Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Biết thì thưa thốt…”
Thứ sáu: 00:07 ngày 18/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính phủ Việt Nam đã khẳng định nhiều lần, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kép, không áp dụng các hình thức cực đoan, thái quá. Không chủ quan nhưng không hoang mang lo lắng quá mức - đây là thông điệp rõ ràng được người đứng đầu Chính phủ công khai nhiều lần.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên VNPT Tây Ninh. Ảnh: Tâm Giang

Ðợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tính từ ngày 27.4 (thời điểm được xác định đợt dịch lần thứ tư bùng phát) đến nay, số ca dương tính với SARS-CoV-2 không ngừng gia tăng. Chính phủ, ngành Y tế cùng nhiều lực lượng khác đã và đang làm hết sức mình để khống chế. Nhiều biện pháp được áp dụng để ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại do dịch bệnh gây ra, như: khoanh vùng, truy vết, giãn cách xã hội, phong toả, điều trị cho người nhiễm bệnh, chuẩn bị nguồn vaccine.

Trong ba đợt dịch trước, biện pháp chống dịch của Việt Nam thành công khiến cả thế giới ngạc nhiên. Nhưng, lần này, dịch bệnh phức tạp hơn nhiều, không chỉ số ca nhiễm lên đến hàng ngàn người, xét theo địa lý, số tỉnh, thành phố có người nhiễm bệnh cũng tăng lên. Nói như vậy để thấy, mọi nguồn lực, vật lực, tài lực, trí lực... đang được huy động tối đa để dập tắt đợt dịch này.

Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, của cơ quan chuyên môn, một số người (tự nhận mình có hiểu biết) liên tục công kích chính sách, biện pháp chống dịch. Lúc 11 giờ ngày 15.6, một cơ quan truyền thông nước ngoài (có phát sóng, bài viết bằng tiếng Việt) đăng bài viết có nhan đề “Việt Nam chạy theo úp sọt Covid đến bao giờ”.

Bài viết có đoạn: “Thực tế số ca nhiễm trở bệnh nặng hoặc tử vong rất thấp của Việt Nam cho thấy ở giai đoạn này, không thể xem xét hiệu quả của việc chống dịch thuần tuý theo con số ca nhiễm nữa. Nhiễm nhiều nhưng cũng khỏi nhiều, vậy có đáng lo sợ thái quá để cứ đóng cửa cài then mãi hay không? Không thể chạy theo con virus đang bay lượn khắp nơi trong cộng đồng để úp sọt, bắt nhốt nó được nữa.

Ðiều đó là viễn vông không tưởng. Phải quay về xác định đâu là những cứ điểm trọng yếu và dồn sức cho nó. Ðó là bảo vệ mạch máu kinh tế, bảo vệ tuyến đầu của ngành Y tế, nâng chất lượng dự phòng và điều trị, đồng thời dùng những đồng tiền ít ỏi còn lại để trang bị máy móc thiết bị, chăm sóc sức khoẻ cho họ”.

Ðoạn văn nêu trên có hai ý chính: người viết khuyên Chính phủ Việt Nam không nên tiếp tục giãn cách xã hội, đừng lo sợ thái quá và dừng các biện pháp chống dịch thủ công, “úp sọt” như hiện nay để bảo vệ mạch máu kinh tế.

Nếu chỉ đọc lướt qua, ý kiến nêu trên không có gì bàn nhiều. Nhưng, ẩn sau lớp vỏ ngôn ngữ này nó còn bộc lộ không giấu giếm sự thiếu hiểu biết (vô tình hay hữu ý) của người viết. Trước hết, việc áp dụng các biện pháp hành chính có tính tình thế như phong toả, giãn cách xã hội trong một thời gian ngắn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh là đúng.

Giải pháp tình thế này không phải xuất phát từ biện pháp hành chính mà chính bởi tính khoa học của nó. Ðặc điểm của dịch bệnh Covid-19 là dễ lây từ người sang người khi tiếp xúc, thậm chí có thể lây qua không khí. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất áp dụng giãn cách xã hội hoặc phong toả tạm thời.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng biện pháp này. Một vài nước khác, lúc đầu, vì “nhân quyền” để cho dân chúng tiếp xúc thoải mái với người nhiễm, hậu quả như thế nào, hẳn ai cũng biết. Hàng triệu người từ châu Âu sang Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ rồi đến Ấn Ðộ, đã chết vì nhiễm Covid-19, lý do chính là tập trung quá đông người, xem thường loài virus chết người này. Cần nhớ, khi đại dịch mới bắt đầu, nhiều quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ còn kỳ thị ra mặt những người đeo khẩu trang. Nay, chính nguyên thủ của họ cũng không thể rời cái khẩu trang mà họ từng kỳ thị trước đó.

Không ai trông đợi việc áp dụng các biện pháp nêu trên vì nó khiến dòng chảy của cuộc sống bị ảnh hưởng, nhưng thực tế chứng minh rằng, nếu không giãn cách xã hội hoặc phong toả tạm thời, số người nhiễm bệnh và tử vong tại Việt Nam chắc chắn không dừng lại ở con số như hiện nay.

Chính phủ Việt Nam đã khẳng định nhiều lần, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kép, không áp dụng các hình thức cực đoan, thái quá. Không chủ quan nhưng không hoang mang lo lắng quá mức - đây là thông điệp rõ ràng được người đứng đầu Chính phủ công khai nhiều lần.

Các biện pháp chống dịch đang được áp dụng mang tính tổng hợp, vừa hành chính vừa khoa học chứ không phải “chạy theo úp sọt con virus” như người viết bài suy diễn một cách không thể thô thiển hơn. Ngay trong những ngày này, khi giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu (EURO) đang diễn ra, xem truyền hình trực tiếp sẽ thấy, trên khán đài, số lượng khán giả không đông như thường lệ và họ đều ngồi có khoảng cách.

Trận đấu giữa đội tuyển Vương quốc Anh và Croatia chỉ lác đác có mấy nhóm khán giả, chẳng khác gì cảnh chợ chiều. Nguyên nhân cũng là vì dịch Covid-19, mọi người lo giữ khoảng cách để an toàn. Ðừng quên, tỷ lệ tiêm chủng vaccine của những nước phát triển này cao hơn nhiều các quốc gia khác.

“Huỷ bỏ giãn cách để bảo vệ mạch máu kinh tế, bảo vệ tuyến đầu của ngành y tế, nâng chất lượng dự phòng và điều trị, đồng thời dùng những đồng tiền ít ỏi còn lại để trang bị máy móc thiết bị, chăm sóc sức khỏe cho họ”. Người viết tỏ ra “nguy hiểm” nhưng không biết (hoặc biết nhưng làm ngơ) khi nêu lên một “kiến nghị” thừa thãi. Bởi, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hoạch định chính sách thừa biết điều đó. Không phải chờ đến đến đợt dịch thứ tư này, ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện hồi tháng 1.2020, tất cả các biện pháp về hành chính, kỹ thuật, tài chính, an toàn cho những lực lượng tuyến đầu, đều đã được tính đến.

“Sách lược chống Covid của Việt Nam đã sai ngay từ đầu khi đặt mục tiêu tiêu diệt virus bằng các biện pháp thô sơ mà chỉ ưu thế thể chế chính trị mới thực hiện được, thay vì đặt mục đích sẽ sống chung với nó như tuyệt đại các quốc gia khác”.

Ðoạn trích trong ngoặc kép là của một người từng làm tổng biên tập một tờ báo (đã mất chức từ lâu). Thời gian gần đây, nhân vật này liên tục công kích, lên lớp dạy đời cho Chính phủ và Bộ Y tế về cách phòng chống dịch. Ba đợt dịch trước, Việt Nam khống chế thành công, dập tắt sớm dịch bệnh, chữa khỏi cho hàng trăm ca nhiễm nặng thuộc dạng thập tử nhất sinh, người này im lặng.

Bây giờ, khi tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp, việc chống dịch trở nên khó khăn hơn, họ xem đây là cơ hội, là miếng đất màu mỡ để “gieo nọc độc thông tin” vào công chúng. Thực tế (không phải thực tiễn) cho thấy, biện pháp chống dịch như hiện nay không phải thô sơ, cũng không phải chỉ mỗi Việt Nam áp dụng.

Xung quanh Việt Nam, trong khu vực Ðông Nam Á, hiện tại, nhiều quốc gia cũng đang giãn cách, phong toả tạm thời, có tính chất cục bộ, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Từ khi dịch xuất hiện đến nay, Mỹ và Ấn Ðộ là hai quốc gia phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng chỉ vì không giãn cách xã hội hoặc có giãn cách nhưng không thành công, vì dân chúng không tuân lệnh của chính phủ nước họ.

Cần biết, Ấn Ðộ là quốc gia sản xuất 60% vaccine cho toàn thế giới. Thế nhưng, hậu quả dịch bệnh Covid-19 gây ra ở đất nước Nam Á này như thế nào, cả thế giới đều biết. Nếu như Chính phủ Việt Nam không áp dụng giãn cách xã hội, cách ly người nhiễm bệnh, phong toả tạm thời thì tình hình dịch bệnh như thế nào, có lẽ không khó hình dung lắm đâu. Khi có quá nhiều người tử vong vì nhiễm Covid-19, điều gì sẽ xảy ra?

Ý kiến mang màu sắc mỉa mai, chê mai, miệt thị nêu trên của người từng đứng đầu một cơ quan báo chí, sau khi đăng đã ngay tức khắc nhiều “trí thức” khác hùa theo. Không chỉ a dua kiểu bầy đàn mang nặng tính “chuyên chế của đám đông”, những người “bình luận” bài viết bắt đầu “bẻ lái” sang chuyện mua vaccine.

“Ði mua thuốc chữa bệnh cứu người mà vừa đi vừa run thì chết cụ nó hết rồi. Cái cơ chế thổ tả này là cơ chế giết dân”. Ý kiến bỏ trong ngoặc kép, rất tiếc, lại là của một vị quan chức khá cao trong làng báo. Trước khi bị cách chức, thu hồi thẻ hành nghề, người này có giai đoạn dài từng giữ chức phó tổng biên tập một tờ báo lớn, sau đó làm tổng biên tập của một tờ báo khác.

Như đã đề cập trong một bài viết gần đây, vaccine đang là vấn đề của cả thế giới. Ngay tại hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm 7 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới) vừa mới kết thúc, vaccine cũng là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự. Chính những cường quốc này cũng chưa giải quyết xong câu chuyện vaccine.

Ở Việt Nam. Chính phủ, Bộ Y tế đang khẩn trương tìm mua vaccine từ nhiều nguồn đồng thời ráo riết phát triển vaccine trong nước. Trong nhiều cuộc họp về phòng chống dịch, lãnh đạo Chính phủ luôn nhấn mạnh, tìm nguồn vaccine, tiêm chủng cho dân chúng là giải pháp cấp bách.

Hiện tại, ngay cả khi có nguồn lực, việc mua vaccine, trong giai đoạn này cũng không hề đơn giản. Do đó, vấn đề mua vacine của nước ngoài và phát triển vaccine trong nước đang được thực hiện hết sức khẩn trương, khó có thể tồn tại cái gọi “cơ chế thổ tả này là cơ chế giết dân” như vị cựu tổng biên tập phát biểu một cách bừa bãi trên mạng xã hội.

Không hề có ý soi mói hay “tấn công cá nhân”, nhưng xin hỏi một câu: Khi còn đương chức, bổng lộc “ngập chân răng” sao các vị không lớn tiếng như bây giờ?

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục