Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ðẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Thứ hai: 14:25 ngày 29/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) vừa qua đã một lần nữa khẳng định cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để DNNN thật sự phát huy được vai trò, vị trí then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu, Công ty CP Cảng Hải Phòng (Hải Phòng). Ảnh: KHÁNH HÀ

Cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua là quá trình đổi mới từ tư duy, nhận thức đến quan điểm và tổ chức chỉ đạo thực hiện, trong đó giai đoạn 2006 - 2010 được xác định là giai đoạn đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa; giai đoạn 2011 - 2016 thực hiện cơ cấu lại DNNN, tập trung vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, chuyển đổi sở hữu nhà nước gắn liền với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN và doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước, cổ phần hóa DNNN.

Tiến trình cổ phần hóa và cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thời gian qua đã tạo điều kiện giúp các DN đổi mới phương thức quản lý, phương thức huy động vốn đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.

Về phía Nhà nước, không những có được nguồn thu lớn để tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội mà còn tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường vốn Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN 10 năm qua cũng bộc lộ không ít bất cập.

Trong đó, một số cơ chế, chính sách liên quan sắp xếp, cơ cấu lại DNNN ban hành chưa kịp thời; một số bộ, ngành, địa phương, DN chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện cơ cấu lại DNNN.

Tỷ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa DN.

Mặt khác, số lượng DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn đã làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.

Việc bàn giao các DN đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các DN theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai.

Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn nhà nước trong những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng, nhất là thoái vốn của tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản.

Nhiều DN sau khi sắp xếp, chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình công ty TNHH một thành viên chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh.

Kết quả thí điểm chuyển đổi các tổng công ty, DNNN sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế trong giai đoạn 2006 - 2010 đã bộc lộ những bất cập, yếu kém cần khắc phục, sửa chữa như: đầu tư dàn trải theo hướng đa ngành, số lượng đơn vị thành viên không tương xứng với năng lực quản lý nên dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thấp, thậm chí kém hiệu quả...

Hệ quả đầu tư dàn trải trong giai đoạn 2006 - 2010 của tập đoàn kinh tế dẫn đến việc phải tập trung thoái vốn ngoài ngành trong giai đoạn 2011 - 2015.

Ðể tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong thời gian tới đây, cần xác định cụ thể phạm vi, ngành nghề đầu tư sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư nhà nước trong các ngành, nghề theo quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị DN một cách thực chất.

Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN để sớm xóa bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại DN; đổi mới quản trị DNNN theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của các DN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.

Trong các giải pháp thực hiện, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện. Theo đó, cần tập trung triển khai phương án sắp xếp DNNN giai đoạn 2016 - 2020; chủ động xây dựng phương án và tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các DN không thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2016 - 2020.

Nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản. Tăng cường niêm yết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN quy mô lớn đã cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.

Ðáng lưu ý là cần áp dụng tổ chức lao động khoa học trong sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại, nâng cao chất lượng lao động trong DN trên cơ sở đó nâng cao năng suất của từng người lao động và năng suất lao động tổng hợp của DN. Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ...

Để thực hiện các giải pháp nêu trên, cần xác định rõ vai trò của DNNN và DN có vốn nhà nước trong nền kinh tế thị trường Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định cụ thể ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm 100% vốn; các ngành, lĩnh vực có thể thực hiện đa sở hữu để giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện, môi trường cho thành phần kinh tế khác phát triển; quyết định mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước bảo đảm yêu cầu bình đẳng với các chủ sở hữu vốn của các thành phần kinh tế khác; tách bạch triệt để chức năng quản lý nhà nước của cơ quan hành chính nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn nhà nước.

Thực hiện sự điều tiết, can thiệp thông qua pháp luật quản lý sử dụng vốn nhà nước và thúc đẩy quản trị DN hiện đại làm công cụ cho việc giám sát, kiểm tra, công khai, minh bạch của DNNN, DN có vốn nhà nước.

Nhà nước có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch tình hình tài chính, đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại DN; định kỳ hằng năm công khai để toàn dân biết, đồng thời giám sát, kiểm tra làm cơ sở để ngăn ngừa sự lãng phí, tham nhũng và các nhóm lợi ích.

Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Nguồn Báo Nhân dân

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục