Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
“Con chờ mẹ về để làm giấy khai sinh cho con”
24/05/2019 - 19:40

(BTNO) - Đó là tâm sự đầy nước mắt của cháu T.M.Q, hiện ngụ tại ấp Phước Đông, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu.

Theo ông bà ngoại và dì ruột của cháu Q. trình bày, chị H., mẹ của cháu Q. lấy chồng Đài Loan, năm 2006 cháu Q. được sinh ra tại Đài Loan. Sau khi sinh, chị H. đã khai sinh và nhập quốc tịch cho cháu tại nước này. Thời gian sau đó, chị H. cùng con trai về Việt Nam thăm ông bà ngoại tại địa chỉ trên và ở lại, không quay về nhà chồng nữa. Không lâu sau, chồng chị H. qua đời.

Q. thường hay ngồi nhìn ra đầu ngõ trông mẹ về.

Tại xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, chị H. đã có thêm hai đời chồng và bốn đứa con. Chị đang sinh sống ở đâu thì đến cả cha mẹ ruột của chị cũng không biết, bởi thỉnh thoảng chị liên lạc một chiều về gia đình rồi lại mất biệt.

Riêng cháu Q., nhiều năm qua, chị H. đã bỏ lại cho ông bà ngoại và dì ruột nuôi nấng. Đến tuổi đi học, Q. không làm được giấy khai sinh tại Việt Nam, thủ tục nhập học gặp khó khăn, người thân của cháu đành năn nỉ nhà trường cho cháu “học gửi” để biết chữ rồi tới đâu hay tới đó.

Thời gian trôi qua, cháu Q. ngày càng thêm tuổi, nhưng năm nào ông bà ngoại và dì ruột cũng năn nỉ nhà trường cho cháu được tiếp tục theo học. “Thật ra, vấn đề mà chúng tôi lo lắng và trăn trở là em T.M.Q có quốc tịch nước ngoài, không có giấy khai sinh tại Việt Nam, mọi thủ tục liên quan đến việc học của em phải giải quyết sao đây? Ví dụ như chuyện cấp bằng hay chế độ bảo hiểm y tế… Việc học của em sẽ đi đến đâu nếu tình trạng này vẫn cứ mãi kéo dài? Trong khi em Q. là học sinh chăm ngoan, học lực khá giỏi, năm nay em chuẩn bị chuyển cấp lên lớp 6”- ông Nguyễn Văn Trong, Hiệu trưởng Trường tiểu học Suối Cao (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) cho hay.

Cán bộ Tư pháp xã Phước Thạnh góp ý, “nếu mẹ của cháu Q. xác định cho cháu ở luôn tại Việt Nam thì nên dành ít thời gian quay về thực hiện các thủ tục cần thiết để cháu chính thức trở thành công dân Việt Nam. Trong các bước thủ tục có liên quan, không thể thiếu vai trò giám hộ và chữ ký của người mẹ”.

Chúng tôi hỏi cháu Q., “con có nhớ mẹ không”, cháu trả lời, “con thường hay ngồi trước cửa nhìn ra đầu ngõ trông mẹ về, con cũng đang cần mẹ làm giấy khai sinh cho con được học tiếp lên lớp lớn hơn!”.

Ông Võ Xuân Biên- Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp Tây Ninh cho biết, trên toàn tỉnh hiện có 109 trường hợp trẻ em đang định cư có liên quan đến yếu tố nước ngoài nhưng không thể làm được giấy khai sinh tại Việt Nam, dẫn đến bất cập trong việc học hành của trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ đã nhập quốc tịch nước ngoài, sau đó cha mẹ không còn sống chung, mẹ tự ý mang con về ở luôn tại quê hương, hoặc cha mẹ vẫn còn sống chung và làm việc tại nước ngoài nhưng gửi con về Việt Nam cho người thân hoặc gia đình chăm sóc, nuôi dạy.

Ông Biên còn cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, muốn làm được giấy khai sinh cho các em tại Việt Nam thì phải tiến hành thủ tục “thôi quốc tịch” tại nước mà trước đó các em đã nhập quốc tịch. Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, việc “thôi quốc tịch” như đang đề cập thật không hề đơn giản. Sở Tư pháp cũng đã có văn bản gửi về Bộ Tư pháp xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết đối với những trường hợp nêu trên.

Minh Quốc

Tin liên quan