Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, một nội dung gây nhiều chú ý là đề xuất nâng khung thuế BVMT với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít.
Người dân mua xăng E5 tại cửa hàng xăng dầu số 2 thuộc Công ty TNHH MTV xăng dầu Lai Châu (phường Tân Phong, TP Lai Châu, Lai Châu). Ảnh: Phạm Vũ
Nâng khung thuế
Cụ thể, theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế BVMT, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: Mức thuế tối thiểu bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng; mức thuế tối đa bằng hai lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành (trong đó, xăng từ 1.000 đến 4.000 đồng/lít tăng lên 3.000 đến 8.000 đồng/lít).
Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế BVMT như hiện hành (300 đến 2.000 đồng/lít) vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ phần lớn người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Ðể khuyến khích hơn nữa việc sản xuất và sử dụng xăng, dầu sinh học theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định mức thuế BVMT ưu đãi đối với xăng, dầu sinh học.
Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Ðình Thi cho biết: Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng, dầu nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; bảo đảm tính ổn định của Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kịp thời điều chỉnh mức thuế cụ thể trong khung quy định mà Quốc hội đã giao cho UBTVQH để bảo đảm lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng, dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.
Cũng theo lý giải từ phía Bộ Tài chính, cơ sở đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với xăng, dầu còn dựa trên tính toán các yếu tố: Một là, việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do); Hai là, hiện nay, giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam cơ bản thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo bảng xếp hạng tại website Global Petrol Prices vào ngày 22-5-2017 thì giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước, Việt Nam đứng thứ 40 từ thấp đến cao, nghĩa là có 130 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Phi-li-pin đứng thứ 57, Cam-pu-chia đứng thứ 58, Thái-lan đứng thứ 85, Lào đứng thứ 95).
Ba là, tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng) trên giá cơ sở của Việt Nam tính đến ngày 2-5 đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu đi-ê-den; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu ma-dút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%; Cam-pu-chia khoảng 40%; Lào khoảng 56%, Phi-lip-pin khoảng 62%; Nga khoảng 52%; Mỹ khoảng 53%, Thái-lan khoảng 67%).
Không quy định lộ trình áp dụng khung thuế
Theo Vụ trưởng Phạm Ðình Thi, Luật Thuế BVMT quy định khung mức thuế BVMT và giao cho UBTVQH quy định mức thuế BVMT cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế BVMT. Do đó, trong Luật Thuế BVMT không quy định lộ trình áp dụng khung thuế.
Trên cơ sở đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tới giá bán lẻ xăng, dầu và đời sống người dân, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình UBTVQH quyết định mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng, dầu trong phạm vi khung quy định tại Luật cho phù hợp.
Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng, dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để bảo đảm tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng, dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng, dầu, cũng như đến sản xuất, kinh doanh.
Ðại diện một DN kinh doanh xăng, dầu tại TP Hà Nội cho biết, việc tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, bởi thuế BVMT chỉ là khoản mà DN thu hộ Nhà nước.
Sau đó, số tiền này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Ðiều mà các DN kinh doanh xăng, dầu đặc biệt quan tâm là Nhà nước phải có các giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán xăng, dầu nhập lậu, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Trên thực tế, một lít xăng sau khi chịu tất cả các loại thuế, phí, lệ phí bán ra thị trường khoảng 17 nghìn đồng/lít nhưng hàng cùng loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc chỉ bán khoảng 12 nghìn đồng/lít đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây khó khăn đối với các DN làm ăn chân chính.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho biết, việc điều chỉnh thuế BVMT với xăng, dầu cần tính toán kỹ lưỡng, để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân. Cùng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu theo cam kết quốc tế, việc điều chỉnh các sắc thuế nội địa trong đó có thuế BVMT, nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách là cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần tính toán kỹ để điều chỉnh tăng thuế nội địa cho phù hợp với nền kinh tế, với sức dân. Ngoài ra, biểu khung thuế dự kiến như trong tờ trình (mức cao nhất là 8.000 đồng/lít xăng) là quá cao, nên đưa mức thuế BVMT về tối đa 5.000 đồng/lít xăng, như thế sẽ phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, phù hợp mức sống người dân hiện nay.
Nguồn Báo Nhân dân