Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với những đặc thù riêng về tự nhiên và xã hội, thị xã Trảng Bàng trở thành “điểm nóng” về dịch bệnh Covid- 19. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã vẫn đang nỗ lực phòng, chống dịch.
Test sàng lọc sàn lọc SARS- COv- 2 đợt 2 trên địa bàn phường An Tịnh (ảnh do Bí thư phường An Tịnh cung cấp)
Thị xã Trảng Bàng giáp với nước bạn Campuchia, TP. Hồ Chí Minh, hai tỉnh Bình Dương, Long An và hai huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu của tỉnh. Trảng Bàng có nhiều khu công nghiệp (KCN) như Trảng Bàng, Thành Thành Công, Linh Trung III, Phước Đông- Bời Lời với hàng chục ngàn công nhân trong, ngoài tỉnh đến tạm trú trong các khu nhà trọ, ký túc xá.
Với điều kiện như vậy, thị xã Trảng Bàng sớm trở thành địa bàn lây lan dịch bệnh Covid-19. Ngay từ gần cuối tháng 6, Trảng Bàng đã phát hiện 5 công nhân ở KCN Thành Thành Công dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khử khuẩn, cách ly y tế, truy vết, khoanh vùng đối tượng, nhưng vẫn không kiểm soát được dịch bệnh lây lan.
Bóc tách F0 từ các khu nhà trọ công nhân
Chỉ tính riêng kết quả xét nghiệm tổng sàng lọc vừa qua, đến 18 giờ ngày 8.9, qua phân tích xét nghiệm PCR, ở thị xã Trảng Bàng có đến 151 ca dương tính với SARS- CoV- 2-, cao hơn 10 lần so với đơn vị có số ca nhiều thứ nhì là huyện Tân Châu (15 ca). Trong đó, riêng ở phường An Tịnh có đến 143 ca.
Trước tình hình này, thị xã tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ở các khu nhà trọ, thành lập các tổ Covid cộng đồng để quản lý, theo dõi người ra vào nhà trọ, giám sát nhắc nhở không để xảy ra tình trạng qua lại, tụ tập trong các khu nhà trọ, kịp thời phát hiện báo cáo cơ quan y tế các truờng hợp có triệu chứng bệnh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Thị xã thường xuyên tổ chức phun khử khuẩn, test sàng lọc các khu nhà trọ để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, bóc tách ra khỏi cộng đồng.
Khu nhà trọ Thông Thảo- đang có 80 công nhân thất nghiệp sinh sống
UBND thị xã Trảng Bàng xây dựng kế hoạch giãn cách các khu nhà trọ trên địa bàn hai phường An Tịnh và An Hòa. Trong đó, tập trung thực hiện trước ở địa bàn phường An Tịnh để giãn cách ngay các khu nhà trọ tập trung đông người tạm trú và tiến hành xét nghiệm, phun khuẩn khử 3 ngàỵ một lần để kịp thời phát hiện, bóc tách hết các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng và cắt đứt nguồn lây.
Ông Nguyễn Minh Thuận- Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phường An Tịnh cho biết, trên địa bàn phường có 35 khu nhà trọ với hơn 30.000 ngàn công nhân tạm trú. Qua 3 đợt xét nghiệm nhanh Covid- 19, đã bóc tách được 284 công nhân F0 và đưa đi cách ly y tế tập trung.
Những công nhân còn lại áp dụng biện pháp giãn cách nhà trọ. Trước đây, một phòng trọ, có 4- 5 công nhân ở chung, hiện nay, phường An Tịnh chủ trương cho công nhân tách ra, mỗi phòng chỉ còn 2 người. Những công nhân dôi dư do tách ra, cho vào những phòng trọ còn trống của các khu nhà trọ.
“Hiện nay, các khu nhà trọ đều còn dôi dư khoảng 50% số phòng, chúng tôi tách công nhân từ các phòng khác cho ra các phòng trống này ở. Mục đích của việc làm này là để công nhân có không gian sống rộng rãi, thoáng mát hơn, nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh” - ông Thuận giải thích thêm.
Nhiều gia đình công nhân có con nhỏ, đang thất nghiệp trong các khu nhà trọ
Vận động mọi nguồn lực hỗ trợ cho công nhân
Tất cả những công nhân đang ở trong các khu nhà trọ hiện nay đều đang tạm nghỉ làm việc vì ảnh hưởng dịch Covid- 19. Thời gian qua, phường An Tịnh đã vận động được hơn 20 tấn gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ cho công nhân trong các khu nhà trọ. Phường An Tịnh còn phối hợp với Công đoàn Ban quản lý Khu kinh tế tặng 1.500 phần quà cho các khu nhà trọ trên địa bàn. “Đến nay, tùy hoàn cảnh của công nhân, mỗi phòng trọ đều đã nhận được 1- 4 phần quà” - ông Thuận khẳng định.
Đến thăm khu nhà trọ Thông Thảo ở phường An Tịnh, hiện đang có 80 công nhân sinh sống. Anh Nguyễn Anh Tuấn - 39 tuổi, quê ở An Giang, làm công nhân nhuộm vải ở một công ty trong KCN Trảng Bàng được 6 năm. Vợ anh cũng là công nhân ở KCN và Chế xuất Linh Trung III.
Hơn 2 tháng qua- từ khi xảy ra dịch Covid- 19 trên địa bàn phường, anh Tuấn được công ty cho tạm nghỉ việc, hai vợ chồng sống nhờ vào số tiền dành dụm và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. “Vừa rồi, em được phường An Tịnh tặng 10 kg gạo.
Cứ năm, ba ngày, phường đến tặng rau củ quả một lần. Hằng ngày, chúng em vẫn phải mua thêm những nhu yếu phẩm khác để dự trữ. Nói chung, tính đến thời điểm này thì đời sống tạm ổn, nhưng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì chắc sẽ gặp nhiều khó khăn” – anh Tuấn cho biết.
Chị Trần Thị Nhớ đã được điều trị khỏi bệnh khỏi bệnh Covid- 19 vừa được đưa về Trường tiểu học An Thới để tiếp tục theo dõi sức khỏe
Ở phường An Tịnh hiện còn hơn 50 công nhân từng nhiễm Covid- 19, đã được điều trị khỏi. Sau điều trị, số công nhân này chưa được công ty cho vào làm việc, khu nhà trọ cũng đang bị phong tỏa, không trở về sinh sống được. Chính quyền địa phương dùng Trường tiểu học An Thới (khu phố An Thới, phường An Tịnh) làm nơi tạm thời cách ly cho số công nhân này.
Hai vợ chồng chị Trần Thị Nhớ, quê ở Sóc Trăng, đến làm công nhân may trang phục xuất khẩu ở KCN và Chế xuất Linh Trung III được gần 3 năm. Vợ chồng chị có 2 người con gái, một bé 6 tuổi và bé còn lại 3 tuổi. Gần một tháng trước, trong khu nhà trọ nơi vợ chồng chị ở, có công nhân bị bệnh Covid- 19, vợ chồng chị và hai người con có tiếp xúc nên đều bị lây nhiễm.
Sau thời gian điều trị ở Bệnh viện dã chiến An Hòa 1 (phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng), nữ công nhân 28 tuổi này được xuất viện và được đưa về Trường tiểu học An Thới để tiếp tục theo dõi. Chị Nhớ khoe: “Hiện tại, sức khoẻ của em rất tốt. Chiều nay, chồng và hai đứa con cũng được xuất viện và cũng được về đây”. Chị Nhớ cho biết thêm, ở đây, trong mỗi phòng học được bố trí ở 6 người, được chính quyền địa phương tài trợ ăn, uống đầy đủ, miễn phí. Buổi sáng tập thể dục và phơi nắng ngoài sân trường để tăng sức đề kháng.
Ông Trần Anh Minh - Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống dịch, nhưng đến nay địa phương vẫn là “điểm nóng” dịch bệnh. Hiện Trảng Bàng có 18.700 công nhân thất nghiệp ở trong các khu nhà trọ, chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ số công nhân này.
Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, hỗ trợ thêm cho thị xã Trảng Bàng về nhân lực, vật tư, sinh phẩm để thực hiện kế hoạch giãn cách các khu nhà trọ. Đồng thời quan tâm, ưu tiên hỗ trợ vaccine để tiêm cho công nhân, nhằm sớm khống chế được dịch bệnh, khôi phục sản xuất.
Đại Dương