Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 9.8.2023, có dịp trở lại ngôi dinh thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ tại ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, một cảnh tượng bất ngờ trên bến thuyền từ dinh xuống sông Bến Đá. Đấy là cảnh một người phụ nữ đang cho cá ăn ngay bên bậc tam cấp ở bến sông.
Ngày giỗ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Nghệ.
Thoạt đầu, chị gõ nhẹ vài tiếng vào thanh tre trên tay. Thế là bầy cá tụ về, chị ném từng vốc thức ăn cho cá. Chúng sùng sục nổi lên, quẫy cựa lên nhau để giành lấy thức ăn. Sôi sục lắm! Cả một khoảng rộng mặt nước chen chúc đầy cá quẫy. Trên mặt nước toàn loại cá thon nhỏ như ngón tay, bụng và lưng lấp lánh 2 màu đen trắng quyện vào nhau.
Thú vị nhất là có cả những ánh đỏ của vây và lưng một loài cá lạ. Người phụ nữ cho cá ăn bảo, đấy là loài cá đuôi đỏ. Chẳng biết từ đâu chúng tụ về khúc sông này. Cùng với các loài cá linh, cá heo. Còn một loại ăn ngầm nữa, ít nổi lên mặt nước là cá tra. Biết vậy là trước kia đã từng có ghe chài vào lưới cá nơi đây bắt được khá nhiều. Nay những người quản lý dinh thờ đã có sáng kiến giăng một dây cờ hoa ra tới giữa dòng sông, báo hiệu ghe chài không được vào bắt cá.
Nhìn ra dòng sông phía trước, dây cờ hoa giăng ngang đã tạo hình một gương hồ bán nguyệt trước dinh. Vậy nên tình trạng ghe chài vào lưới cá trước bến đã không còn nữa. Bầy cá được bảo vệ ngày một sinh sôi nảy nở. Có người còn phong danh cho cá, gọi cá thần.
Nhưng thật ra, có thần thánh nào đâu! Chẳng qua là cá được an toàn, lại có con người chăm sóc cho ăn mỗi ngày nên thành ra thế. Chẳng phải ở miền Tây cũng có người dân dụ cá về nuôi ngay ở trên sông? Chỉ có một điều khác biệt, trên sông Bến Đá toàn cá nhỏ, phong phú chủng loài. Dường như chúng cũng là những “cư dân” sinh sống nhiều đời trên dòng sông Vịnh.
Vâng! Viết sông Vịnh vì đây chính là một cái tên địa phương có tự rất lâu rồi. Dòng sông đã vào trong thơ của nhà thơ Vân An (tức chú Bảy Vạn An). Đấy là: “Dòng sông sùng sục uốn quanh/ Tre dại ken tay dựng luỹ thành/ Bờ sông ngang tàng dốc đứng/ Cổ thụ nghiêng mình bên vực thẳm hầm hinh/ Ôi người xưa, những cha anh đàng cựu/ Chọn đây làm cứ điểm chống Tây dương/ Thằng Tây đến dẫu thần công chưa kịp nổ/ Đã nghe sông núi chụp tinh thần!...”.
Cho cá ăn bên bậc tam cấp ở bến sông.
Những cảnh tượng hùng vĩ và hoành tráng của dòng sông này, may sao đã được một đoàn làm phim của HTV ghi lại vào năm 2013 trong phim “Vàm Cỏ Đông, dòng sông đời người”. Khi ấy, chỉ lên cách cầu Vịnh khoảng năm, bảy cây số, đoạn ngang qua các xã Hoà Hiệp và Tân Phong của huyện Tân Biên, đã thấy đôi bờ ngút ngàn tre. Có đoạn, tre ngả rạp chắn ngang dòng sông, phải rẽ lá cành cho ghe tiến tới. Lại có đoạn cao vợi bóng cổ thụ chênh vênh bên những hố hầm hinh hun hút mé bờ sông. Nơi nào vắng tre, lại thấy những vườn cao su chạy dài hút tầm mắt.
Lên tới gần chợ Tân Biên, mới thấy những vườn chôm chôm chín đỏ. Đoàn phim tới đây đã mệt, nên ghé bờ quay cảnh vườn cây và mua ăn thoả thích tại vườn. Cũng cần nói thêm rằng, đấy là một chuyến đi hiếm có.
Bởi sông Bến Đá có những nơi lòng sông nổi đá lên, mùa cạn không thể đi qua. Chỉ có thể đi suốt tuyến từ cầu Vịnh lên Cần Đăng vào mùa mưa lũ. Mùa này thường khi nước đổ rất mạnh, không phải là ghe máy công suất lớn, tay lái vững vàng thì chẳng dám đi. Vậy bầy cá trước bến dinh thờ “Quan lớn” thì sao?
Hỏi chị Phương Loan, người chịu trách nhiệm cho cá ăn hôm 9.8, chị bảo, lũ lên nước chảy xiết quá cá cũng bị trôi đi, nhưng ít ngày sau chúng lại về trước bến chờ người cho ăn. Chị Phương Loan cho biết, bầy cá về được khoảng 3 năm. Ban quản lý dinh thờ phân công người cho cá ăn mỗi ngày. “Cũng tốn kém không ít! Mỗi ngày hết chừng nửa bao thức ăn cho cá” (bao 25kg).
Sông Bến Đá nay (sông Vịnh xưa) là dòng sông gắn cùng những trang sử vẻ vang của người Tây Ninh chống giặc ngoại xâm. Đấy là dòng sông lớn thứ ba trên đất Tây Ninh, sau Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Sách Đặc điểm khí hậu - thuỷ văn tỉnh Tây Ninh (12.2020) ghi: “sông dài 84km, có chiều dài lưu vực 72km, diện tích lưu vực 1.060km2… Sông Bến Đá đổ vào sông Vàm Cỏ Đông ở tại vị trí…, cách cửa sông Vàm Cỏ 188km…”.
Vị trí ấy ở rất gần đoạn sông Vàm Cỏ Đông có tên là Vịnh Cù, nơi người dân lưu truyền câu chuyện có con tàu bị đắm trong một trận kịch chiến dưới thời nhà Nguyễn. Đến thời cách mạng, vào năm 1947 đoạn sông này là căn cứ địa đầu tiên của nhà in đầu tiên của cách mạng tỉnh Tây Ninh, in báo Dân Quyền- tiền thân của báo Tây Ninh (Truyền thống Báo Tây Ninh 1946-2010, sơ thảo, 2011).
Lịch sử Tây Ninh cũng ghi nhận trên dòng sông này nhiều chiến công đánh giặc hiển hách của cha ông ta, như: truyền thuyết về Quan lớn Trà Vong từ giữa thế kỷ 18; chuyện quan phủ Khâm Tấn Tường bất chấp lệnh bãi binh của triều vua Tự Đức năm 1862, dẫn quân lên lập cứ địa phủ An Cơ đánh Pháp; đến năm 1866 lại nổi lên phong trào của Trương Quyền và Pukompo với nhiều trận đánh khiến quân viễn chinh phải “thất đảm kinh hồn”.
Những năm kháng chiến chống Mỹ thì vùng thượng nguồn sông lại là căn cứ địa Bắc Tây Ninh nổi tiếng, nơi bám trụ kiên cường vững chắc của Bộ Chỉ huy cách mạng miền Nam là Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Xin kể luôn, ai từng đến các di tích này đều đã biết đến con suối Tiên Cô, hay suối Chor, đều là suối đầu nguồn của sông Bến Đá.
Đã từng có thời phong trào trồng cao su nở rộ bên đôi bờ sông. Cao su non cần được chăm bón và bảo vệ bởi phân bón, thuốc trừ sâu các loại. Chính điều này đã làm sông Bến Đá có nhiều năm ô nhiễm, không còn cá.
Năm 2013, trên hành trình từ cầu Vịnh đến Cần Đăng dài 35km, đoàn làm phim HTV chỉ gặp 3 chiếc ghe chài. Nay thì cá đã trở lại ở bến dinh Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Nghệ. Đấy có phải là báo hiệu của dòng sông dần được phục hồi hệ môi trường sinh thái? Dòng sông của văn hoá lịch sử, của thi ca; lại là nơi có cảnh quan hùng vĩ đầy bí ẩn kia, cho đến nay vẫn chỉ là “những tiềm năng du lịch ở tương lai”. Sông Bến Đá vẫn như nàng công chúa ngủ trong rừng, chờ người đánh thức một ngày mai.
Trần Vũ