Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng kết công tác Báo chí năm 2016:
“Điểm mặt, chỉ tên” nhiều hành vi quan liêu, tham nhũng…
Thứ hai: 15:38 ngày 23/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thông qua báo chí, nhiều nhân tố điển hình tiên tiến, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước đã được phát hiện, nhân rộng điển hình; đồng thời, những hành vi sai trái, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội... cũng được báo chí “điểm mặt, chỉ tên”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời câu hỏi của báo chí sau phiên bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Đ.H.T

Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đến dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng hơn 650 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ; lãnh đạo các Sở Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Theo báo cáo, năm 2016 là năm Việt Nam có nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Là năm mở đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; đặc biệt việc Quốc hội thông qua Luật Báo chí năm 2016 với nhiều điểm mới, cùng lúc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam là những sự kiện hết sức quan trọng trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, thu hút sự quan tâm của giới báo chí, dư luận trong nước và quốc tế...  Trên bình diện quốc tế, xu hướng hoà bình, hợp tác là chủ đạo, nhưng tình hình an ninh chính trị vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình biển Đông dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Trước thực trạng đó, cộng thêm xu hướng toàn cầu hoá thông tin và bùng nổ truyền thông xã hội, khó khăn của báo in... đã tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí, thông tin báo chí và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí.

MỘT NĂM NHIỀU THÀNH TÍCH VÀ KHÔNG ÍT HẠN CHẾ

Trong năm 2016, báo chí Việt Nam về cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Báo chí đã tuyên truyền có hiệu quả, chất lượng, góp phần vào thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XII; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; tuyên truyền đậm nét và tích cực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là nghị quyết Đại hội XII; đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Báo chí đã thông tin, phản ánh kịp thời toàn diện về những sự kiện quan trọng, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; đã chủ động khai thác, tuyên truyền, phản ánh đậm nét các giải pháp điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Một số nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước chỉ đạo đã được báo chí thông tin, phản ánh khách quan, thận trọng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Thông qua báo chí, nhiều nhân tố điển hình tiên tiến, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước đã được phát hiện, nhân rộng điển hình; đồng thời, những hành vi sai trái, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội... cũng được báo chí “điểm mặt, chỉ tên”.

Đặc biệt, báo chí đã tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống diễn biến hoà bình, phản đối những luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Bên cạnh đó, trong năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức những hoạt động chia sẻ khó khăn với đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế. Hầu hết đều là những hạn chế kéo dài nhiều năm vẫn chưa được khắc phục như thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng đã được quy định trong giấy phép; thông tin phiến diện, không cân bằng; thông tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục... gây cảm giác nặng nề u ám trong đời sống xã hội, gây phản cảm đối với người đọc.

Năm qua, dạng sai phạm về thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, không phù hợp với lợi ích đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn xảy ra trên một số báo chí, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, làm tổn hại đến lợi ích đất nước. Thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các hành vi vi phạm của báo chí, điển hình như vụ thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín, thông tin về vụ việc cậu bé học lớp 6 ở Gia Lai tự tử...

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng vi phạm quảng cáo, như quảng cáo quá tính năng, tác dụng của sản phẩm, quảng cáo sản phẩm chức năng có nội dung không rõ ràng gây hiểu lầm đó là sản phẩm thuốc... Và còn có những vi phạm về bản quyền trên báo chí. Đặc biệt, nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp để gây áp lực với động cơ không lành mạnh, thậm chí doạ dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Hiện tượng này nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây mất lòng tin của nhân dân đối với báo chí, ảnh hưởng xấu đến uy tín của những người làm báo chân chính.

XỬ PHẠT BÁO CHÍ- “SỰ ĐAU LÒNG CẦN THIẾT”

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phản biện, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó thể hiện sự gắn bó của báo chí với hoạt động của Chính phủ. Ông cảm ơn sự đồng hành của báo chí và chia sẻ những khó khăn, thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay. Ông cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí và phải chủ động, thích ứng với việc xử lý sự cố thông tin một cách nhạy bén, kịp thời. Phó Thủ tướng nhắn nhủ: “Tôi mong rằng, báo chí nước nhà sẽ luôn giữ được lòng tin của cộng đồng, của xã hội và của nhân dân. Điều này vô cùng quan trọng, vì khi báo chí chính thống lên tiếng thì luồng thông tin sai lệch sẽ giảm đi”.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, năm 2016, báo chí tiếp tục được sự ủng hộ và quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Ông đánh giá cao sự vào cuộc “chủ động và chu đáo” của báo chí trong nhiều sự kiện của đất nước, và nhấn mạnh, năm 2016 là năm báo chí đã nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng khích lệ, qua đó đóng góp vào thành tựu chung của Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động báo chí còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục, nhiều hành vi sai phạm dẫn đến việc bị cơ quan chức năng xử lý. Ông đánh giá “cơ quan quản lý Nhà nước có tiến bộ bước đầu trong công tác quản lý xử lý nghiêm đối với các sai phạm của báo chí. Việc xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí truyền thông”. Ông cũng cho rằng, đây mới chỉ là tiến bộ bước đầu, mới xử lý những sai phạm nổi bật, còn rất nhiều sai phạm khác chưa kịp xử lý.

Các lãnh đạo trao đổi bên lề hội nghị.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ những thông tin dự báo về tình hình thế giới và trong nước, trong đó ông nhấn mạnh đến những thách thức của báo chí Việt Nam trong năm 2017, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng công nghệ số hoá, dẫn đến sự phát triển công nghệ làm báo, công nghệ truyền tin, tiếp cận, chia sẻ thông tin... Nhìn chung, công nghệ số hoá sẽ tác động mạnh mẽ đến những người làm báo. Ông đề nghị các cơ quan báo chí phải đổi mới mô hình quản lý toà soạn phù hợp với tình hình mới. Đội ngũ phóng viên cũng phải liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ và kỹ năng làm báo hiện đại.

Về nhiệm vụ sắp tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí nhanh chóng khắc phục những hạn chế, thiếu sót; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII vào cuộc sống, thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí 2016 và Quy định đạo đức người làm báo; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội; chính sách, pháp luật và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế. Bám sát tình hình thời sự trong nước và thế giới để kịp thời tuyên truyền, phản ánh; đặc biệt là những sự kiện quan trọng.

Báo chí phải tiếp tục là lực lượng nòng cốt, quan trọng, thực hiện tuyên truyền đấu tranh phản ánh các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch.  Chủ động đấu tranh, phê phán mạnh tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí.

THANH NAM

Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền 139 trường hợp với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Chủ yếu là sai phạm về thông tin sai sự thật. Quyết định đình bản tạm thời 3 tháng đối với 4 trường hợp cơ quan báo chí có sai phạm. Thu hồi thẻ nhà báo đối với 13 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật. Hội Nhà báo Việt Nam xoá tên 313 hội viên vì những lý do khác nhau; khai trừ 2 hội viên vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh