Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Ðại phẫu” hạn chế của cơ sở khám, chữa bệnh công lập
Thứ hai: 16:08 ngày 28/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, các cơ sở y tế công lập đã liên tục tăng cường thêm số bàn khám, tăng cường nhân viên hỗ trợ phục vụ, giúp giảm rõ rệt số lượt khám trung bình mỗi ngày ở mỗi bàn khám; sắp xếp bố trí khoa khám bệnh hợp lý...

Thời gian qua, người dân thường xuyên phàn nàn về chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập. Vấn đề này, trước đây, UBND tỉnh cũng đã nhiều lần ghi nhận, giao nhiệm vụ cho Sở Y tế sớm có giải pháp khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Qua các đợt tiếp xúc gần đây, đại biểu HÐND tỉnh lại tiếp tục ghi nhận ý kiến cử tri rất bức xúc đối với thực trạng trên.

Nhân viên y tế chăm sóc công nhân bị ngộ độc thực phẩm (ảnh minh hoạ).

ÐANG NỖ LỰC CẢI THIỆN

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, thời gian qua, tất cả các cơ sở y tế công lập đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của nhân viên y tế và đã đạt được một số kết quả cụ thể.

Cụ thể như, ngành Y tế nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân bằng cách tổ chức bộ phận tiếp đón, thông tin, hướng dẫn người bệnh thực hiện các thủ tục khám, nhập viện, chuyển viện; áp dụng quy trình phát sổ khám, thông báo trên bảng điện tử hoặc phát qua loa... tránh cảnh chen chúc, mất trật tự; niêm yết các hướng dẫn, quy định, nội quy, sơ đồ, biển báo... để người dân dễ thấy, dễ đọc, dễ hiểu.

Quy trình tiếp nhận, khám bệnh, xét nghiệm, cấp thuốc đã được rút gọn tối đa theo quy định của Bộ Y tế. Ðể giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, các cơ sở y tế công lập đã liên tục tăng cường thêm số bàn khám, tăng cường nhân viên hỗ trợ phục vụ, giúp giảm rõ rệt số lượt khám trung bình mỗi ngày ở mỗi bàn khám; sắp xếp bố trí khoa khám bệnh hợp lý...

Hiện nay, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh VNPT-HIS; thực hiện liên thông, kết nối dữ liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Ðồng thời, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế công lập tăng cường nhân lực, kinh phí chăm sóc vệ sinh, mỹ quan cả bên trong cơ sở và bên ngoài sân vườn, trồng thêm cây, hoa, lắp đặt thêm ghế, nâng cấp đường nội bộ... Nhờ vậy, tình hình vệ sinh, mỹ quan tại các cơ sở y tế công lập đã có chuyển biến đáng kể.

Hiện tất cả các cơ sở y tế công lập trong tỉnh đã triển khai thực hiện theo kế hoạch của Bộ Y tế về “Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử; xây dựng phong cách thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; tổ chức bộ phận chăm sóc khách hàng; lắp đặt camera ở các khu vực tập trung đông bệnh nhân như khu đón tiếp bàn khám, thu viện phí... để theo dõi hoạt động, giám sát tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

 Sở Y tế cũng đã lập và bảo đảm đường dây nóng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Giai đoạn 2015-2017, đường dây nóng đã tiếp nhận 484 cuộc gọi, trong đó có 226 cuộc gọi đúng phạm vi; đã xử lý kỷ luật 12 nhân viên vi phạm, khen thưởng 4 nhân viên được phản ánh tốt; kịp thời chấn chỉnh quy trình khám, chữa bệnh, cải thiện cơ sở vật chất theo góp ý của người dân.

 Hằng năm, Sở Y tế kiểm tra, đánh giá chất lượng các bệnh viện làm cơ sở chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, từ đó có những giải pháp nhằm cải tiến chất lượng tốt hơn. Kết quả, năm 2016 có 12/15 cơ sở đạt mức điểm trung bình trở lên, còn 3 cơ sở đạt dưới trung bình là các trung tâm y tế huyện Tân Biên, Trảng Bàng và Bến Cầu.

Một vấn đề quan trọng quyết định đến hiệu quả khám, chữa bệnh là chất lượng chuyên môn. Trong thời gian qua, các cơ sở y tế trong tỉnh tiếp nhận sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành Y tế tỉnh nhà cũng đã phát triển một số kỹ thuật mới như Laser Yag ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh, đo chức năng hô hấp bằng máy dao động xung ký ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (đo được cho trẻ em, bệnh nhân nặng), xét nghiệm tầm soát dị tật trước sinh ở Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Gần đây, Bệnh viện Ða khoa tỉnh được trang bị máy MRI từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, là thiết bị từ trước đến nay các bệnh viện công lập trong tỉnh chưa có.

Bệnh viện Ða khoa tỉnh cũng đã mời một giáo sư - tiến sĩ đến khám bệnh vào thứ sáu hằng tuần, đồng thời hỗ trợ đào tạo tại chỗ cho các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, ngành Y tế tỉnh sẽ đầu tư trang thiết bị thực hiện tán sỏi nội soi qua da bằng siêu âm tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Dự kiến cuối năm 2017, đầu năm 2018, ngành Y tế tỉnh sẽ triển khai mổ nội soi tiêu hoá ở Gò Dầu và Tân Châu; chạy thận nhân tạo ở Gò Dầu, Trảng Bàng và Tân Châu.

Những thông tin trên cho thấy lĩnh vực khám, chữa bệnh công lập đã có nhiều chuyển biến tích cực trong các năm gần đây, là sự nỗ lực rất lớn của ngành trong khả năng nguồn lực còn hạn hẹp.

CẦN SỰ THAY ÐỔI TOÀN DIỆN

Tuy nhiên, sự chuyển biến kể trên chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Cho đến nay, ngành Y tế còn “vướng” hai vấn đề lớn. Thứ nhất, người dân luôn đánh giá cung cách phục vụ ở các bệnh viện công lập không bằng các bệnh viện tư nhân.

Theo Sở Y tế, điều này là có thật, vì một số lý do như bệnh viện tư nhân phần lớn mới được xây dựng trong thời gian gần đây, sử dụng vật liệu cao cấp, dễ bảo quản, dễ vệ sinh, lại lắp máy điều hoà khắp nơi, tạo cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân. Trong khi các bệnh viện công lập trong tỉnh không có nơi nào được đầu tư với tiêu chuẩn “sang” như vậy. Ðồng thời, các bệnh viện công luôn trong tình trạng “quá tải”, phục vụ lượng bệnh nhân đông đúc suốt nhiều năm.

Về nhân lực, định mức chung của các bệnh viện công lập là 1,2-1,4 người/ giường bệnh. Trong khi đó, Bệnh viện Cao Văn Chí có hơn 250 người/50 giường, Bệnh viện Lê Ngọc Tùng hơn 200 người/35 giường, tức là từ 5-6 người/giường bệnh nên có đủ nhân lực chăm sóc bệnh nhân chu đáo hơn.

Về tài chính, khi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tư, bệnh nhân phải bỏ ra chi phí nhiều hơn bệnh viện công. Nhờ nguồn lực này mà bệnh viện tư có thể cung cấp các điều kiện chăm sóc tốt hơn so với bệnh viện công.

Các bệnh viện tư có mức đãi ngộ cao hơn ở bệnh viện công, có sự chênh lệch đến hàng chục lần, đủ lớn để thu hút được người giỏi, có trách nhiệm, đồng thời cũng rất linh động, không mất nhiều thủ tục, thời gian trong việc xử lý những người yếu kém. Nhờ vậy, thiết lập được môi trường kỷ luật lao động rất cao so với các bệnh viện công về mọi mặt hoạt động, từ vệ sinh, mỹ quan đến cung cách phục vụ.

Vấn đề thứ hai là về trình độ chuyên môn, các bệnh viện công lập trong tỉnh còn nhiều hạn chế so với các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh, thành lân cận. Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu bác sĩ. Trong khoảng thời gian dài hàng chục năm qua, Tây Ninh luôn bị hụt hẫng đội ngũ bác sĩ kế thừa.

Từ năm 2010 đến nay, toàn ngành bổ sung được 163 bác sĩ thì cũng có chừng ấy bác sĩ nghỉ hưu, nghỉ việc. Ngành Y tế phải vận động số bác sĩ nghỉ hưu tiếp tục ở lại phục vụ dưới hình thức hợp đồng để hạn chế bớt sự hụt hẫng nhân lực. Hiện tại, toàn tỉnh có 122 bác sĩ (trong đó có 16 bác sĩ nghỉ hưu hợp đồng tiếp tục làm việc), so với quy định còn thiếu khoảng 70 bác sĩ.

Vẫn còn tình trạng hàng rong, vé số vào tận giường bệnh ở BVÐK Tây Ninh. (ảnh minh hoạ).

Với lực lượng bác sĩ như vậy, ngành Y tế đang vất vả đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong tỉnh. Hệ quả là dù tỉnh có muốn phát triển các chuyên khoa, kỹ thuật mới cũng khó thực hiện. Số bác sĩ có kinh nghiệm thì đã lớn tuổi, sắp nghỉ hưu. Số bác sĩ mới ra trường thì chưa đủ thâm niên công tác để đưa đi đào tạo. Trong thực tế, muốn đào tạo bác sĩ để định hình và phát triển chuyên khoa, kỹ thuật mới phải mất 5-7 năm.

Bên cạnh hai vấn đề khó khăn khách quan chủ yếu nêu trên, ngành Y tế nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế, tồn tại do nguyên nhân chủ quan như: Năng lực, nhận thức của một số cán bộ quản lý chưa chuyển biến kịp trước sự thay đổi mô hình quản lý y tế; còn chủ quan, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước; một số đơn vị còn chưa năng động, chưa sáng tạo, chưa phát huy tính tự chủ trong quản lý, điều hành để tìm ra hướng đi, lĩnh vực phát triển phù hợp với nguồn lực; một vài nhân viên y tế còn chậm thay đổi nhận thức, phong cách, thái độ phục vụ, ứng xử không tương xứng với tư cách của người thầy thuốc, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành Y tế.

Lãnh đạo ngành Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong xu thế mới, nếu các cơ sở y tế công lập không chủ động, tích cực nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút bệnh nhân thì sẽ không có nguồn thu để hoạt động, để trả lương cho nhân viên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh giữa các cơ sở y tế công lập với nhau cũng như cạnh tranh với y tế tư nhân. Do đó, các cơ sở y tế công lập phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về phong cách, thái độ, chất lượng khám, chữa bệnh để phục vụ người dân tốt hơn.

ÐÌNH CHUNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh