Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 4 và 5.12.2020, Báo Tây Ninh có bài viết phản ánh về tình trạng đất rừng tự nhiên tại tiểu khu 47, Rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị lấn chiếm. Sau khi báo đăng, Ban Quản lý khu rừng đã có báo cáo cụ thể cho cấp trên. Trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, lại tiếp tục phát hiện vi phạm.
Mì vẫn được trồng trên diện tích đất lâm nghiệp 1,2 ha (ảnh chụp ngày 12.1.2021).
Theo báo cáo, đối với diện tích 1,2 ha, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng trồng cây sao và keo, chống tái lấn, chiếm, theo mô hình thiết kế đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt (chưa ký hợp đồng trồng rừng với hộ dân nào) và theo chủ trương tại Quyết định số 1573 ngày 10.7.2017 của UBND tỉnh.
Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến trước khi ông Nông Văn Thắm (ngụ tổ 3, ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) trồng sao và keo, diện tích 1,2ha được ông Thắm trồng cây mì. BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng lập hồ sơ ban đầu gửi đến UBND xã Tân Hoà, đồng thời chuyển hồ sơ và các văn bản liên quan đến Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Hạt Kiểm lâm) để xử lý.
Trong quá trình giải quyết, UBND xã Tân Hoà nhận thấy diện tích 1,2 ha bị lấn, chiếm lâu năm. Mặt khác, tại thời điểm xác lập hồ sơ để xử lý, trên đất đang trồng mì sắp thu hoạch. Ông Thắm có làm đơn xin gia hạn thời gian để nhổ mì, đồng thời cam kết sau khi thu hoạch sẽ không tái diễn vi phạm. UBND xã không xác lập hồ sơ xử lý.
BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiếp tục gửi các văn bản liên quan đến tình hình vi phạm phá rừng, bao, lấn chiếm đất rừng cho các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xử lý - nhất là các vụ việc tồn đọng, trong đó có vụ của ông Thắm. Do không xử lý dứt điểm, ông Thắm cố tình tái phạm trồng mì. BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiếp tục có văn bản đề nghị UBND xã Tân Hoà xử lý.
Ngày 10.7.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1573 về việc ban hành kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Những vi phạm của ông Thắm nằm trong diện xử lý theo quyết định này.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 1837 ngày 24.9.2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020, diện tích 1,2 ha có trạng thái quy hoạch rừng bảo vệ IIA, nên không thể đưa vào khắc phục hậu quả trồng lại rừng theo mô hình quy định (do chưa chuyển đổi quy hoạch).
Ðến ngày 27.12.2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3189 về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, diện tích 1,2 ha được đưa ra khỏi quy hoạch rừng bảo vệ, đủ điều kiện để trồng rừng theo mô hình quy định. Nhưng do trước đó ông Thắm đã trồng mì, nên tổ công tác của xã tạm thời để ông Thắm thu hoạch mì xong, sau đó buộc ông phải giao trả đất để trồng rừng.
Ðối với diện tích 0,2 ha đã được ông Thắm trồng cây điều nhiều năm tuổi, năm 2016, UBND huyện Tân Châu có quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ðó là biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền; trình tự thủ tục tiếp theo sau khi ban hành quyết định là do UBND huyện thực hiện. BQL chỉ là đơn vị phối hợp và cũng đã gửi các văn bản liên quan tới việc đề nghị xử lý đến cơ quan chức năng.
Về hướng xử lý đối với diện tích 1,2 ha, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã tổ chức trồng rừng để chống tái lấn, chiếm theo Quyết định 1573 của UBND tỉnh. Diện tích 0,2 ha đang có cây điều trên đất, trước đây đã có quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của UBND huyện Tân Châu, phải thực hiện đúng theo quy trình thủ tục hành chính.
Trước hết, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng phối hợp với Hạt Kiểm lâm và UBND xã Tân Hoà tiếp tục vận động ông Thắm thực hiện theo quyết định này lần cuối. Trường hợp ông Thắm không thực hiện, lập thủ tục đề nghị UBND huyện cưỡng chế thu hồi đất, giao lại cho hộ khác trồng rừng.
Ông Vũ Anh Ðức - Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, phần diện tích đất rừng khoảng 3 ha bị bao chiếm để trồng mì mà Báo Tây Ninh đã đề cập, qua đo đạc thực tế có diện tích khoảng 2,8 ha. BQL đã cho xử lý cây mì trồng trên phần diện tích đất này để khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng theo quy hoạch. Kể cả phần diện tích đất rừng khoảng 0,4 ha bị phá trống từ trước đây (gần với khu rừng trồng hợp đồng với bà Phan Thị Ngọc Hạnh) cũng được BQL xử lý theo hình thức tương tự.
Qua quan sát các diện tích nêu trên vào ngày 24.11.2020, tại diện tích 1,2 ha đã được trồng cây sao và cây keo (trồng được khoảng 3 tháng), chưa trồng mì. Thế nhưng, khi trở lại đây ngày 12.1.2021, tại diện tích này, mì lên cao khoảng 20cm, trồng xen theo khoảng đất trống giữa các hàng cây sao và cây keo.
Một góc dãy rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng trước đó, mới đây lại có dấu hiệu phun thuốc khai hoang để diệt mầm cây tái sinh.
Trong một diễn biến khác, tại dãy rừng tự nhiên bị tàn phá mà Báo Tây Ninh phản ánh trước đây (gần diện tích đất rừng trồng cây keo giáp suối) vừa có dấu tác động phun thuốc khai hoang trên diện rộng. Các mầm cây rừng tự nhiên tái sinh đang bị chết khô héo. Ông Vũ Anh Ðức cho hay, BQL đã biết tình trạng phun thuốc khai hoang như vừa nêu nhưng không bắt được quả tang người vi phạm.
Minh Quốc