Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự
“Biến nguy cơ thành thời cơ”
Thứ hai: 12:48 ngày 20/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - A lô, Bàn Dân đây, cho phỏng vấn ông qua Zalo chút nghen! Hai tuần cách ly xã hội rồi lại tiếp tục cách ly xã hội một tuần, mà cũng có thể kéo dài thêm nữa, vì tỉnh nhà đứng vào nhóm nguy cơ cao, cảm giác của ông thế nào, có tù túng quá chăng?

-Thật ra cũng chẳng tới mức quá tù túng vì mình vẫn có thể đi ra khỏi nhà khi có việc thật cần thiết, nhưng dù sao có tuổi rồi mà phải mua cà phê về nhà uống một mình, không được gặp nhau “đàm thế sự” với bạn già kể cũng hơi kém vui.

-Đồng ý, nhưng… hỏi thiệt nhen, hơn ba tuần nay, cũng như mọi người, ông nằm nhà xem đài, đọc báo, theo dõi truyền thông xã hội… ông có chiêm nghiệm ra được điều gì không?

-À, về chuyện đó thì tôi tâm đắc nhất là việc lãnh đạo Đảng, Chính phủ mình kêu gọi toàn dân “không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng…” đồng thời chỉ đạo hành động “biến nguy cơ thành thời cơ” trong trận chiến đấu chống đại dịch này.

-Ông hiểu chuyện “biến nguy thành cơ” ấy cụ thể như thế nào, nói Bàn Dân nghe xem?!

-À, nhiều chuyện lắm chớ, chẳng hạn như là chuyện hai ngành Thông tin - Truyền thông và Y tế khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng, chống Covid-19 là một điển hình “biến nguy thành cơ”.

Theo đó, với nền tảng công nghệ số, các y, bác sĩ, chuyên gia y tế thực hiện hội chẩn trực tuyến từ xa, từ tuyến trên đến tuyến dưới qua internet để có thể phòng, chống dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi. Tôi nghĩ việc hai ngành phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, được tập trung dốc sức thực hiện kịp thời trong đại dịch Covid-19, không chỉ có tác dụng trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong việc hướng tới xây dựng “quốc gia số, quốc gia thông minh” nữa, phải không ông?

-Đúng vậy. Bàn Dân nghĩ, chính trong thử thách của đại dịch, với nhiệm vụ phải “cứu bệnh như cứu hoả” trong khi phải cách ly xã hội để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh, thì cách mạng công nghệ thời “bốn chấm không” lại có điều kiện để phát triển và phát huy tác dụng.  

-Điều đó là rõ ràng quá rồi. Tôi nhận thấy khi có thông tin về một thành phố khởi phát dịch đầu tiên ở Trung Quốc, thì các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã cập nhật thông tin cực nhanh, cực sâu để khắp thế giới đều nắm được và cùng cảnh giác. Còn ở trong nước mình, tôi nghĩ vai trò của truyền thông trong việc vận động nhân dân hưởng ứng và chấp hành triệt để chủ trương “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Chính phủ, ngăn chặn, kiềm chế dịch Covid-19 phải vậy không ông?

-Ông nhận định không sai. Với việc phát triển công nghệ số ai cũng có một thiết bị thông minh cầm tay “nhất hô bá ứng” để chống dịch bệnh từ xa... 

-Nhưng… có một điều tôi cảm thấy khó hiểu là tại sao ở những nước tiên tiến, giàu có như các nước Âu, Mỹ thì lại bùng phát dịch một cách khủng khiếp, mỗi ngày có hàng chục vạn người nhiễm, có hàng chục ngàn người tử vong như vậy hở ông?

-Chuyện ấy thì dông dài và rắc rối lắm, không thể nói vắn tắt qua “điện đàm” với ông đâu. Bàn Dân nghĩ ông nên tìm đọc bài viết của ông cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier, viết sau khi ông mắc Covid-19 và được chữa khỏi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương của nước ta thì biết.

-Thôi mà, chẳng lẽ ông không thể tóm tắt một vài ý cho tôi hiểu khái quát chuyện ấy được sao?

-À… Sau khi đọc kỹ bài của ông cựu Đại sứ Pháp, Bàn Dân nghĩ rằng, qua “trải nghiệm kinh khủng” của bản thân khi bị nhiễm dịch và được ngành Y tế nước ta chữa khỏi, ông ấy đã nhận định nguồn cơn là chính cái việc người Âu Mỹ đặt “tự do cá nhân” lên trên “lợi ích cộng đồng” đã “đẩy họ vào chỗ chết” khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó ở châu Á, ở các quốc gia mà ông ấy gọi là “các quốc gia có nền văn hoá Nho giáo” lại thành công trong phòng, chống dịch Covid-19.

-Gì lạ vậy, sao lại có Nho giáo ở đây?

-Đó là cách nghĩ của ông ấy. Đúng sai chưa bàn tới, nhưng ông ấy lý giải rằng “các quốc gia châu Á (mà điển hình là Việt Nam-BD) cho đến nay lại có phương pháp ngăn chặn làn sóng dịch bệnh hiệu quả hơn, bằng cách huy động tổng lực sức mạnh quốc gia”, ông thấy có phải vậy không?

-Phải quá đi chớ. Rõ ràng nước ta ngăn chặn dịch hiệu quả cho đến giờ này, là nhờ cả nước một lòng thực hiện nghiêm phương pháp “chống dịch như chống giặc” do Đảng ta, Chính phủ ta phát động chứ còn gì nữa! 

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh