Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Độ” xe- thú chơi trái pháp luật và tiềm ẩn mất an toàn giao thông
Thứ bảy: 15:24 ngày 09/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các loại xe được giới trẻ sử dụng để thay đổi kết cấu thường là các dòng xe thông dụng như Exciter, Wave, AirBlade… Với L.C.Q, anh cho rằng cần yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Một tiệm bán đồ chơi xe máy trên địa bàn TP. Tây Ninh (ảnh minh hoạ).

Gần đây, việc thay đổi kết cấu xe máy (hay “độ” xe) đang diễn ra phổ biến. Không hiếm thấy hình ảnh những chiếc xe máy được thay đổi về hình dáng, đèn chiếu sáng… xuất hiện khắp các con đường, ngõ hẻm trên địa bàn tỉnh, bất chấp “thú chơi” này là trái quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. 

 

THÚ CHƠI TỐN KÉM…

Theo những người chuyên chơi độ xe, việc thay đổi hình dạng xe so với nguyên bản, để chứng minh sự khác biệt, nổi bật hay sành điệu trước đám đông. Vì thế, nhiều thanh niên không ngần ngại đầu tư cả chục triệu đồng để “độ” xe.  

Ðây là một thú chơi không dành cho những người ít tiền, vì chi phí để “độ” một chiếc xe đôi khi gấp mấy lần giá trị ban đầu của nó. Chẳng hạn như một chiếc Exciter 150 mới có giá khoảng hơn 45 triệu đồng, nhưng khi được “độ”, sẽ thay đổi diện mạo từ vóc dáng, đến tiếng máy, pô… Số tiền “độ” xe có thể gấp 2 lần tiền mua 1 chiếc xe mới. 

Anh L.C.Q, ngụ huyện Châu Thành chia sẻ, với giới “độ” xe chuyên nghiệp, xe “độ” thể hiện phong cách chứ không chỉ để “khoe” sức mạnh hay tốc độ. Trước đây, dân “độ” xe chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ trên xe cho đẹp như màu sơn, lắp vành, bọc lại yên, lắp đèn trang trí... Gần đây, nhiều người có xu hướng chơi xe theo phong cách riêng, cá tính hơn.

Các loại xe được giới trẻ sử dụng để thay đổi kết cấu thường là các dòng xe thông dụng như Exciter, Wave, AirBlade… Với L.C.Q, anh cho rằng cần yếu tố an toàn lên hàng đầu. 

Ðể sử dụng các sản phẩm độc, tốt, an toàn và lâu dài thì phải mua hàng xách tay từ Mỹ, Nhật… nhưng giá thường khá cao, có món hàng lên đến vài chục triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều người chơi xe thường sử dụng các mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan, vì hợp lý về cả chất lượng lẫn giá cả.

Dạo quanh các tuyến đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám (TP.Tây Ninh)… có khá nhiều điểm công khai độ xe máy, bán đồ chơi cho xe.

Theo chủ một cửa hàng chuyên bán đồ chơi xe máy trên đường Võ Thị Sáu (TP.Tây Ninh), khách hàng tìm đến hầu hết là giới trẻ. Hiện nay, các mặt hàng có nguồn gốc từ Thái Lan thường được ưa chuộng, vì nó đẹp, bền.

Một chiếc xe vừa mới được “độ”.

…VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT

Với gần 20 năm trong nghề sửa xe, anh N.V.H cho biết, “độ” xe hầu hết đều vì sở thích, niềm đam mê. Theo anh, phụ tùng xe được thay đổi có tốt đến mấy cũng không thể bằng đồ chính hãng.

Khách hàng của anh N.V.H chủ yếu là những thanh niên trẻ, thích điều khiển xe phân khối lớn, thường xuyên đến “độ” lại xe để tạo dấu ấn riêng của bản thân.

Khi gặp những trường hợp đó, anh đều tư vấn cho khách hàng về vấn đề “độ” xe trong giới hạn an toàn cũng như khả năng được phép lưu thông trên đường. Nếu thay đổi quá lớn về kết cấu và máy móc, xe không thể bảo đảm an toàn khi vận hành.

“Nếu chỉ thay thế một số chi tiết, phụ kiện bên ngoài thì không sao, nhưng, nếu tự ý thay đổi kết cấu, cấu tạo của xe như làm lại hơi để tăng công suất động cơ, thay đèn, thay lốp, thay bình xăng con lớn hơn... sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông. Chưa kể một số thay đổi khác như thay đổi màu sơn, tạo dáng kỳ quái… đều bị cấm”, anh N.V.H chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm 2018 đến ngày 16.4, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt 145 trường hợp thay đổi kết cấu xe.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 46/2016/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rất rõ về mức phạt, hình thức xử lý đối với việc chủ phương tiện tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, Ðiều 30 Nghị định 46 quy định phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng đối với cá nhân, 200.000 đồng - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe.

Ngoài ra, còn phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng - 2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước và đặc tính của xe. 

Quy định là vậy, nhưng trong thực tế, rất ít trường hợp hiểu rõ về luật và các mức xử phạt theo quy định. Ðồng thời, việc xử lý các trường hợp vi phạm lỗi thay đổi kết cấu xe còn chưa được thực hiện chặt chẽ, nên tình trạng vi phạm còn phổ biến.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

Tin cùng chuyên mục