Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hưởng ứng cuộc thi viết phóng sự, ký sự:
Ðại phẫu giữa vùng Căn cứ Lõm Kỳ 2: Những ký ức một thời không dễ quên
Thứ hai: 13:52 ngày 10/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bài viết này chỉ nhằm nói về những cuộc phẫu thuật năm xưa- của những cán bộ Y tế Tây Ninh trong những ngày gian khó nhất. Vậy mà giữa chừng phải ngưng để đọc một bài trên báo Tây Ninh (số ra ngày 19.5.2017) “Lẽ nào nạn nhân lại tự đưa tay vào máy” của tác giả Sông Ninh.

Di tích vùng Ruột Gò Dầu tại xã Phước Thạnh.

Bài báo kể chuyện anh Nguyễn Thành Tây, công nhân bị tai nạn do cánh tay bị cuốn vào máy: “Ðến nay sau nhiều ngày điều trị, vết thương tái phát vì bị nhiễm trùng, anh Tây bị đau đớn liên tục và phải chịu đựng mổ đi mổ lại tổng cộng 5 lần. Mới đây… anh lại được các bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh thông báo sẽ tiếp tục mổ vì vết thương bị nhiễm trùng mỏm cắt cụt vai trái”. Trích dẫn trường hợp này, để thấy tính phức tạp của một ca phẫu thuật cắt bỏ chi, dù là trong điều kiện ngày nay có phòng mổ hoàn toàn vô trùng cùng các thiết bị hỗ trợ y khoa hiện đại. Mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng! Nhưng cứ xin kể lại nguyên vẹn một cuộc phẫu thuật của ông Út Dân- y sĩ Ban Dân y Gò Dầu 46 năm về trước trong vùng Căn cứ Lõm.

Ca mổ nhớ đời

Vậy là, Ba Gởi bị nát bấy bàn tay trái và gãy ngón út bàn tay phải vào lúc 10 giờ, về đến cứ y tế xã Thanh Phước lúc 18 giờ 30. Căn cứ lúp xúp rừng chồi cũng vừa sập tối. Ông Út dội nước muối đã được đun sôi để nguội vào hai nùi vải quấn đầy trên hai bàn tay Ba Gởi rồi lần lượt mở ra. Ông cẩn thận rửa sạch từng vết thương, kẹp mạch máu không cho máu chảy. Tiêm thuốc tê cho từng cánh tay xong, ông nghĩ ngay đến việc sẽ “nuôi” lại các ngón cái, ngón trỏ và ngón út của Ba Gởi.

Bằng cách nào ư? Bằng cách cắt lọc, chọn từng mảnh da chưa đứt, rồi kéo từng mảnh trùm lên đầu phần còn lại của ngón tay, khâu lại. Trước khi tiến hành khâu, ông đã dùng một dụng cụ y tế giống như cái dũa để mài các đầu xương, phòng khi thương binh cử động mạnh xương nhọn sẽ trồi ra. Ca phẫu thuật này mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên, những ngày sau chỉ đều đặn thay băng và tiêm, hoặc uống thuốc.

Vậy mà chỉ 2 tháng sau, vết thương trên cả hai bàn tay Ba Gởi đã lành hẳn. Chỉ có vậy thôi, ca cắt bàn tay này đã quá sức thành công. Ông Ba Gởi hồi tưởng lại… Lạ lắm, suốt trong hai tháng được y tế nuôi ấy, ông chỉ thấy khó chịu vì muốn cầm nắm gì cũng không được nhưng vết thương hoàn toàn không bị sưng nên không đau. Ông Út Dân thì bảo: “Mình chỉ nghĩ đơn giản- thân thể mẹ cha sinh ra là vốn quý, cố giữ được mẩu nào hay mẩu ấy. Chứ đơn giản nhất là đem tháo khớp…”. Hỏi sao có thể giữ cho vô trùng trong điều kiện ấy? Ông Út chỉ cười rồi phân trần: “Có lẽ ngày xưa, sức đề kháng của con người cao hơn và thuốc cũng tốt hơn!”.

Chỉ nhờ vài mẩu nhỏ còn giữ lại được trên bàn tay ấy mà sau này Ba Gởi đã làm được vô khối việc. Sau khi đã mất đi cánh tay phải, ông dùng nửa bàn tay trái còn lại với mấy đầu cuống ngón tay tự cầm muỗng, xúc cơm ăn. Khi vợ đi gặt, ông Ba Gởi cũng ra đồng phụ giúp, dùng cánh tay sứt mẻ quật bó lúa lên vai vác đi. Về nhà, ông lại gồng mình đi ôm cây chuối đem về xắt cho bầy vịt ăn… Ông cũng không từ những việc nhọc nhằn như khuân vác bao phân bón, bao gạo hay là bó củi… Sau này khi điều kiện kinh tế đã khá dần lên, gia đình mới mua vài con bò giao cho ông nuôi, cuộc sống lúc này mới gọi là bớt đi phần nào cơ cực. Hai chân còn khoẻ, ông Ba tha hồ lội ruộng dong bò đi chăn từ lũng thấp đến đồng cao.

Chuyện về những người làm y tế thời kháng chiến có lẽ là vô cùng, không kể xiết. Bởi vậy mà trong bài viết cho sách “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh” (xuất bản năm 1991), Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Tốt có nhắc đến chuyện này. Ðấy là: “Ở khu vực giải phóng, chưa nêu hết thực chất phong trào lao động quên mình của chị em ở bộ phận hậu cần… hoạt động của chị em y tá, hộ lý các bệnh viện, trạm xá nhất là chị em thường xuyên phục vụ chiến trường…”. Sách này mới viết về một điển hình duy nhất của ngành Y là chị Lương Thị Hiếu (Tư Hiếu)- thượng tá bác sĩ, Phó Chủ nhiệm khoa của Quân y viện Tây Ninh. Còn biết bao người khác đã lặng thầm cống hiến vào sự nghiệp chung của đất nước và dân tộc để có ngày toàn thắng, non sông thu về một mối, hoặc tiếp tục làm nghĩa vụ cao cả với cách mạng nước bạn.

Lặng lẽ mà toả sáng

Ông Út Dân vẫn nhớ những người y tá phụ mổ cho mình- anh Mộng ở Ban Dân y hay anh Hùng của Y tế xã. Còn bà Tư Hiếu thì chẳng bao giờ quên được những đồng đội như anh Út Thành cùng các nữ y tá Út Bê, Minh Nguyệt… Tên tuổi, chiến công của họ từng ngời sáng những năm xưa, nay có thể đã nhạt mờ dần đi trong cuộc sống hoà bình.

Bà Tư Hiếu cũng là một “ca” đặc biệt. Bà quê Phước Thạnh, vùng ruột của các Căn cứ Lõm huyện Gò Dầu. Từ một người làm liên lạc cho ấp, xã năm 1960 sau đồng khởi Tua Hai, bà Tư Hiếu đã gắn bó với ngành y ngay từ những ngày đầu được học các lớp cứu thương y tá. Sau về Quân y đóng ở Bời Lời, có lúc Quân y sĩ trưởng đi công tác vắng, bà Tư Hiếu dù chỉ là y tá nhưng đã xử lý thành công nhiều ca mổ khó. Như trực tiếp mổ một ca thủng ruột của chiến sĩ D14, khâu vá “ngon lành” và trả anh này trở về đơn vị chiến đấu. Cùng lúc ấy, bà lại cứu sống một thương binh bị nhiễm trùng uốn ván.

Sau khi đi học lớp y sĩ ở H.24 B trở về, bà Tư Hiếu được giao phụ trách cả một bệnh xá phục vụ hàng trăm thương binh. Và người phụ nữ bé nhỏ nhưng kiên cường ấy từng đi khắp các chiến trường, các trạm tiền phương, sang cả chiến trường K giúp bạn. Chưa kể tới giai đoạn đã học lên bác sĩ, về làm Trưởng khoa Ngoại của Quân y viện; chỉ riêng thời gian làm y tá vùng Căn cứ Lõm và Bời Lời, bà đã có bao nhiêu ca mổ thành công, trong đó có những ca được coi là đại phẫu- như ca mổ nối ruột ở Bời Lời năm 1966.

Sử sách dễ “quên” các câu chuyện ở tuyến sau. Mà thường là chỉ mô tả những tuyến đầu ngời sáng. Nhưng ở vùng Căn cứ Lõm, ta và địch thường chạm mặt nhau, làm sao phân biệt tuyến sau với tuyến đầu. Vì thế mà cuốn sách “Những chặng đường đấu tranh cách mạng huyện Gò Dầu”  xuất bản năm 1986 mới có đoạn mô tả này, trong mục Quyết tử giữ Gò Dầu lần thứ hai (10.1968- 12.1969): “Tháng 6.1969, bọn Mỹ nguỵ dùng xe ủi sạch các ấp Rỗng Tượng, Cây Trường, Bàu Sen… Ta liên tục mở những đợt hoạt động vào vùng sâu để gây cơ sở…

Thời gian đầu, chỉ có đồng chí y sĩ Lê Thanh Dân (Út Dân) và một vài y tá bám địa bàn và luôn luôn di chuyển từ địa bàn này tới địa bàn khác để làm công tác cứu thương. Ở Thanh Phước, địch ủi sạch địa hình, ta phải đưa thương binh về khu vực nghĩa địa để tiến hành phẫu thuật rồi gấp rút chuyển xuống hầm. Nhiều ca mổ được thực hiện ngay giữa lòng địch hay trong những ngôi nhà đổ nát, không đủ thuốc men dụng cụ. Bộ phận y tế còn chăm lo sức khoẻ cho nhân dân, mở các đợt tiêm chủng phòng ngừa cho dân ở Trâm Vàng, Cây Xoài, Phước Hội…” (trang 109- 110).

Chỉ bấy nhiêu chữ thôi đã chứng tỏ một điều: y tế Gò Dầu trong vùng Căn cứ Lõm đã toả sáng rạng ngời, trong đó cái tên Lê Thanh Dân từng nổi bật. Thời ấy, từng có niềm tin lan truyền trong Tiểu đoàn 14. Rằng, nếu đi chiến đấu, chết thì thôi; còn nếu bị thương mà về gặp được Út Dân là sống! Lại có chuyện của anh Tám Lẻ, chiến sĩ thuộc C33 Gò Dầu.

Một lần đạp phải “trái gài” tại Thanh Phước, Tám Lẻ cứ nằng nặc đòi ông cậu tìm gặp Út Dân, xin ông mổ cho bằng được. Còn doạ- nếu không được thì cắn lưỡi chết! Thế là Út Dân phải hoãn lại một ngày chuyến đi về R lo cho vợ đẻ, để ở lại thực hiện phẫu thuật cho Tám Lẻ. Mà lạ nhé! Ông Út chỉ có tấm bằng y sĩ, lấy được sau lớp học 9 tháng trên R vào năm 1969, lúc ấy trường phải sơ tán qua Sông Queo, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Học, có hành hẳn hoi- ông khoe. Thường là mổ… cho chó rồi khâu vá lại. Lúc tốt nghiệp, ra về thì vật đầu tiên phải nhớ sắm sửa, mang theo lại chính là cái nắp hầm. Nắp bằng gỗ mít, cỡ khoảng 30x50cm. Vật bất ly thân của cán bộ đấy, dù là công tác ở đâu trước khi trở về vùng Căn cứ Lõm.

Hàng trăm ca mổ đã qua tay ông y sĩ Út Dân và hầu hết rất thành công, cho dù có những ca đại phẫu như mổ và nối lại từng đoạn ruột. Gặp khi cấp bách, phòng phẫu thuật mở ngay tại một cụm rừng chồi. Cắt một bó tranh, trải tăng lên là thành giường mổ. Khi mổ, có hai y tá phụ giúp. Ca nhớ đời nhất, là ca mổ khâu lại lá gan đã bị đạn bắn xẻ ra một đoạn dài 7cm. Ðấy là khoảng năm 1970, ta đánh quận Hiếu Thiện, có huy động dân công. Một anh tên là Ðe bị thương vùng bụng, được đưa về trạm dã chiến ở xã Thạnh Ðức.

Tại đây có hầm phẫu thuật. Ðem xuống mở ổ bụng là máu cứ giàn giụa trào ra… Út Dân phải vừa gây mê, vừa tiếp máu (bịch máu khô). Lá gan lúc ấy đã gần như bị xẻ làm hai. Ông đã phải dùng loại kim “chữ U” lớn nhất, móc sâu vào tận mặt sau gan, khâu hết “4 mụt chỉ”. Xong xuôi, đóng thành bụng và khâu lại, tất cả mất khoảng 4 giờ. Ðến 10 ngày sau bệnh nhân bắt đầu hồi tỉnh và đòi ăn, thì mọi người mới tin là sống. Anh Ðe dân công hoả tuyến ấy còn… “sống nhăn” đến tận bây giờ. Còn y sĩ Lê Thanh Dân? Ông vẫn là y sĩ. Sau hoà bình, ông từng làm Giám đốc Bệnh viện Gò Dầu, rồi Phó Chủ tịch huyện. Người thương binh loại 3/4 đã 73 tuổi nay ngày ngày cặm cụi phóng chiếc xe Honda cũ kỹ, bởi ông là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Gò Dầu.

Ngày nay, nhiều người khá giả hễ có ốm đau bệnh tật là tìm đến các cơ sở y tế ở thành phố Hồ Chí Minh. Nặng hơn thì họ sẵn sàng ra nước ngoài điều trị. Chắc họ không biết, hoặc đã quên những kỳ tích của y tế Tây Ninh một thời kháng chiến chưa xa. Một nền y tế có những con người như bác sĩ Lương Thị Hiếu, y sĩ Lê Thanh Dân… từng cứu sống hàng trăm người giữa ngút trời bom đạn thì không thể nào không toả sáng. Và còn biết bao người khác nữa cũng từng cống hiến âm thầm lặng lẽ. Chỉ để lại chiến công trên những vết thương liền sẹo của thương binh và trí nhớ của những người chiến sĩ.

Sự nghiệp vẻ vang này, ngay trên đất Tây Ninh, nhất định sẽ được hồi sinh.

N.Q.V

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục