều mới thấy du kích đưa thương binh sang. Thoạt đầu chỉ thấy hai cánh tay của Ba Gởi đã bó thành hai nùi to tướng, hình như một bên là cả một chiếc quần dài. Ðó là vào ngày 20.5.1971. Nhớ được là vì ngày hôm trước đơn vị có tổ chức kỷ niệm ngày sinh nhật Bác…”.
Gặp lại
Thiệt là may cho tôi. Là dù chiều hôm ấy đến nhà ông Ba Gởi gặp trời mưa. Cơn mưa đầu mùa như trút nước. Vậy mà được con ông Ba Gởi báo tin nên ông Út Dân vẫn đội mưa mà tới. Tại nhà ông Ba, họ gặp nhau, tay cứ nắm lấy tay nhau mà lắc lắc. Ông Út Dân thì vẫn còn nguyên vẹn, dù đã trải qua những tháng năm ác liệt nhất của huyện Gò Dầu suốt cả hai giai đoạn “Quyết tử giữ Gò Dầu”. Năm nay ông đã 73 tuổi nhưng vẫn phóng xe máy ào ào. Còn ông Ba Gởi, thật ra có còn bàn tay nào đâu để bắt! Cánh tay phải của ông cũng đã mất hồi năm 1972, trên đường đi lên R dự Ðại hội chiến sĩ thi đua toàn miền. Gặp giặc càn, anh cũng “nhào dô” cùng đơn vị chống càn đánh địch. Trận này anh đành cắn răng chịu mất hẳn một cánh tay. Nhưng vẫn còn đây một cánh tay trái với bàn tay hầu như đã mất hết ngón tay. Bàn tay này còn nặng sâu kỷ niệm về trận đánh bung hầm cứu thoát bản thân và đồng đội. Một trong những người được cứu ấy là chị Nguyễn Thị Bé, người sau này đã hy sinh và được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cao quý. Bàn tay này còn là kỷ niệm của y sĩ Út Dân, người đã trực tiếp cứu chữa cho anh để ít ra vẫn giữ được một nửa bàn tay cùng vài cuống ngón. Ngón cái lúc bị thương đã văng mất hẳn. Bốn ngón còn lại hoàn toàn giập nát. Lại chỉ tự băng bó bằng ống quần và không được sơ cứu suốt gần 10 giờ đồng hồ sau đó. Vậy mà ông Út, người y sĩ của Huyện uỷ Gò Dầu đã ra tay cứu chữa, nhặt và chắp nối từng mẩu xương vụn, từng mảnh da nát bấy. Cái ơn này, chỉ thấy ông Ba Gởi lắp bắp câu:- Ông đã nuôi tôi hồi ấy! Sau tôi mới hiểu là việc đưa những thương binh về cứ y tế để cứu chữa ngày xưa được gọi là “nuôi”. Ông Ba cứ cọ nửa bàn tay vào bàn tay của ông Út Dân mà lắc lắc. Và ông y sĩ lại xoè bàn tay to tướng nắm trọn lấy nửa bàn tay kia, nắn nót nâng niu như báu vật. Mắt ông như nhoà lệ, dù câu chuyện cũng đã qua lâu lắm rồi! Những kỷ niệm ngày xưa ào ạt ùa về- những ngày sống, chiến đấu và làm y sĩ dân y giữa vùng Căn cứ Lõm…
N.Q.V