Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dường như mùa hè là mùa của những đam mê. Ðam mê đến tận cùng say đắm. Ðấy, bạn nghe. Tiếng ve đã dậy lên âm vang dọc các phố hè. Những đêm hè nồng nã, tiếng ve còn rầm rộ át cả tiếng ti vi. Át cả tiếng ca của hai anh chị kéo loa thùng đi dọc phố, vừa say sưa hát vừa mời mua vé số.
Cả phượng nữa. Như là bỗng nhiên hoa đồng loạt nở trên các tàn cây. Tôi có thể kể mấy nơi cho các bạn đây. Phượng chói chang trên các sân trường học ở Thanh Ðiền, hay phường 1.
Phượng nở trên cây cao ngất nghểu trước sân ăn phòng Sở Giáo dục, sân nhà Tỉnh uỷ Tây Ninh… Và kia, màu hoa đỏ lan man soi bóng nước rạch Tây Ninh, đoạn từ cầu Thái Hoà trở lại cầu mới- Trần Quốc Toản. Cùng với cờ bay, phượng làm cho không gian phố cứ bừng bừng rạo rực trong suốt những ngày nghỉ lễ. Rồi cứ thế tràn qua… có lẽ suốt mùa hè.
Tiếng ve và màu phượng đỏ gợi lại trong lòng người những đam mê, từng cháy không nguôi suốt thời tuổi trẻ mà có người đến tận lúc tuổi ngả sang chiều vẫn âm thầm gìn giữ. Ðể rồi, khi có thể được bùng ra. Ðấy! Như người tôi quen, là một bác sĩ. Ông cứ đắm chìm suốt tuổi thanh niên, rồi trung niên cho những nghiên cứu về thuốc men, bệnh tật.
Ðể đến khi sắp hưu bỗng dậy lên nỗi nhớ quê- những ao súng, ao sen, lều vó… Cả những rổ, rá, giần, sàng bà ngoại dùng để sàng sảy hạt gạo và cám bã. Thế là làm một góc cà phê cho bè bạn (và sau đó là những người cùng nỗi đam mê) về thưởng thức cà phê. Giờ thì ông đã thoả thích thể hiện những đam mê mình nuôi giữ. Nào nhà ngói quê nội, nhà tranh quê ngoại, cùng giàn mướp hoa vàng che một góc bờ ao. Buông thả vài giàn lưới vó.
Dĩ nhiên, sang hè là cả một hồ sen bừng nở. Nào sen Ðồng Tháp đưa lên, sen bản địa Thanh Ðiền và cả sen Thái Lan nhập khẩu. Bông trắng, bông hồng hoa cứ nở đua chen. Nhỏ thì như bàn tay em bé, mà lớn thì xoè to như cái tô đại gọi là sen hoàng đế. Có cả những nhịp cầu cong queo cho trai gái dắt nhau ra mà “lắt lẻo cầu tre…”.
Ðầu hè này, dịp nghỉ lễ 30.4, ông có gọi tôi cùng vài người bạn lên xem giải đấu cờ tướng phối hợp với UBND phường tổ chức. Ôi chà! Ðấu cờ dĩ nhiên là nhất. Giữa xôn xao vô cùng những kỷ niệm quê kiểng ngày xưa, các kỳ thủ cứ việc say sưa mà đấm tốt, lên xe hay chiếu tướng…
Tôi xem cờ thì ít, mà lại tha thẩn đi xem những món ông mới thu nhặt, hoặc du khách quen đến góp cho vui, cho đầy đặn hơn một không gian rừng rực những đam mê.
Nhớ lại mà coi! Chẳng riêng ông bác sĩ, mà ở Tây Ninh, rất nhiều người chọn việc mở quán cà phê làm nơi thực hiện những đam mê. Có quán toàn trưng bày làm kiểng các loại xe máy, mô tô cổ lỗ. Có quán lại toàn những chiếc bàn tính, cân móc, cân bàn… một thời hợp tác đã qua.
Lại có cả những máy hát cũ vênh vang chiếc loa kèn vàng chói đồng thau, vẫn phát ra não nùng những bản nhạc bolero mà nay bỗng nhiên trở thành “thời thượng”. Tôi thích nhất là ở quán Tầm Quên- toàn những món chẳng mấy ai nhớ nữa. Như cái trục của nông dân ta xưa, dùng để bừa đất thì phải, là nguyên một cây gỗ tròn to và dài đẽo hình múi khế. Lại có những chiếc xe máy cổ lỗ sĩ như cá xanh, ba-bét-ta treo lơ lửng trên trần.
Giá mà chủ quán cho treo ngược hẳn cái xe, làm như nó đang chạy ngược trên những cây kèo hay rui mè mái quán thì chắc sẽ vô cùng ấn tượng. Có quán hâm mộ chỉ có đá núi mài ra cùng một ao sen, nên quán có tên Sen Ðá.
Lại có quán dựng nhà bằng toàn những thân cau, rồi đổ nước ngập lai láng trên sân, gọi là quán Gió-Nước. Và có cả quán cà phê Mộc mà tất cả bàn ghế chỉ ghép từ gỗ mộc, không bào chuốt. Ðể không gian rất mộc ấy chỉ vẳng lên tiếng ghi-ta thùng đệm những bài ca cũng mộc mạc ngày xưa…
Quán nào cũng phải có ít ra là một hoặc vài căn nhà gỗ dân gian. Và cũng cá biệt có quán lại quây kín bằng sắt, kính kề ngay đường phố đông người qua lại, để khách ngồi lướt web, click chuột hoặc lướt tay gõ phím giữa không gian lạnh toát. Mặc cho sau mặt kính kia là dòng người xe trôi chảy trên đường…
Cứ theo quan sát của tôi thì những quán cà phê đam mê kia đều đã thành công. Làm người mà! Ai chẳng có những đam mê, hoặc hữu hạn hoặc là vô hạn. Vậy thì, cứ đam mê đi hỡi bạn! Trước sau gì thì ta cũng sẽ gặp những bạn bè cùng một nỗi đam mê ấy. Ðể trở thành- như người xưa nói, là tri kỷ hoặc tri âm.
NGUYỄN