Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Người Tây Ninh qua ca dao, dân ca địa phương
* Dấu ấn ngôn ngữ của đời sống
Thứ ba: 03:00 ngày 15/09/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong ca dao dân ca Tây Ninh, những từ ngữ trong vốn từ chung được gọi theo cách của địa phương không phải là ít. Có thể kể ra hàng loạt trường hợp có tần số xuất hiện khá cao trong các bài ca dao khác nhau: ngó, chưng, ráng, ẵm, cưng, hun, ghé vô, ghẹo, dơ, sình, trọng, đặng, tợ, chén, rủi, mắc cỡ, xụi lơ, nói dóc, nói xạo, nín khe... Câu ca dao thấm đẫm chất Nam bộ qua từ ngữ được dùng:

Ngôn ngữ là phương tiện không thể thiếu trong giao tiếp của đời sống hằng ngày. Từ mấy trăm năm nay, những người dân lao đông ở Tây Ninh đã dùng nó để gửi gắm, giãi bày tâm tư tình cảm, phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu… của chính mình.

Từ ngôn ngữ địa phương được thể hiện trong ca dao dân ca của người Tây Ninh, chúng ta cảm nhận được dấu ấn của thế hệ đi trước. Đó là những con người chân thật, mộc mạc, giản dị với cá tính bộc trực, thẳng thắn nhưng cũng rất tinh tế, khéo léo trong việc ứng xử trong đời sống hằng ngày.

Ngôn ngữ đã đi vào lời ca điệu hát góp phần làm lung linh thêm những hạt ngọc tinh thần của những tâm hồn người dân ở vùng đất biên cương đầy nắng gió này.

Khi khảo sát việc sử dụng ngôn ngữ, có thể tiến hành trên nhiều bình diện khác nhau: ngữ âm, từ vựng- ngữ nghĩa, ngữ pháp và các biện pháp tu từ... Trong một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ trình bày một số biểu hiện về mặt ngữ âm, từ vựng và cách diễn đạt.

Ca dao, dân ca của người Kinh ở Tây Ninh sử dụng tiếng Việt làm phương tiện biểu đạt. Tiếng Việt là một ngôn ngữ có tính thống nhất cao. Tuy nhiên giữa các vùng miền vẫn có những sự khác biệt nhất định.

Theo cách phân chia có tính truyền thống, Tây Ninh thuộc phương ngữ Nam bộ, trong cách phát âm thường có sự lẫn lộn giữa các phụ âm đầu d/v, các phụ âm cuối: t/c, n/ng và có rất nhiều hiện tượng biến hoá ngữ âm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này được thể hiện khá rõ trong văn bản do nhóm sưu tầm và biên soạn thuộc Sở Văn hoá- Thông tin thực hiện năm 2005.

Đọc ca dao dân ca Tây Ninh, chúng ta không quá khó để nhận ra những biểu hiện về “lỗi” phát âm của địa phương. Một cô gái có người yêu là “người Huế”, trước khi chia tay để người ta về thăm quê, cô dặn:

Anh dìa ngoài Huế lâu dô

Anh hoạ bức thư đồ để lại em xem.

Còn cô gái than thân trách phận không tự chủ được quyết định của mình trong tình yêu, hôn nhân:

Thân em như con cá ở đìa

Kẻ qua người lại biết dìa tay ai.

Những trường hợp phát âm lẫn lộn giữa t/c cũng không phải là hiếm:

Bắt to bắt nhỏ kệ cha

Chọt rút chọt riết đặng mà chạy theo

Nhưng nhiều nhất, phổ biến nhất vẫn là sự lẫn lộn n/ng. Chúng tôi thống kê có hơn bốn mươi lượt có biểu hiện này:

Trời vàng tứ phía cũng vàng

Để coi cây quế ngả tàng về đâu.

Hoặc:

Đêm đông lạnh trong sương sầu bạn

Ngẩn nhìn trăng vừa cuối hiên tây

Tuy không nhiều nhưng cách phát âm lẫn lộn  ô/ơ cũng xuất hiện:

Đặng chim quên ná

Đặng cá quên nôm

Trong phương ngữ Nam bộ, hiện tượng biến âm diễn ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều trong ca dao dân ca Tây Ninh. Có đến hàng trăm lượt có biến âm như:  được- đặng, phượng- phụng, cảnh- kiểng, nhân- nhơn, sinh- sanh, bảo- biểu, nhật- nhựt, thật- thiệp, hợp- hiệp, tính- tánh, cương- cang, nghĩa- ngãi, ngỡi, ơn-ân, miếu- miễu… Tình cảm của một cô gái dành cho chàng trai theo năm tháng được cô bộc bạch:

Con cá nằm mờ xa con cá xoè đuôi phụng

Chớ em mắc máng thương chàng ngày lụn tháng qua.

Mạnh dạn hơn, cô gái mượn lời con chim điểu nói chuyện với con chim quỳnh để khẳng định tình yêu sâu đậm của mình:

Con chim điểu nó biểu con chim quỳnh

Biểu to biểu nhỏ hai đứa mình thương nhau.

Hoặc:

Kiểng trên lầu dội đổ leng keng lắc cắc

Kiểng ngoài Bắc anh dội dổ tang tình...

Đặc biệt hơn, có rất nhiều trường hợp biến âm, không thấy xuất hiện trong mấy chục năm gần đây nhưng lại xuất hiện khá nhiều trong nhiều bài ca dao như gá duyên- gá dơn, đoạt- đạt, thu thành- thâu thành, thuyền- thoàn, tường- tàng... có lẽ vài trăm năm trước, đây là cách phát âm khá phổ biến của người Tây Ninh?

Người con gái thề bồi cùng người yêu của mình:

dơn cũng muốn cùng anh trọn đời

Còn người con trai thì cũng thể hiện quyết tâm:

Anh cũng muốn ra đạt luỹ thâu thành

Hoặc người con gái ướm hỏi bạn trai của mình:

Tam cang em hỏi bạn chung thoàn

Rủi chẳng may sóng gió lớn chìm thoàn anh vớt ai?

Nhưng đặc sản của ngôn ngữ Nam bộ nói chung, trong đó có Tây Ninh để lại ấn tượng khá rõ đối với người đọc là kiểu biến âm theo cách nhược hoá và bớt âm hay nhiều người gọi là cách rút gọn âm. Thay vì phải nói ông ấy, anh ấy, chị ấy, bà ấy, trên ấy, trong ấy... thì rút gọn lại chỉ còn ổng, bả chỉ, ảnh, trển, trỏng, bển...

Trăng rằm mười sáu trăng treo

Anh về ở bển mua heo nộp tài.

Cô gái thì thổ lộ:

Em hổng ham anh lớn đất rộng vườn

Ham vì nhơn nghĩa đạo cang thường anh xử xong

Có thể nói rằng, về mặt ngữ âm còn nhiều biểu hiện khá lạ, có những trường hợp chúng tôi chưa rõ nguyên nhân, chưa thể lý giải được. Xin được trao đổi trong một dịp khác.

Một biểu hiện khá rõ và cũng khá thú vị về dấu ấn ngôn ngữ địa phương trong ca dao dân ca Tây Ninh là về mặt sử dụng từ vựng ngữ nghĩa. Khảo sát khía cạnh này, chúng tôi thấy sự biểu hiện khá phong phú. Ở đây chúng tôi xin nêu ra một số hiện tượng tiêu biểu.

Trong ca dao dân ca Tây Ninh, những từ ngữ trong vốn từ chung được gọi theo cách của địa phương không phải là ít. Có thể kể ra hàng loạt trường hợp có tần số xuất hiện khá cao trong các bài ca dao khác nhau: ngó, chưng, ráng, ẵm, cưng, hun, ghé vô, ghẹo, dơ, sình, trọng, đặng, tợ, chén, rủi, mắc cỡ, xụi lơ, nói dóc, nói xạo, nín khe... Câu ca dao thấm đẫm chất Nam bộ qua từ ngữ được dùng:

Giận ai cái mặt chằm vằm

Cái môi xề xệ, cái cằm xụi lơ

Nhiều từ ngữ chỉ những sản vật, đặc điểm của địa phương cũng xuất hiện khá nhiều trong ca dao, tạo nên sắc thái vùng miền rõ nét như: cà na, ky (sọt, rỗ), bưng, giồng, tu rên, xịa, nhạu, chà chiên.

Nước ròng chảy xuống Nam Vang

Cà na chín rụng thiếp chàng ăn chung

Và cũng có những từ ngữ, chúng tôi cũng chưa xác định được nghĩa của chúng như vê đơ, mỏn hơi, khả đẩu, trà phô, nhạu (nhạo)...

Một hiện tượng đáng chú ý, theo cách nói của mình, các tác giả dân gian cũng đã tạo ra được một loạt từ láy mang sắc thái địa phương và có khả năng gợi cảm, gợi tả: tèng heng, linh đinh, lông phông, thanh thao, lưa cưa, điếm đàng, liềng xiềng, chần vần, quặn quịu... kiểu như Chàng thì đi nói liềng xiềng không ưng...

Sửa soạn theo kiểu điếm đàng... Ngồi buồn đặt chuyện lông phông... Nước sôi quặn quịu trong siêu... Nói liềng xiềng là nói như thế nào? Chuyện lông phông có phải là lông bông, chẳng đâu vào đâu?

Bên cạnh đó, đọc ca dao dân ca Tây Ninh chúng ta cũng bắt gặp cách dùng từ mang đậm chất vùng miền của người Nam bộ. Đó là cách dùng các ngữ khí từ cuối câu như  nghe, nghen, nè, vầy, hoài hoài..

- Trồng tre thì thả nên tre

Vợ chồng sum hiệp, anh nghe em

- Bây giờ em tính như vầy

Anh có thương em nói thiệt đặng để lỡ làng nghe anh

- Tình xưa nghĩa cũ nhớ nhau hoài hoài...

Ngoài ra có nhiều trường hợp, có lẽ do việc sưu tầm, biên tập chưa kỹ nên có những sai sót không tuân theo quy luật mà khi tiếp xúc, người đọc có thể nhận ra: bủn sỉn/ bủn xỉn, sanh cây/xanh cây, bạt áo/ bạc áo...

NGUYỄN VĂN DUNG

(còn tiếp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục