Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Bất lực” nhìn vườn cao su bị chết dần
Thứ tư: 14:30 ngày 08/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ tổ 1, ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Trong đơn, ông Tấn cho rằng, vườn cao su nhà mình có hơn 70 cây bị chết và ranh đất bị sạt lở, nghi do bị ảnh hưởng bởi việc khai thác khoáng sản của một doanh nghiệp kế bên.

DNTN Kim Nhung khai thác đất tại khu hầm mỏ (Ảnh cắt từ video clip).

Ông Tấn trình bày, gia đình ông có phần đất 30.000m², đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, thuộc thửa đất số 314, tờ bản đồ số 11, toạ lạc tại địa chỉ trên.

Toàn bộ diện tích đất đã trồng cây cao su, được khoảng 8 năm tuổi. Giáp ranh với vườn cao su là hầm khai thác khoáng sản đất san lấp của Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thị Kim Nhung (gọi tắt là DNTN Kim Nhung).

Ông Tuấn cho rằng, doanh nghiệp này có dấu hiệu sai phạm trong việc khai thác khoáng sản. Cụ thể, khai thác hầm mỏ vượt độ sâu cho phép, đắp bờ taluy không đúng kích thước quy định, không đắp đê bao bảo vệ khu khai thác nên khi trời mưa gây sạt lở, khuyết vào ranh đất của ông.

Ông Tấn cho biết hiện trường hầm khai thác khoáng sản này có thể sâu hơn 10 mét.

Ông Tấn giải thích: “Việc khai thác đất không tuân thủ theo quy định như vậy đã làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, theo đó, nước trong đất giáp ranh đều đổ dồn xuống hầm mỏ gây tắt nguồn sống của những cây cao su gần đó, dẫn đến cây bị chết khô dần theo thời gian”.

Hướng dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế, ông Tuấn còn chỉ ra một số sai phạm của DNTN Kim Nhung như biển cảnh báo nguy hiểm khu vực khai thác lắp đặt không đủ, trong khi nhiều đoạn hàng rào hầm mỏ nước sâu nguy hiểm gần khu dân cư đã bị hỏng hóc hoặc đổ sập, việc trồng cây xanh quanh “moong” để cải tạo môi trường gần như chỉ để “đối phó”, “trồng cho có”, thậm chí có nhiều đoạn khá dài không trồng.

Ông Tấn cho rằng ranh đất bị sạt lở là do doanh nghiệp làm sai nhiều quy định.

Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, khu mỏ giáp ranh với vườn cao su của ông Tấn có đoạn bị xói mòn, sạt lở, ăn khuyết vào đất. Được biết, đối với khu mỏ này phải lắp đặt xung quanh các khai trường 10 biển cảnh báo nguy hiểm/974,8 mét chu vi toàn khu vực khai thác, nhưng qua quan sát, chúng tôi thấy số biển báo chưa đủ theo quy định. Một số đoạn hàng rào hầm mỏ nước sâu (đã khai thác trước đó) gần khu dân cư đã bị hư hỏng, đổ sập.

Chung quanh “moong” có trồng cây xanh (cây keo) để cải thiện môi trường nhưng cây kém phát triển, thưa thớt, có đoạn không trồng. Vườn cao su của ông Tấn có nhiều cây giáp ranh với hầm khai thác đất san lấp bị chết khô.

Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân vì sao cây cao su chết như vậy thì cần phải nhờ đến cơ quan chức năng. Một người dân khác có vườn cao su gần khu vực hầm mỏ như ông Tấn nói: “Những cây cao su của tôi ở gần hầm đất cũng bị chết theo kiểu tương tự, tôi phải trồng đến lần thứ hai, nhưng xem ra chưa chắc gì sống được lâu dài”.

Về việc phản ánh DNTN Kim Nhung đắp bờ taluy không đúng theo kích thước quy định, khai thác đất quá độ sâu cho phép, ông Tấn cho biết, trước đó ông đã dùng cây đo thử thì phát hiện hầm mỏ có chỗ sâu hơn 10 mét so với mặt đất lúc chưa khai thác, chiều ngang bờ taluy tầng trên nhiều đoạn chỉ đạt 1,5 mét.

Đối với vụ việc này, ông Tấn mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, rà soát kỹ những việc làm sai quy định trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với DNTN Kim Nhung. Đồng thời, phía doanh nghiệp phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả (xói mòn, sạt lở ranh đất) cũng như bồi thường thiệt hại cho ông.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp cho biết, sự việc đã được chính quyền xã tiến hành hoà giải nhưng bất thành, gia đình ông Tấn đã nộp đơn khởi kiện DNTN Kim Nhung tại TAND huyện Tân Biên. 

Tìm hiểu vụ kiện này, chúng tôi được biết, toà án đã thụ lý hồ sơ vụ án dân sự sơ thẩm số 318/2016/TLST-DS ngày 26.12.2016. Nhưng sau đó, TAND huyện Tân Biên cũng đã có Quyết định số 01/2017/QĐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án với lý do người khởi kiện đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện vào ngày 10.1.2017.

Giải thích về việc rút đơn kiện, ông Tấn nói: “Toà án bảo tôi phải chứng minh nguyên nhân vì sao cây cao su bị chết, vì sao ranh đất bị xói mòn? Tôi là nông dân không có chuyên môn và thẩm quyền làm việc đó, nên thôi đành rút lại hồ sơ để lấy lại số tiền tạm ứng án phí”. Thay vào đó, gia đình ông Tấn chọn cách tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan khác.

Được biết, DNTN Kim Nhung được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản số 539/GP-UBND ngày 17.3.2015, với công suất là 15.000m³/năm (nguyên khối).

Ngày 29.3.2016, UBND tỉnh có Quyết định số 777 điều chỉnh tăng công suất khai thác của doanh nghiệp này lên 30.000m³/năm, với lý do nhu cầu sử dụng đất san lấp của huyện tăng, để phục vụ xây dựng nông thôn mới và các công trình công cộng của huyện Tân Biên.

Cũng theo quyết định này, điều chỉnh thời gian được phép khai thác theo Giấy phép số 539 từ 9 năm 6 tháng (trong đó: thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 3 tháng, thời gian đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường là 6 tháng) xuống còn 4 năm 8 tháng. Theo nguồn tin riêng, DNTN Kim Nhung đang tiếp tục xin được tăng công suất khai thác.

Ông Tấn như “bất lực” trước sự chết dần chết mòn của những cây cao su gần ranh hầm mỏ.

Thiết nghĩ, trước những phản ánh của ông Tấn, cũng như một số hộ dân có đất đang canh tác gần khu vực khai thác khoáng sản của DNTN Kim Nhung, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh những nguồn tin trên, nhằm có hướng giải quyết khách quan, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, công bằng cho cả người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để cân nhắc việc có nên chấp thuận cho DNTN Kim Nhung tiếp tục tăng công suất khai thác lên nữa hay không.

Minh Quốc

Tin cùng chuyên mục