Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Du mục” trồng dưa hấu
Thứ ba: 14:23 ngày 27/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người theo nghề trồng dưa có năm lời, năm lỗ. Thế nhưng, những hộ gia đình bên tỉnh Bình Phước qua tỉnh Tây Ninh trồng dưa luôn xác định đây là cái nghiệp mưu sinh.

Ông Nguyễn Văn Được chỉnh ống tưới luống để chuẩn bị trồng dưa hấu.

Trong những năm qua, nhiều hộ dân ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước rủ nhau sang tỉnh Tây Ninh mượn đất trống của các nông trường cao su mới thanh lý cây để lên luống trồng dưa hấu. Diện tích được các hộ dân này trồng dưa lên đến hàng trăm héc-ta, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Được (ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), trồng 18 ha dưa hấu tại khu vực đất thuộc Nông trường cao su Đồng Rùm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện có khoảng 18 hộ gia đình từ Bình Phước qua đây liên hệ với Nông trường để mượn đất trồng dưa hấu.

Diện tích trồng dưa nằm ở hai khu vực: khu vực đất trống có diện tích khoảng 115 ha, khu vực còn lại hơn 100 ha thì Nông trường đã trồng lại cao su. Nông trường cho người dân mượn đất trồng một vụ dưa ngắn hạn. Ngay sau khi thu hoạch dưa, người mượn đất phải cày và xử lý mặt bằng trả lại hiện trạng đất ban đầu cho Nông trường.

Theo ông Được, việc trồng dưa phải đầu tư nhiều phân bón, nguồn nước tưới để giữ độ ẩm cho dưa, xử lý cỏ dại, đất tơi xốp… nên sau khi thu hoạch vụ dưa thì đến lượt cây cao su của Nông trường phát triển tốt. Người dân chọn thời điểm trồng dưa hấu trong mùa nắng để có thể chủ động điều tiết nguồn nước tưới, nếu trồng vào mùa mưa sẽ khó kiểm soát được lượng nước tồn đọng gây chết dưa.

Tuy nhiên, tại vùng đất này vào thời điểm hiện nay thì việc khoan giếng để tìm nguồn nước tưới gặp nhiều khó khăn. Giếng khoan phải đạt độ sâu đến vài chục mét, thậm chí phải đào hố sâu từ 3-5m theo giếng để hạ độ cao máy bơm mới hy vọng bơm được nguồn tưới ổn định. Việc này phát sinh nhiều chi phí đầu tư, trong khi khoan giếng không phải cái nào cũng tìm đúng mạch nước đủ mạnh.

Ông Nguyễn Văn Son- cũng là một hộ dân từ tỉnh Bình Phước qua trồng dưa hấu tại Nông trường cao su Đồng Rùm cho hay, trồng loại cây này rất cực công, phải làm việc từ sáng sớm đến chiều tối. Trong khi dưa được trồng trên diện rộng nên cần rất nhiều nhân công.

Do vậy, người trồng dưa hầu hết đều đi cả gia đình, đồng thời phải huy động thêm nguồn nhân công cùng đi theo để đáp ứng kịp thời khối lượng công việc. Mặc dù vậy, nhân công vẫn không đủ nên người trồng dưa phải thuê thêm người lao động tại địa phương huyện Tân Châu. Giá tiền thuê nhân công dao động từ 35 đến 45 ngàn đồng/giờ, tuỳ theo công việc. Có ngày, tại khu đất khoảng 115 ha, nhân công lao động lên đến vài chục người.

Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 18.2, các chủ dưa và nhân công từ tỉnh Bình Phước qua đây chọn giải pháp cất lều tạm ở tại chỗ hoặc gần nơi trồng dưa. Mọi ăn uống và sinh hoạt hằng ngày đều diễn ra tại đó, tất nhiên với hoàn cảnh như vậy thì khó tránh khỏi những khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt. Riêng nguồn nhân công tại địa phương thì sau ngày làm việc họ sẽ về nhà, do tiền công được trả theo giờ nên đa số người lao động đều cố gắng làm việc đến khi trời tối.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, những người từ tỉnh Bình Phước qua xã Tân Thành trồng dưa hấu đều chăm chỉ làm việc và về lán trại nghỉ ngơi, bảo đảm tốt an ninh trật tự tại địa phương.

Thợ khoan giếng tranh thủ làm việc luôn cả buổi trưa.

Ông Trần Văn Hùng, cũng là một hộ dân bên tỉnh Bình Phước sang trồng dưa cho biết, người trồng dưa hấu có rất nhiều công đoạn cần phải thực hiện liên tục. Sau khi cày lên luống phải rải phân, đậy tăng, tranh thủ khoan giếng và âm máy bơm, bố trí hệ thống đường ống dẫn nước, tưới nhiều lần lên luống nhằm tạo độ ẩm trước khi bỏ hạt giống xuống đất tại lỗ tăng đã được đục sẵn, rải rơm để giữ độ ẩm và lót trái dưa sau này, phun thuốc diệt mầm cỏ…

Các công đoạn này phải được thực hiện nối tiếp nhau, nếu chậm trễ bất cứ một khâu nào sẽ ảnh hưởng đến công sức bỏ ra, chi phí phát sinh, tiến độ vụ mùa và năng suất của cây trồng. Vậy nên, người trồng dưa hầu như không có ngày rảnh, kể cả ngày lễ và tết cũng phải thường trực tại đám dưa.

Ông Nguyễn Văn Được chia sẻ thêm, điều kiện thuận lợi để nhiều người dân an tâm trồng dưa là hầu hết các khoản tiền cần phải đầu tư như: cày đất, phân bón, tăng, thuốc bảo vệ thực vật, rơm, ống dẫn nước tưới và việc khoan, đào hố âm giếng, hạt giống dưa hấu (chủ yếu là giống dưa Nam Sài Gòn, Đồng Xanh), đều được bên bán bao vụ. Riêng tiền trả công cho người lao động thì phải thanh toán ngay. Tổng số tiền đầu tư cho 1 ha dưa hấu là khoảng 60 triệu đồng. Người trồng dưa trăn trở nhất là giá bán trái dưa khi đến ngày thu hoạch, do việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Nhân công của anh Được pha thuốc để phun diệt mầm cỏ dại.

Khi đến ngày thu hoạch, thương lái sẽ đến diện tích trồng dưa để đánh giá năng suất. Nếu dưa được mùa, thương lái sẽ mua theo kiểu đếm số trái dưa trên một luống bất kỳ, rồi nhân số luống có chiều dài tương đồng trên toàn diện tích hiện trạng để tính mão ra khối lượng. Nếu dưa thất mùa, thương lái sẽ mua theo kiểu cân ký để tính ra khối lượng chính xác.

“Dưa hấu được thu mua với giá trên 5.000 đồng/kg thì người trồng dưa mới có lời. Tất nhiên, người theo nghề trồng dưa có năm lời, năm lỗ. Thế nhưng, những hộ gia đình bên tỉnh Bình Phước qua tỉnh Tây Ninh trồng dưa luôn xác định đây là cái nghiệp mưu sinh.

Tôi chưa biết năm nay giá bán dưa sẽ ra sao nhưng mình còn sức khoẻ thì còn lao động để kiến tạo cuộc sống. Hết mùa vụ này, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm đến nông trường khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để liên hệ trồng dưa hấu”- ông Được cho hay.

Minh Quốc

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh