Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Theo dòng thời sự
“Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy thành cơ”
Thứ sáu: 00:34 ngày 13/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với các tập đoàn kinh tế sáng 12.3.

Co.opMart Tây Ninh bảo đảm cung cấp đủ hàng hoá cho người dân. Trong ảnh, gian hàng mì gói, phở gói... tấp nập người mua. Ảnh: Ngọc Bích

Theo Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, lương thực, thực phẩm, công nghiệp đã có cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ về việc hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu.

Phải có thắng lợi kép

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch. Việt Nam có 800 ngàn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Lúc này, các doanh nghiệp, tập đoàn cùng cán bộ, công nhân lao động là các “pháo đài” trong phòng, chống dịch.

Các doanh nghiệp, với hàng ngàn lao động, cần có biện pháp chống dịch ở đơn vị mình và cho cả công nhân của mình. Đó chính là góp phần vào nỗ lực chống dịch của cả nước. Hiện nay, nhiều đơn vị đã làm tốt công tác này như ứng dụng công nghệ 4.0 trong điều hành, giảm bớt họp hành, quan tâm đến đời sống người lao động.

Về phía chính phủ, Thủ tướng chia sẻ, hiện nay chúng ta có đầy đủ bệnh viện dã chiến, các phương tiện, thiết bị cần thiết để chữa trị cho người dân, cho người cách ly. “Tôi đã tuyên bố bảo đảm hàng hoá, nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân dân, không để thiếu hàng, tăng giá”. Thủ tướng cũng cho biết, ông vừa đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế tập trung cứu chữa cho bệnh nhân Covid-19, không để có người tử vong.

Trước thông tin cho rằng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất, Thủ tướng đề nghị: "Chúng ta phải đón bắt thời cơ này. Như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy thành cơ. Một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ khi chúng ta đã qua đại dịch. Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển”.

Cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi

Hầu hết các tập đoàn kinh tế tham dự cuộc họp đều thể hiện đồng tình thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đề ra: Vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Về mục tiêu đầu tiên, các doanh nghiệp cho biết, rất tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ và đã nhanh chóng có kịch bản ứng phó, để khi dịch xảy ra thì không bị thất thủ.

Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đánh giá các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết, bởi: “chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, mới đi du lịch”, như ý kiến của đại diện Công ty Vietravel.

Hiện sức nén tâm lý trong dịch rất lớn nên sau dịch, cần có biện pháp truyền thông “giải toả tâm lý”- doanh nghiệp này góp ý. Cùng quan điểm, một số ý kiến cho rằng, ổn định tâm lý là điều quan trọng, cần chống tâm lý hoang mang, lo lắng bởi cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi.

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ… Chính phủ cần rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”, như kiến nghị của đại diện Tập đoàn Vingroup.

Ủng hộ chính sách của Nhà nước coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đề nghị Chính phủ quan tâm ưu đãi đầu tư cho các dự án du lịch, nhất là các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này khẳng định, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, như lò xo bị nén lại, nay bật lên.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cho rằng, các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết - nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh.

Cần cố gắng gấp ba

Bày tỏ sự trân trọng các ý kiến của doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa để làm sao có chính sách tốt hơn, phù hợp hơn với tinh thần tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Thủ tướng nêu rõ: chống dịch, chống suy thoái xã hội, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, chống thất nghiệp, bảo đảm kinh tế vĩ mô là những yêu cầu đặt ra chứ không phải tập trung riêng một khía cạnh nào.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để kinh tế suy thoái, mọi người thất nghiệp, khó khăn. Thủ tướng nhất trí cho rằng, nhân dịp này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận. Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Chính phủ cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn. Cần chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân, làm sao bảo đảm nhu yếu phẩm, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào là yêu cầu của Chính phủ đối với doanh nghiệp.

Thủ tướng tuyên bố sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu. Thủ tướng nhấn mạnh: “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta cần phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta”.

Lê Duy (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục