Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tối 26/7, cầu truyền hình trực tiếp “Dáng đứng Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ được thực hiện tại 4 điểm cầu: tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Khu di tích Lịch sử quốc gia 27-7 (Thái Nguyên), Thành cổ Quảng Trị, Bến Dược – Củ Chi (TPHCM).
Trong cuộc kháng chiến vĩ đại giành lại nền độc lập cho dân tộc, hàng triệu người trở về với những vết thương trên da thịt, hàng triệu người đã ngã xuống. Trong số đó có những người ra đi không để lại một bức thư, một tấm ảnh, chỉ để lại những khoảng trống vô tận trong trái tim những người ở lại.
Xác định đây là chương trình trọng điểm quốc gia nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, trực tiếp Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh chỉ đạo chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan chỉ đạo sản xuất và lên ý tưởng kịch bản, ê-kip Ban Thanh thiếu niên sản xuất; Đạo diễn Phạm Hoàng Nam chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sĩ Trần Ly Ly biên đạo múa.
Ý tưởng xuyên suốt trong cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ "Dáng đứng Việt Nam' được gói trong từ khóa "danh tính".
Theo Nhà báo Tạ Bích Loan, người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, sở dĩ những người thực hiện chương trình chọn từ khóa này là bởi khi những người chiến sĩ hành quân, tất cả họ hòa vào cùng đoàn quân tiến ra tiền tuyến để bảo vệ Tổ quốc.
Như Bác Hồ nói, họ đã làm thành một con đê ngăn những đợt lũ xâm lăng. Và khi họ mất đi, có những người có tên trên bảng ghi danh, nhưng cũng có người vô danh, chẳng để lại gì về bản thân. Vậy chúng ta, những thế hệ đi sau, có thể làm gì để tìm lại, ghi nhớ lại những công lao, những đóng góp của các thế hệ những anh hùng đó.
Và chủ đề chính của chương trình cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” một lần nữa khẳng định: thế hệ người Việt Nam hôm nay không bao giờ quên những công lao to lớn ấy. Ngọn lửa của lòng yêu nước được hun đúc, truyền lại từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.
Nguồn Báo SGGP