Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các mặt hàng chiến lược được đáp ứng tốt, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, trong đó có mặt hàng xăng dầu, điện. Trong mọi tình huống, chúng ta không để mất điện, thiếu điện.
Xin nói rõ, tựa đề “Chuyện thời sự” kỳ này được đặt trong dấu ngoặc kép là vì đây là một câu trích phát biểu của một vị lãnh đạo Chính phủ - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, do ông bạn đọc “đối tác” của Bàn Dân dẫn lại trong câu chuyện “cà phê đàm” sáng chủ nhật vừa qua.
. Câu chuyện như thế này:
- Ông Bàn Dân nè, tui nghe nói sắp tới, từ ngày 1.7.2024 này Nhà nước sẽ tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… có phải vậy không?
- Ông nghe không sai. Đúng là từ 1.7 năm nay sẽ có tăng lương. Tuy nhiên, không chỉ tăng mức lương cơ bản theo lộ trình ngày 1.7 như những năm trước mà là thực hiện cải cách tiền lương một cách tổng thể theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Nghĩa là Đảng ta đã có chủ trương thực hiện chính sách lớn về tiền lương từ sáu năm trước, nhưng do những năm qua đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là trong mấy năm đại dịch Covid-19 toàn cầu, nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến lộ trình cải cách tiền lương.
Đến nay, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Chính phủ, theo Nghị quyết của Quốc hội, bắt đầu từ 1.7.2024 này sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương mới. Về ý nghĩa của cuộc cải cách tiền lương, nói như bà Bộ trưởng Bộ Nội vụ là: “Qua bốn lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách tiền lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hoà và hợp lý”. Đấy, ông thấy kỳ tăng lương sắp tới này có phải là hết sức quan trọng hay không!
- Thiệt lòng mà nói với ông, tuy tui là dân lao động ngoài Nhà nước nhưng cũng có suy nghĩ khi Nhà nước có chủ trương tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… nói chung là người làm công ăn lương, thì chắc chắn là sẽ có tác động đến kinh tế xã hội.
Vì vậy trong thời gian gần đây tui cũng chú ý theo dõi thông tin trên báo chí, truyền thông đề cập đến vấn đề tăng lương. Đồng thời, tui cũng có để ý đến tình hình giá cả thị trường xem có “rục rịch” gì không…
- Ông có sự quan tâm theo dõi thông tin, rồi lại để ý cả đến diễn biến thị trường, vậy ông đã cảm nhận được gì, có thể nói cho Bàn Dân nghe được không?
- Ông đã hỏi thì tui cũng xin bộc bạch cho phải phép. Về chuyện tăng lương thì tui thấy báo chí, truyền thông đề cập nhiều. Có điều người dân bình thường như tui quan tâm “chuyện giá” hơn là “chuyện lương”.
Bởi vì “thông thường” mỗi khi Nhà nước có chính sách tăng lương thì hay có chuyện thị trường “ăn theo” tăng giá. Chắc có lẽ Nhà nước cũng biết rõ “thực trạng” ấy nên vừa rồi tui có đọc được một bản tin rất hay, trong đó tui cảm thấy rất tâm đắc lời phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái- Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý điều hành giá 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024…
- Phó Thủ tướng nhận định như thế nào, việc điều hành, quản lý giá từ đầu năm đến nay ra sao mà trông ông có vẻ phấn khởi vậy?
- Theo bản tin tui đọc được, tại cuộc họp lãnh đạo Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, trong đó có một số giải pháp quan trọng như bảo đảm thông suốt cung ứng lưu thông hàng hoá, đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng cao như dịp tết nguyên đán.
Các mặt hàng chiến lược được đáp ứng tốt, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, trong đó có mặt hàng xăng dầu, điện. Trong mọi tình huống, chúng ta không để mất điện, thiếu điện.
Đồng thời, tăng cường kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ xuất khẩu hàng hoá nông thuỷ sản, tăng cường quản lý điều hành giá trong dịp lễ, tết, chuẩn bị sớm phương án điều hành các mặt hàng Nhà nước định giá theo lộ trình, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các gói hỗ trợ tín dụng hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt chính sách tài khoá phối hợp tốt…
Các giải pháp trên một mặt góp phần kiểm soát lạm phát, mặt khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng - hai mục tiêu rất lớn được thực hiện cân bằng trong thời gian qua.
Tình hình điều hành giá chung là như vậy. Còn điều tui cảm thấy tâm đắc nhất chính là câu này: “Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng là rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1.7 tới, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý “thành thói quen”, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống…”.
Ông thấy đó, như vậy là Đảng, Chính phủ “hiểu rất rõ lòng dân” đó chứ!
Bàn Dân